Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng biến giống cây trồng thành một tài sản trí tuệ sinh lời

Nguyễn Ngọc Trâm (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiện nay tại Việt Nam, hoạt động phát triển các giống cây trồng mới đang được đầu tư nhiều hơn và không hề dừng lại ở khả năng lai giống mới hữu ích làm tăng năng suất mà còn phát triển theo xu hướng biến giống cây trồng thành một tài sản trí tuệ sinh lời. Đây cũng là một quy trình không chỉ phức tạp cho người kiến tạo giống cây trồng mới ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Giống cây trồng và bằng bảo hộ nó chính là sự thể hiện của sản phẩm trí tuệ. Trong ảnh: một vườn thanh long nhìn từ trên cao ở Long An. Ảnh: N.K

Một hệ thống hướng dẫn và bảo vệ bao gồm luật sở hữu trí tuệ, thông tư hướng dẫn về quyền đối với giống cây trồng, thông tư về bảo hộ giống cây trồng và ngoại lệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… là điều cần thiết để người tạo ra giống cây trồng mới có thể an tâm đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tiếp tục đưa ra thị trường các giống mới, mang tính đột phá. Tuy nhiên, bảo hộ giống cây trồng và việc sinh lời trên bằng bảo hộ vẫn được xem là một quy trình phức tạp cho người kiến tạo giống cây trồng mới tại Việt Nam cũng như toàn cầu.

Quyền đối với giống cây trồng và nhược điểm của nó

Tại Mỹ, việc xin cấp quyền đối với giống cây trồng (plant patent - một loại hình bằng sáng chế) dễ dàng hơn so với phần lớn các khu vực khác trên thế giới. Người lai tạo ra hạt giống mới (hay còn gọi là người nhân giống) hoặc kiến tạo các giống cây trồng sinh sản hữu tính có thể xin bảo hộ theo Đạo luật bảo hộ giống cây trồng Mỹ (U.S. Plant Variety Protection Act - PVPA). Tuy nhiên, quy định miễn trừ dành cho người nhân giống của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (International Union for the Protection of New Varieties of Plants - UPOV) cho phép tất cả người nhân giống được mua quyền sử dụng nguyên liệu gốc để nhân giống mới. Trong khi đó, các giống lai F1 của người gây hạt giống cũng được bảo hộ thông qua bí mật thương mại.

Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thực tế trở nên khó khăn hơn đối với các giống sinh sản sinh dưỡng, khi mà nhiều giống cây cảnh được vận chuyển qua nhiều nước trước khi tới điểm đến cuối, nơi nó xin bằng bảo hộ. Có một sự thực đáng buồn rằng: cắt bộ phận của một cây trồng mà đã được cấp quyền rồi nhân rộng hay vận chuyển trái phép sang nước khác là việc làm rất dễ dàng, dù đối tượng thực hiện hành vi có thể phải đối mặt với hậu quả nặng nề, ở một số quốc gia hình phạt bao gồm cả phạt tù và phạt tiền. PVPA, vốn bảo vệ nguyên liệu sinh sản hữu tính (hạt giống), do cơ chế công nghệ giống cây trồng phát triển, nay đã được bổ sung thêm khái niệm “giống có nguồn gốc phái sinh” (essentially derived varieties - EDV).

Hiện nay trên thế giới, có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên đưa công nghệ mới trong việc tạo ra giống có nguồn gốc phái sinh vào Đạo luật về Quyền đối với giống cây trồng ở các quốc gia hay không. Một số ý kiến cho rằng đây là việc chắc chắn phải làm để bảo hộ giống có nguồn gốc phái sinh hoặc bảo hộ chủ thể quyền đối với giống cây trồng trước tình trạng các công ty lợi dụng công nghệ để biến đổi giống được cấp quyền rồi phân phối chúng như thể là sản phẩm do họ tự nghiên cứu ra, hoặc là cả hai trường hợp.

Trong khi đó tại Việt Nam, việc xin cấp quyền bảo hộ giống cây trồng dù không khó hay quá lâu nhưng thủ tục mang tính kỹ thuật cao. Đây là trở ngại đối với các nhà sáng tạo là đối tượng nông dân (chứ không phải các viện giống cây trồng) khi xin đăng ký quyền bảo hộ dẫn thành ra việc xin đăng ký cấp quyền không quá phổ biến. Ngoài ra, việc xác định một giống cây trồng mới là bản sáng tạo gốc mới hay bản phái sinh của bản gốc nào đó trên thế giới là việc không hẳn là bất khả thi, nhưng tốn nhiều thời gian, đồng thời luật Việt Nam chưa có những phần riêng quy định về giống có nguồn gốc phái sinh từ giống gốc ở nước ngoài một cách rất chi tiết và cụ thể. Xu hướng của nhiều bộ phận người làm nông ở nhiều địa phương là xin cành hoặc hạt giống của nhau về trồng cũng khiến việc xác định giống gốc và ai thực sự sở hữu nó trở nên khó khăn và phức tạp.

Từ đây, có thể thấy cuộc thảo luận về việc bảo hộ giống cây trồng phức tạp hơn phần lớn công chúng và kể cả các nhà nhân giống tự thân có thể mường tượng được.

