Thứ năm, 16/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng mới: Xuất khẩu dịch vụ

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lâu nay các nước đang phát triển xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới, nay bên cạnh hàng hóa họ còn xuất khẩu dịch vụ, doanh số ngày càng cao.

Nhờ công nghệ kết nối có những bước đột phá, xu hướng thuê ngoài và thương mại điện tử, xuất khẩu dịch vụ, theo tờ Economist, đã tăng đến 60% trong vòng 10 năm qua, đạt mức 7.900 tỉ đô la (tương đương 7,5% GDP toàn cầu). Xuất khẩu hàng hóa còn nhiều hơn, lên đến 24.000 tỉ đô la nhưng tăng trưởng không đáng kể, quy mô so với GDP thế giới hầu như không đổi.

Một buổi học tại Trung tâm đào tạo Anh ngữ Axcela. Trung tâm này cung cấp các dịch vụ đào tạo tiếng Anh cho các doanh nghiệp và người đi làm. Ảnh: Tư liệu Axcela

Hình ảnh một tiệm gà chiên ở New York sử dụng người ngồi ở Philippines để nhận đặt món qua màn hình video là không còn xa lạ. Happy Cashier giúp kết nối các tiệm ăn ở Mỹ với người phục vụ ở Philippines với chi phí tuyển dụng chỉ bằng một phần mức lương ở Mỹ.

Trước nay xuất khẩu dịch vụ chủ yếu do các nước giàu tiến hành, nhân sự từ các nước phát triển sang các thị trường mới nổi để điều hành, huấn luyện, quản lý. Mặc dù Trung Quốc đã vượt Mỹ về xuất khẩu hàng hóa từ năm 2009, Mỹ vẫn đang xuất khẩu dịch vụ nhiều hơn đến 2,5 lần. Ngay cả nước Anh, đã tụt xuống hạng 14 trên toàn cầu khi nói đến xuất khẩu hàng hóa, vẫn đứng thứ nhì về xuất khẩu dịch vụ.

Tuy nhiên hiện nay các nước đang phát triển đang phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp có thể xuất đi các nước. Nhiều nước xuất khẩu các dịch vụ nghe nhìn, tin học và viễn thông. Ở các nước như Bulgaria, Estonia, Latvia, Moldova, Romania và Ukraine, xuất khẩu dịch vụ chiếm trên 3% GDP.

Ấn Độ là nước châu Á có thành tích tốt nhất trong lĩnh vực này; xuất khẩu dịch vụ của nước này gần bằng 3% GDP. Với một nước có quy mô như Ấn Độ, đây là một mức rất lớn; năm công ty công nghệ thông tin lớn nhất có tổng giá trị vốn hóa đến 350 tỉ đô la. Ấn Độ có hơn 1.600 trung tâm năng lực toàn cầu, tức là các trung tâm công nghệ và nghiên cứu cho các hãng đa quốc gia, tuyển dụng hơn 3 triệu người. Tính chung, xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ chiếm 5% tổng kim ngạch của toàn thế giới, tăng từ mức 3% cách đây 10 năm.

Ngoài công nghệ thông tin, lĩnh vực thu hút xuất khẩu dịch vụ khác gồm các loại hình như kế toán, quản lý nhân sự, nói chung là các dịch vụ liên quan đến thương mại, kỹ thuật và kinh doanh. Trong lĩnh vực này đứng đầu là Estonia và Philippines, xuất khẩu dịch vụ chiếm đến 5% GDP mỗi nước. Cũng giống như Ấn Độ, điểm thu hút là giá nhân công rẻ, đội ngũ nhân lực biết nói tiếng Anh đông.

Ở các nước khác, xuất khẩu dịch vụ có thể là hình thức nhân lực nước này nhận công việc làm qua mạng từ nước khác, như dịch thuật, đồ họa, nhập dữ liệu... Loại hình này khó đo lường hơn nhưng đến hai phần ba các người làm việc tự do trên các nền tảng hoạt động bằng tiếng Anh như Upwork hay Fiverr đến từ các nước đang phát triển.

Du lịch cũng được tính là xuất khẩu dịch vụ, nhất là các loại hình du lịch chữa bệnh gồm dịch vụ nha khoa, thay khớp háng, cấy tóc chữa hói đầu… rất thu hút khách. Các nước Costa Rica, Croatia và Moldova xuất khẩu dịch vụ y tế trị giá từ 0,2-0,5% GDP của nước họ; Armenia và Jordan còn cao hơn, mỗi nước chừng 1% GDP. Chỉ cần ngồi ở sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vài tiếng là hiểu ngay công nghệ cấy tóc cho người nước ngoài thịnh hành biết bao; du khách về nước, đầu vẫn còn quấn băng sau khi cấy tóc.

Stan Shih, người sáng lập hãng máy tính Acer từng nghĩ ra khái niệm “đường cong nụ cười” để mô tả giá trị gia tăng trong quy trình sản xuất tăng nhanh hơn trong giai đoạn 1 và 3 (tức thiết kế và phân phối) hơn là giai đoạn 2 (sản xuất). Dưới sức ép cạnh tranh, nụ cười này càng cong hơn; như Apple thiết kế và phân phối chiếc iPhone, còn khâu sản xuất giao cho Foxconn nhưng tính ra Apple có trị giá hơn 3.000 tỉ đô la trong khi Foxconn, sản xuất đến 70% số điện thoại iPhone, chỉ trị giá 99 tỉ đô la.

Tuy nhiên về dài hạn, AI (trí tuệ nhân tạo) có thể gây ra nhiều vấn đề cho việc xuất khẩu dịch vụ. Một báo cáo của Capital Economics, một hãng tư vấn cho rằng AI sẽ dẫn đến cái chết từ từ của ngành xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ, mỗi năm lấy đi chừng 0,3-0,4% tăng trưởng của khu vực này trong vòng 10 năm tới. Sự phổ biến của công nghệ kết nối tạo điều kiện cho việc xuất khẩu dịch vụ - các tiến bộ công nghệ gần đây lại có thể trói chân sự phát triển của lĩnh vực này.

Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây quay sang chính sách bảo hộ cho sản xuất trong nước, các nước đang phát triển phải tìm con đường khác để tăng trưởng. Xuất khẩu dịch vụ, mặc dù có những hạn chế như ít tạo ra việc làm, vẫn là con đường phát triển đáng lưu ý. Nếu ngày xưa đó là nỗ lực đưa người lao động từ nông trại ra nhà xưởng thì nay là trao cho họ các công cụ công nghệ để xuất khẩu sức lao động của họ ra thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới