Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng ‘thiết kế xanh’ hậu Covid

Thanh Phương thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau hơn hai năm bị đại dịch Covid-19 hoành hành, con người bắt đầu dành sự quan tâm rõ rệt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe. Người lao động trở nên đặc biệt quan tâm môi trường làm việc của họ tác động thế nào đến sức khỏe bản thân. Ở chiều ngược lại, với trách nhiệm và tình thương, chủ doanh nghiệp cũng triển khai nhiều giải pháp làm mới không gian làm việc để đón nhân viên trở lại công ty sau thời gian giãn cách.

Phóng viên Kinh tế Sài Gòn đã có cuộc gặp gỡ với kiến trúc sư Trần Khánh Trung, một trong ba thành viên sáng lập TTT Corporation, về xu hướng mới trong lĩnh vực thiết kế – thi công văn phòng làm việc nói riêng, các công trình xây dựng nói chung, trong khuynh hướng bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Kiến trúc sư Trần Khánh Trung hiện là: Kiến trúc sư trưởng Công ty TTT Architects; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc Xanh TPHCM; Thành viên hội đồng Kiến trúc xanh Việt Nam (thuộc Hội KTS Việt Nam); Thành viên ban cố vấn Hội đồng Công trình xanh Việt Nam – VGBC (thuộc Hội đồng Công trình xanh thế giới – World Green Building Council – WorldGBC).

KTSG: Thưa ông, những yêu cầu đối với không gian làm việc đã thay đổi như thế nào sau Covid-19?

– KTS. TRẦN KHÁNH TRUNG: Sau đại dịch Covid-19, đã có những đòi hỏi mới đối với không gian làm việc ở văn phòng các công ty. Trước hết, những nguyên tắc vốn có đối với các yêu cầu thiết kế – thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người làm việc, giờ đây được soi xét một cách thực chất hơn, cụ thể hơn trên những yếu tố mà người sử dụng có thể cảm nhận thông qua các giác quan.

Thí dụ đối với khứu giác là chất lượng không khí trong văn phòng (lọc bụi mịn, không chứa hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus…); về thị giác là chất lượng ánh sáng; về thính giác là chất lượng âm thanh; về xúc giác là tiện nghi nhiệt (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió phù hợp) và là những bề mặt sử dụng vật liệu tự kháng khuẩn, dễ vệ sinh…

Giờ đây, chúng ta đã có thể thấy rõ Covid-19 đã gây tổn hại không nhỏ đối với sức khỏe tinh thần. Các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu… xuất hiện nhiều kể cả với những người chưa hề nhiễm bệnh. Do vậy, người ta quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần trong văn phòng làm việc và vấn đề này cũng được nhà thiết kế chú ý thông qua các giác quan người sử dụng. Như mùi vị thiên nhiên của không khí được thông gió tự nhiên sẽ giúp người làm việc cảm thấy thoải mái và an tâm hơn. Âm thanh của thiên nhiên (tiếng gió nhẹ, mưa nhẹ, tiếng chim hót…) sẽ làm cho sức khỏe tinh thần người làm việc tốt hơn. Ánh sáng tự nhiên sẽ tốt hơn ánh sáng nhân tạo, bởi nó tạo cho người làm việc cảm giác được kết nối với thiên nhiên, với môi trường bên ngoài nhà.

Đối với xúc giác, xét về mặt tinh thần thì đó là những cái ôm, cái bắt tay sau thời gian giãn cách. Người làm việc cần các không gian để kết nối trở lại với bạn bè, đồng nghiệp cũng như với xã hội, giúp giảm đi các bệnh lý về tinh thần mà họ đang trải qua.

KTSG: Có ý kiến cho rằng con người có nguy cơ bị stress cao hơn ở thời hậu Covid, hoặc tình trạng stress kéo dài hơn, thậm chí là dễ bị stress ở mức trầm trọng hơn. Liệu mục tiêu giảm stress cho người làm việc đã được “chuyển hóa” vào lĩnh vực thiết kế – thi công văn phòng như thế nào, thưa ông?

– Sau hai năm đại dịch diễn ra, nhiều nhân viên đã quen làm việc tại nhà và một số từ chối trở lại làm việc tại văn phòng. Các doanh nghiệp đã phải thích nghi với nhu cầu mới này và nảy sinh mô hình “làm việc linh hoạt – hybrid working”, theo đó, nhân viên có thể làm việc tại chỗ hoặc từ xa, tùy tính chất công việc và nhu cầu riêng.

Thực ra, mô hình hybrid working đã có từ trước nhưng sự khác biệt chưa rõ rệt. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự phát triển mô hình này lên một nấc mới. Nếu không gian văn phòng trước đây thường chia làm hai khu vực khác nhau: khu làm việc (chỗ ngồi riêng của nhân viên) và khu công cộng (phòng họp, phòng đào tạo, thư viện, pantry – không gian nghỉ ngơi thư giãn…) thì nay được chia thành ba không gian khác nhau.

Không gian làm việc với số chỗ ngồi ít hơn (do một số đang làm việc từ xa) và không cố định. Một chỗ ngồi có thể dùng chung cho nhiều người. Các cá nhân sẽ phải đăng ký chọn chỗ ngồi hàng tuần, hàng ngày tùy nhu cầu. Chỗ ngồi làm việc cũng không nhất thiết phải giống nhau mà có thể ngồi ở bàn có vách ngăn biệt lập, cũng có thể ngồi thoải mái với sofa hay một chỗ riêng tư bên trong một cái lều… Cách bố trí này giúp người làm việc cảm thấy thư giãn hơn.

Không gian hội họp thì bao gồm nhiều phòng họp kích cỡ khác nhau. Trước đây, phòng họp nhỏ nhất là bốn chỗ ngồi trở lên thì nay đã xuất hiện nhiều phòng họp chỉ vừa cho… một người, dành cho nhân viên ở văn phòng “họp” với một nhân viên khác đang làm việc ở nhà. Bên cạnh đó là nhiều không gian họp mở với ghế sofa xếp tại các không gian trống cùng với một màn hình kết nối với những người làm việc từ xa.

Có những nhân viên với phần lớn thời gian làm việc là ở nhà, họ có thể cảm thấy thiếu sự kết nối với đồng nghiệp, với cộng đồng. Nhu cầu này làm nảy sinh không gian kết nối trong văn phòng. Từ một không gian pantry nhỏ trước kia thì giờ đây được kết hợp với khu vực tiếp tân để mở rộng thành một không gian café rộng rãi, là nơi nhân viên có thể vừa làm việc vừa hội họp vừa giao lưu với đồng nghiệp và cả thư giãn. Theo các nghiên cứu, không gian này giúp nâng cao sức khỏe tinh thần cho nhân viên, đồng thời là nơi sản sinh nhiều ý tưởng mới, có giá trị cho công ty.

Bên cạnh đó, người làm việc từ xa có thể làm việc từ một quán cà phê, một khách sạn hay một khu nghỉ dưỡng, thậm chí ở nước ngoài. Nói cách khác, hiện nay, người làm việc có thể vừa du lịch vừa làm việc trong nhiều ngày, và có thể đi như vậy nhiều lần trong năm. Cách làm việc này giúp họ giảm stress khá nhiều, hoàn thành công việc tốt hơn.

Một từ mới trong tiếng Anh được hình thành từ mô hình làm việc tốt cho sức khỏe tinh thần này, đó là “workation” (work + vacation). Dĩ nhiên, cách thức làm việc này tạo ra thách thức không nhỏ, đòi hỏi nhà quản lý phải đủ năng lực kiểm soát khối lượng công việc hoàn thành của từng nhân viên, thay vì chỉ quản lý về mặt thời gian theo kiểu cũ.

KTSG: Trong xu hướng thúc đẩy các công trình kiến trúc – xây dựng thân thiện với môi trường sống, hay nói khác đi là trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng của các chủ thể phát triển các công trình thế hệ mới, ông có thể cho biết về các tiêu chí căn bản mà một “công trình xanh” cần phải đảm bảo?

– Một số nhà khoa học cho rằng nguyên nhân sâu xa của đại dịch Covid-19 là từ biến đổi khí hậu, mà biến đổi khí hậu là do con người tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường mà ra. Con người cần học lấy bài học về cách hành xử của mình để hạn chế thấp nhất những tai họa do… nhân tai.

Lịch sử dịch bệnh thế giới cho thấy tần suất xuất hiện các dịch bệnh ngày càng nhiều hơn, gần hơn, tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm môi trường, với sự tăng nhiệt độ không khí của trái đất. Như vậy, mỗi chủ dự án, khi xây dựng hoặc cải tạo công trình, cần tuân thủ các tiêu chí xanh nhằm bảo vệ năm loại môi trường cơ bản trên trái đất.

Tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường không khí, bởi việc tiêu thụ năng lượng là nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ trái đất.

Tiết kiệm nước sạch, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn sông suối, nước ngầm dưới lòng đất sẽ giúp bảo vệ môi trường nước trên trái đất.

Bảo tồn môi trường sống tự nhiên, duy trì sự đa dạng sinh học… chính là bảo vệ môi trường trên mặt đất, là môi trường mà các loài thực vật, động vật đang sinh sống, trong đó có con người.

Giảm nhu cầu sử dụng vật liệu (reduce), tái sử dụng vật liệu cũ (reuse) hay sử dụng vật liệu tái chế (recycle); phân loại rác, giảm lượng rác thải… là những cách bảo vệ môi trường dưới lòng đất, nơi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.

Việc kiểm soát chất lượng môi trường bên trong công trình (môi trường nhân tạo) chính là bảo vệ sức khỏe con người một cách trực tiếp nhất.

KTSG: Vậy các công trình có nhu cầu chứng nhận xanh cần bắt đầu như thế nào, và ai có thể giúp họ?

– Đã có khá nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam quyết định đăng ký chứng nhận xanh cho công trình của mình. Nếu bạn có ý định thì hãy bắt đầu ngay từ giai đoạn thiết kế phác thảo, bởi việc lấy hay không lấy chứng nhận xanh sẽ ảnh hưởng đến giải pháp thiết kế ban đầu của công trình.

Bạn có thể chọn một trong hai cách: tìm các đơn vị thiết kế có uy tín, có kinh nghiệm tư vấn thiết kế công trình xanh để thực hiện dự án; hoặc chọn các đơn vị có uy tín thiết kế và chưa có kinh nghiệm tư vấn thiết kế công trình xanh nhưng kết hợp thêm với một đơn vị tư vấn xanh chuyên nghiệp, để đảm bảo dự án của mình được quản lý chặt chẽ từ đầu cho đến khi đạt được chứng nhận xanh.

Chi phí đầu tư của bạn có thể tăng hơn một chút, nhưng hãy góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng mà người nhận được trực tiếp các đóng góp này chính là các thế hệ con cháu của bạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới