Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xôm tụ ‘chợ huyện online’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xôm tụ 'chợ huyện online'

Minh Duy

(KTSG) - Khi siêu thị, kênh online của siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... thất thủ vì hàng hóa hoặc không giao được đến tay người mua hoặc cạn nguồn, những fanpage cộng đồng dân cư xã phường xuất hiện như một “chợ huyện online”, nơi cung ứng hàng hóa phong phú chẳng kém gì siêu thị, đặc biệt dành cho cư dân nội huyện, nội quận.

Xôm tụ 'chợ huyện online'
Người dân ngồi chờ mua hàng ở siêu thị. Ảnh: Minh Duy

“Cuộc chiến”... mua thực phẩm

Một tuần sau khi TPHCM bắt đầu thực hiện giãn cách toàn thành phố để ngăn dịch Covid-19, chị M. ở huyện Nhà Bè quyết định sẽ không đi siêu thị nữa vì quá tốn thời gian và vì nguy cơ lây nhiễm cao do tập trung đông người.

Chị M. chuyển sang đặt mua hàng trực tuyến của siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng thực phẩm bán trực tuyến và tin rằng có thể dễ dàng mua thực phẩm cho gia đình trong giai đoạn giãn cách nhưng thực tế đã không phải vậy. Con đường tìm thực phẩm cho gia đình, đặc biệt là với những gia đình ở xa khu vực trung tâm, khu vực có dân số lớn thành phố lại hết sức khó khăn, trải qua từ chặng này đến chặng khác như một... cuộc chiến.

Vài ngày sau, khi gia đình sắp hết thực phẩm, chị M. bắt đầu vào fanpage của ba siêu thị lớn để đặt hàng. Thoạt đầu, mọi việc có vẻ dễ dàng vì fanpage đầy hình ảnh về những kệ hàng đầy ắp cùng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và lời mời mua.

Rồi tình trạng quá tải đơn hàng trực tuyến cũng diễn ra. Đường dây nóng của siêu thị luôn bận, hệ thống đặt hàng trực tuyến luôn tắc nghẽn nên không thể mua hàng, những lúc có thể chọn lựa hàng thuận lợi thì người mua được nhận lấy cái kết: hệ thống giao hàng bị tắc nghẽn. Chị M. cho biết đơn hàng đã đặt 10 ngày vẫn chưa được giao bất kể mỗi ngày chị đều chọn những khung giờ có ít người truy cập để vào kiểm tra, làm mới đơn hàng.

Một số cửa hàng thực phẩm trực tuyến cũng thông báo không nhận đơn mới vì quá tải. Trong khi tình trạng ở các cửa hàng tiện lợi cũng không khá hơn. Người mua xếp hàng dài, gọi điện đặt hàng cũng không được dù có hệ thống siêu thị trước đó đã cung cấp số điện thoại nhân viên của tất cả các cửa hàng trên toàn thành phố và cam đoan là người mua không cần đến nơi chọn hàng, chỉ cần báo trước món hàng cần mua rồi đến lấy.

“Chợ huyện online” cho dân nội huyện, nội quận

Nhà xa trung tâm thành phố, các kênh quen thuộc tắc nghẽn, chợ lại đóng cửa nên nguồn thực phẩm của nhà chị M. trong những ngày đó đến từ các hàng rau, hàng thịt mở cửa he hé “bán trộm” ở gần nhà. Tuy nhiên, đến khi thành phố quyết định thắt chặt hơn việc thực hiện Chỉ thị 16 để ngăn dịch, hạn chế dịch vụ giao hàng và phát phiếu mua hàng cho người dân thì chị M thực sự bối rối trong chuyện mua thực phẩm.

“Cả mấy ấp mà chỉ có vài ba cửa hàng tiện lợi thì có phiếu mua cũng không thể xếp hàng nổi mà mua, chưa kể nhiều nhà như nhà tôi lại không được phát phiếu”, chị M. nói.

Thật may sau nhiều lần dò la trên mạng, M. đã phát hiện một kênh cung cấp thực phẩm phong phú không kém gì siêu thị. Đó là fanpage mang tên cư dân nơi gia đình chị đang sinh sống. Trên đó, người dân trong huyện buôn bán đủ thứ, từ thịt, cá, tôm, sữa, tả, rau củ quả, đồ ăn sáng, ăn vặt, thậm chí cả bánh mì - món ăn sáng bình dân mà nhiều người thành phố đang... nhớ nhung cũng được chào bán rôm rả.

Do quy định về đi lại khó khăn hơn trong giãn cách nên người bán - người mua cũng nhanh nhạy rao hàng cần mua, cần bán vào các nhóm sống trong khu vực có thể giao hàng. Khi mua hàng của người cùng ấp, cùng xã thì hàng sẽ được giao nhanh hơn, ít tốn thậm chí là miễn tiền vận chuyển, xa hơn một chút thì có thể sẽ không giao được, giao chậm hoặc phí vận chuyển cao...

Người mua - người bán nói rõ nhu cầu, điều kiện của nhau, cần là đặt hàng, ấn định thời giao và chờ nhận hàng, nhanh còn hơn mua ở siêu thị.

Cột mốc cho tạp hóa số?

Những người bán hàng trên mạng đó là ai? Phần lớn trong số đó là tiểu thương của các chợ truyền thống chủ tiệm tạp hóa, cửa hàng thực phẩm, lò bánh, bún... đã phải tạm ngưng kinh doanh trực tiếp vì dịch. Không bán tại chỗ, những người này lên mạng, tạo nên một cộng đồng buôn bán nhộn nhịp.

Cho dù cả người bán và người mua đều biết việc mua bán, giao hàng trong mùa dịch có nhiều lúc không đúng với những quy định về giãn cách của cơ quan quản lý nhưng “chợ huyện online” vẫn cứ họp vì nhu cầu thực tế rất cao.

“Rao hàng từ đầu giờ sáng, đến trưa là tôi phải ngưng vì đơn hàng quá nhiều, nhận thêm sẽ không giao kịp”, chị Ngọc Minh, một người bán tôm trên fanpage này nói.

Tiểu thương này cũng gặp khó khăn một thời gian sau khi chợ đóng cửa nhưng khi chuyển được sạp hàng “lên mạng” thì việc kinh doanh tốt hơn, gần bằng với lúc bình thường. “Mình rao ở đây, khách thích thì đặt luôn hoặc đặt qua điện thoại rồi phân vùng ra giao. Khách có thể trả tiền mặt, chuyển khoản hoặc chuyển tiền qua ví điện tử”, chị nói.

Ở những vùng xa trung tâm thành phố, nếu chợ, cửa hàng đóng cửa, người giao hàng bị hạn chế di chuyển sợi dây luân chuyển hàng hóa đến tận tay người dùng coi như gần như đứt cho nên kênh này trở thành kênh mua - bán hiệu quả nhất. Các cửa hàng tạp hóa, quầy sạp ở chợ vốn ngày thường được cho là kém cạnh tranh với những kênh bán hàng hiện đại khác thì nay đã khoác lên mình một hình ảnh mới, năng động và hiệu quả hơn.

Thế nhưng, cũng có những chủ cửa hàng khác, dù muốn chuyển đổi và cũng đã bắt đầu tập tành lên mạng bán hàng nhưng hiện vẫn khó khăn. “Có muốn bán cũng không có hàng mà bán. Tôi cần nhà cung cấp hỗ trợ có thêm hàng tươi sống, người tiêu dùng rất cần nhưng không mua được, kiếm nguồn hàng rất khó”, bà Hồ Thị Ngọc Dung, chủ cửa hàng tạp hóa Quỳnh Lam nói tại buổi livestream công bố dự án tạp hóa số vào cuối tháng 7 vừa qua. Dự án do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS), Chuỗi Tạp hóa Cam tổ chức và Hệ thống học viện kinh doanh số IM GROUP triển khai.

Một số ý kiến cho rằng, từ đại dịch và đặc biệt là từ đợt giãn cách này, cần nhìn nhận lại vai trò của hệ thống tạp hóa trong chuỗi phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng để có cách quản lý, vận hành phù hợp hơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, trong thời gian qua, không những hệ thống siêu thị quá tải mà các sàn thương mại điện tử cũng vậy, có đến 70% số mặt hàng trên hệ thống thương mại điện tử không thể giao. Trong khi hệ thống tạp hóa đang hoạt động rất hiệu quả nhưng lại gần như bị đóng cửa.

Ông cho rằng, trong đợt giãn cách này, hệ thống tạp hóa không được nhắc đến trong những kế hoạch đảm bảo lưu thông hàng hóa dù hệ thống này có thể đưa hàng hóa đến tận các ngóc ngách của thành phố. “Nếu shipper - người giao hàng bị hạn chế di chuyển - tiệm tạm hóa sẽ đóng vai trò đưa hàng hóa đến người dân. Hệ thống này sẽ giúp cho nền kinh tế trong đại dịch cơ động hơn, giúp cho người dân không phải đi quá xa nhà mà vẫn mua đủ đồ dùng”, ông Dũng nói tại buổi livestream.

Theo ông, thời gian qua các tiệm tạp hóa bị co cụm do bị cạnh tranh gay gắt bởi các chuỗi bán hàng hiện đại. Và cứ như một vòng luẩn quẩn, càng co cụm, doanh số càng ít thì nhà phân phối lại không hợp tác chặt chẽ để cung cấp hàng hóa và các chương trình khuyến mãi cho khách hàng nên lại càng kém sức hút.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, hệ thống bán hàng này vẫn giữ vị trí là một mắt xích quan trọng trong thông thương hàng hóa nhưng cần chuyển đổi, số hóa để có thể bán hàng tốt hơn. Việc chuyển đổi không chỉ là công việc của các chủ tạp hóa mà còn là của các phòng kinh tế quận, huyện.

Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ các chủ tiệm tạp hóa chuyển đổi số như đa dạng sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong bán hàng - thanh toán, cung cấp các giải pháp về hệ thống quản lý kho, giao hàng - đặt hàng và kết nối người bán với nhà cung cấp hàng hóa, những người làm dự án sẽ kiến nghị với các phòng kinh tế để có những hình thức hỗ trợ giúp chủ tiệm làm ăn tốt hơn trong thời đại số.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới