Xóm Vịt trời
Huy Nguyễn
![]() |
Một cảnh trong vở "Xóm Vịt trời" - ảnh: Huy Nguyễn |
(TBKTSG Online) - Trong số những vở kịch Tết sẽ được trình diễn tại Idecaf, “Xóm Vịt trời” (tác giả Hương Giang, đạo diễn Tuấn Khôi) hội đủ các yếu tố bi và hài.
Đây là một câu chuyện được tác giả Hương Giang cảm tác từ truyện ngắn cùng tên.
Bối cảnh câu chuyện xảy ra tại một miền quê Nam bộ thời Pháp thuộc. Đó là khoảng thời gian mà định kiến của con người về vấn đề trọng nam khinh nữ còn rất nặng nề. Vì vậy, hầu như không đàn ông nào dám lấy vợ tại xóm Vịt trời, nơi mà phụ nữ chỉ sinh ra toàn con gái.
Tuy nhiên, tình yêu luôn có một sức mạnh vô tận. Cậu công tử nhà giàu tên Dương ở xóm Cò gần bên đã đem lòng yêu thương cô Hồng ở xóm Vịt trời. Cha anh quyết liệt ngăn cấm vì ông sợ rằng vợ anh sẽ tiếp tục sinh ra con gái, không có người để nối dõi tông đường. Bất nhẫn trước ngươi cha vô tâm Dương trốn sang nhà vợ để được sống trọn tình, trọn nghĩa vợ chồng. Hành động này, khiến cho người cha nổi giận và ông đã tìm đủ mọi cách ngăn cản, thậm chí giết người.
Ngoài việc miêu tả những quan niệm lạc hậu về giá trị giới tính, xóm Vịt trời cũng đưa người xem trở về với không gian sống và không gian tâm lý của vùng đất Nam bộ khoảng đầu thế kỷ 19, một thời kỳ mà con người từ khắp nơi tụ về đây khẩn hoang, tìm kiếm một đời sống mới.
Tác giả đã mô tả cái chất hào sảng và cởi mở đón nhận tất cả những giá trị văn hóa của tất cả các vùng miền, bằng cách xây dựng nên một tuyến nhân vật nói nhiều giọng khác nhau. Ông Sinh cha của 6 cô con gái nói giọng Quảng Bình, chú Tư nói giọng Huế, chú 7 giọng rặc ri Nam bộ, công tử Dương và mẹ nói giọng Bắc, và bạn ông Sinh nói giọng Tàu lai.
Họ có xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng sinh sống chan hòa khi họ đồng tâm hiệp lực đòi cha công tử Dương chấp nhận Hồng là con dâu trong gia đình. Họ sống chết cùng nhau khi dám lao vào lửa cứu thoát gia đình ông Sinh trong một đêm hỏa hoạn. Rồi họ hồi hộp chờ đợi và mừng vui khi cô Hồng hạ sinh một cặp đôi một gái, một trai.
Tuy nhiên, một trong những chi tiết đắt nhất của vở diễn là đoạn cô Lan con ông Sinh, thi tài thơ phú với cha công tử Dương. Lan vừa lễ độ, vừa thông minh đã hạ đo ván ông chủ giàu có hống hách. Qua đó, tác giả muốn chứng minh, giá trị con người không phải được quy định bởi giới tính.
Vở diễn có sự tham gia của các diễn viên gồm NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Thái Quốc, Đình Toàn, Hương Giang, cùng đông đảo các diễn viên trẻ của sân khấu Idecaf.