Thanh long ruột đỏ không nên là cái tên sinh lời duy nhất

Bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng trước tiên là phương tiện xác nhận chủ sở hữu của giống cây trồng mới cũng như là phương tiện đảm bảo rằng tài sản trí tuệ mang tên cây trồng không bị sử dụng tràn lan mà không có sự cho phép của chủ sở hữu. Bằng bảo hộ giống cây trồng tiếp theo là yếu tố quan trọng cho một số thị trường xuất khẩu hay hợp tác với đối tác nước ngoài. Và bằng bảo hộ giống cây trồng còn là một kênh sinh lời nếu chủ sở hữu biết cách kích hoạt nó và đặt nó vào đúng hệ sinh thái của nó.

Vậy các doanh nghiệp giống cây trồng hay doanh nghiệp nông sản nhỏ, cũng như các nhà nhân giống mới, với tư cách cá nhân nên đăng ký quyền bảo hộ giống cây trồng theo 5 bước như ở hình 1.

Hình 1: 5 bước đăng ký hồ sơ bảo hộ giống cây trồng

• Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp Đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng cho Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới - Cục Trồng trọt.

• Bước 2: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới thẩm định hình thức đơn và thông báo, từ chối hoặc chấp nhận đơn như sau:

+ Thông báo từ chối chấp nhận đơn đối với các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 điều 176 Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

+ Thông báo cho người đăng ký khắc phục những thiếu sót trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 điều 176 Luật Sở hữu trí tuệ và ấn định trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người đăng ký phải khắc phục các thiếu sót đó;

+ Thông báo từ chối chấp nhận đơn, nếu người đăng ký không khắc phục thiếu sót hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối thông báo quy định tại điểm b khoản 3 điều 176 Luật Sở hữu trí tuệ

+ Thông báo chấp nhận đơn, yêu cầu người đăng ký gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật và thực hiện thủ tục quy định tại điều 178 của Luật này nếu đơn hợp lệ hoặc người đăng ký khắc phục thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối thông báo quy định tại điểm b khoản 3 điều 176 Luật Sở hữu trí tuệ;

• Bước 3: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng;

• Bước 4: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ (gồm thẩm định tính mới; tên giống cây trồng; khảo nghiệm và thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng);

• Bước 5: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới làm thủ tục cấp hoặc từ chối cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi nhận vào sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ nếu được cấp bằng.

Hồ sơ được nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua cổng thông tin.

Địa chỉ: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng

Phòng 106, Nhà A6A số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 238435182 - FAX: (024) 237342844

Email: pvpvietnam@mard.gov.vn

 

Nhà nước Việt Nam hiện nay khuyến khích đổi mới sáng tạo, theo đó khuyến khích các hoạt động phát triển sản phẩm trí tuệ và làm giàu từ sản phẩm trí tuệ. Giống cây trồng và bằng bảo hộ nó chính là sự thể hiện của sản phẩm trí tuệ. Tính tới tháng 2-2023, có rất nhiều giống cây trồng mới đã được đăng ký và được chấp thuận bảo hộ.

Theo đó, ngoại trừ các giống cây nông sản cho ra quả như thanh long ruột đỏ, đỏ tím, hồng, trắng, bưởi, chà là, các giống nông sản lương thực như khoai, hay lúa như giống lúa ST25, ST24, nếp thơm Ngọc Lan, Hương Thanh 10, thì các giống cây cảnh lai tạo như cúc, hồng, hay giống lai tạo su hào cũng được cải tiến bởi nhiều công ty và cá nhân, và xin đăng ký với văn phòng bảo hộ giống cây trồng.

Nhiều hình thái sinh lời

Đối với việc sinh lời từ quyền sở hữu giống cây trồng thì việc sinh lời tới từ nhiều hình thái: Nhà nước cho phép chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng được chuyển nhượng quyền cho cá nhân tổ chức khác.

Theo khoản 1 điều 186 về quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng Luật SHTT 2019 có quy định: 1. Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ: a. Sản xuất hoặc nhân giống; b. Chế biến nhằm mục đích nhân giống; c. Chào hàng; d. Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; đ. Xuất khẩu; e. Nhập khẩu; g. Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

Bên cạnh điều 186, hành vi chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được diễn giải như sau: “Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định”. Nghĩa là, chính việc chuyển nhượng quyền mang tới nguồn thu một lần hoặc nguồn thu thường niên cho chủ sở hữu quyền, tùy theo hợp đồng nhượng quyền quy định.

Nói tới việc giống cây trồng mang tới lợi nhuận, bên cạnh thanh long đỏ, không thể không nhắc tới cái tên như gạo ST24, gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua hay vú sữa bơ cơm vàng, cơm hồng là những điểm nhấn nổi bật trong hệ thống giống cây trồng Việt Nam mà mang về lợi nhuận từ chính giống cây chứ không chỉ từ việc bán quả ra thị trường.

Các doanh nghiệp nông sản và giống cây trồng Việt cũng như các nhà nông sáng tạo ở trên lãnh thổ Việt Nam cần tìm hiểu nhiều hơn về giống cây trồng và bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, xin tư vấn của chuyên gia SHTT về việc khai thác sinh lời từ bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng này để không chỉ thu lợi nhuận cho cá nhân mà còn đóng góp cho con đường đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp mà nhà nước đang khuyến khích và đẩy mạnh.

(*) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan, New York, Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới