Xử lý dự án thua lỗ: không thể áp đặt nguyên tắc bảo toàn vốn
Lan Nhi
(KTSG Online) - Trong khi Chính phủ báo cáo đã có sự chuyển biến tích cực về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với một số dự án thua lỗ kéo dài đã thoát ra khỏi danh sách thua lỗ, thì Bộ Tài chính vẫn còn đang miệt mài góp sức cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) từng bước xử lý ở từng dự án thua lỗ.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam nhiều năm Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay, đến nay không bán được dự án. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ |
Báo cáo tổng kết cuối nhiệm kỳ hồi cuối tháng 3-2021 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhấn mạnh: "Khu vực DNNN, đặc biệt là tại các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực về sự minh bạch, năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động. Những doanh nghiệp có dự án thua lỗ lớn kéo dài đã được đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó nhiều dự án hoạt động trở lại, giảm lỗ, ổn định và tiến tới có lãi. Đã có ba dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém phải xử lý. Việc tái cơ cấu DNNN đã tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia”.
Như thông tin nêu trên, nói riêng về 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương thì Chính phủ đã đưa ra ngoài danh sách ba dự án thua lỗ.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây xoay quanh Dự thảo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2021-2025, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết riêng về các dự án thua lỗ thì nguyên tắc xử lý là thực hiện theo nguyên tắc thị trường, không cấp thêm ngân sách vào xử lý dự án và thực hiện chuyển nhượng vốn hay thanh lý tài sản tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Quan điểm của Bộ Tài chính là khi xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả chỉ cố gắng thu hồi được tối đa phần vốn khi bán. Còn phần mất đi, không thu hồi được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Dự án trong quá trình triển khai sai phạm ở đâu thì được xử lý ở đó. Muốn xử lý được các dự án thua lỗ, không thể áp đặt nguyên tắc bảo toàn vốn (cho dù là vốn Nhà nước hay tư nhân) trong các trường hợp này.
Ông Tiến cho rằng, việc xác định thẩm quyền xử lý tại nhiều dự án chưa rõ nên nhiều việc chưa được xử lý đúng hoặc người chịu trách nhiệm xử lý không dám làm. Như Dự án Ethanol Bình Phước, do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) góp vốn 30%, đa số cổ đông muốn dừng dự án thì Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PV Oil có trách nhiệm xử lý dự án, có thể theo hướng trích lập dự phòng rủi ro xong thì bán cho nhà đầu tư. Đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương trước kia (nay là CMSC) không có thẩm quyền xử lý.
Tại dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, đã rao bán nhiều lần nhưng không có người mua thì thực hiện thanh lý tài sản, thu hồi phần vốn còn lại và trả diện tích đất cho địa phương sử dụng sau hơn 10 năm. Như dự án Đạm Ninh Bình thì Tập đoàn Hóa chất - công ty mẹ bảo lãnh cho dự án phải định giá các phần còn lại để bán, chuyển nhượng, thu hồi được một phần vốn đã mất.
Không chỉ riêng các dự án thua lỗ mà toàn bộ các DNNN (100% vốn Nhà nước) nếu chưa chuyển đổi mô hình hoặc cơ cấu cổ đông, sẽ tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp theo Dự thảo Đề án DNNN 2021-2025 như một hình thức thanh lọc vốn Nhà nước và “trả” doanh nghiệp cho thị trường.
Kế hoạch xử lý dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương vào cuối năm 2020 của Chính phủ không thể hoàn thành. Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 19-8-2020 về việc thực hiện Nghị quyết số 60/QH 14 tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, quản lý về sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn lời của CMSC cho biết, tính đến 24-6-2020, chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án "đen" này. Cho dù đến nay, Chính phủ đã đã yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp tích cực hơn nữa để xử lý, không kéo dài công tác xử lý quá nửa đầu năm 2021 nhưng thực tế là một việc rất khó. Lý do: các dự án còn quá nhiều vấn đề phải xử lý và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn để xử lý những vấn đề này. Trong số 12 dự án nói trên, năm 2018 - 2019 có hai dự án là DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt Trung, doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn còn phát sinh lỗ lũy kế. Tuy nhiên, đến hết qúi 1-2020, hai dự án này có kết quả kinh doanh lỗ. Bốn dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ, gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai và Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS. Một dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại là Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex. Hai dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước). Với dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng), vụ việc tranh chấp Hợp đồng EPC đối với Tổng thầu Trung Quốc đã được xử lý. Còn ở dự án Liên doanh nhà máy thép Việt Trung, đã rà soát pháp lý, đàm phán thành công việc sửa đổi bổ sung các căn cứ pháp lý (hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh) bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bên góp vốn. |