(KTSG) - Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dành một chương quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Quá trình thảo luận tại Quốc hội cho thấy, đa số nhất trí luật hóa vấn đề này, song ý kiến về các nội dung cụ thể thì còn rất khác nhau, đặc biệt là về thu giữ tài sản bảo đảm.
- Lựa chọn lối ra cho việc xử lý nợ xấu
- Chủ tịch Quốc hội: Xử lý nợ xấu phải đảm bảo nguyên tắc quay về hệ thống pháp luật bình thường
Ba mục đích sửa luật
Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - sau đây gọi là dự thảo Luật - được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 2023) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023). Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành dự thảo Luật này nhằm ba mục đích.
Một là hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng (TCTD); luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu.
Hai là tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD. Cùng với đó, xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Ba là bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo. Dự thảo Luật cũng đưa ra phương án xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Quy định mới về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm
Trên cơ sở Nghị quyết 42 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, dự thảo Luật các TCTD dành chương XI, gồm chín điều (từ điều 181 đến điều 189) quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Cụ thể, dự thảo Luật kế thừa các quy định của Nghị quyết 42 về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.
Có hai khoản nợ xấu được áp dụng các quy định về xử lý nợ xấu tại dự thảo Luật này. Đó là, (1) nợ xấu của các TCTD (gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của TCTD, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán); (2) nợ xấu tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu đã mua của TCTD nhưng chưa thu hồi được.
Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm, với nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp giữa TCTD và bên có tài sản bảo đảm, dự thảo Luật quy định điều kiện tiên quyết để tiến hành thu giữ tài sản là phải có sự đồng ý của chủ tài sản.
Bên cạnh đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ pháp luật và các điều kiện, như chỉ thu giữ khi biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận việc niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở UBND cấp xã và ghi nhận việc thu giữ tài sản bảo đảm; làm rõ việc thông báo trong trường hợp tài sản thu giữ được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.
Về thứ tự ưu tiên thanh toán, dự thảo Luật quy định các TCTD phải thực hiện việc nộp thuế, án phí đối với các khoản thuế, án phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đối với các khoản thuế, phí không liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, các TCTD không có nghĩa vụ phải nộp thay cho bên bảo đảm từ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng tài sản.
Dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bị tạm giữ.
Luật để trình Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế đề nghị thông qua theo quy trình ba kỳ họp
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, tuy thời gian gấp rút, nhưng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các TCTD (sửa đổi). Tuy nhiên, còn nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi như ngân hàng chính sách; tập đoàn tài chính; luật hóa Nghị quyết 42; can thiệp sớm (chương VIII); kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (chương IX)… chưa quy định đủ cụ thể, chưa phù hợp, cần phải tiếp tục được hoàn thiện.
Từ thực tế này và xét ý nghĩa quan trọng của luật này, Ủy ban Kinh tế đã báo cáo Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua luật theo quy trình ba kỳ họp. Nếu đề xuất này được Quốc hội chấp nhận thì phải tới kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), dự thảo Luật mới được xem xét thông qua.
Hai quan điểm về thu giữ tài sản bảo đảm
Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cơ bản các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu. Tuy vậy, các quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Đầu tiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định về các khoản nợ xấu áp dụng luật này không còn giới hạn thời điểm xác định nợ xấu như tại Nghị quyết 42. Vì vậy, cần phải rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là với các khoản nợ xấu được hạch toán trong bảng cân đối kế toán của TCTD nhưng chưa đến mức khó thu hồi hoặc cần phải xử lý tài sản bảo đảm. Bởi lẽ, việc tạo cơ chế ưu tiên xử lý các khoản nợ xấu cho ngân hàng trong trường hợp này có thể phải huy động nguồn lực lớn chưa cần thiết cũng như khiến cho TCTD có thể chủ quan, không ý thức những rủi ro nợ xấu từ chính hành vi vi phạm của TCTD.
Các đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm đến quy định về thu giữ tài sản bảo đảm với hai luồng quan điểm.
Một số ý kiến đề nghị cần thực hiện việc giao tài sản bảo đảm theo trình tự, thủ tục thông thường, đúng quy định của pháp luật (Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ…). Lý do là Nghị quyết 42 đưa ra các cơ chế hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm với sự tham gia của cơ quan công an và UBND các cấp nhằm thúc đẩy nhanh hơn việc xử lý các khoản nợ xấu lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường và việc áp dụng pháp luật được thực hiện ổn định, lâu dài thì quy định này không còn phù hợp.
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải quy định thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý được khó khăn, vướng mắc hiện nay của TCTD trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm. Lý do là việc thúc đẩy quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ sẽ có tác động tích cực cho nền kinh tế và bảo đảm quyền lợi khách hàng của TCTD, bao gồm cả người gửi tiền, nhất là khi xử lý tố tụng qua tòa án mất nhiều thời gian.
Các đại biểu tán thành quan điểm này cũng đề xuất một số nội dung để bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Đó là, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các TCTD khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm để thu giữ tài sản bảo đảm.
Hiện nay tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam trích xuất, tra cứu thông tin tài sản liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết để xác định tài sản bảo đảm có đủ điều kiện để thu giữ hay không.
Hiện cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp, gây khó khăn khi áp dụng quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc việc quy định xác định quyền thu giữ, thủ tục thu giữ tài sản cho phù hợp với các quy định của pháp luật, tránh xung đột pháp luật dẫn đến không khả thi, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật như tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 cho thấy.
Bởi vì, dự thảo Luật mới quy định được hành vi pháp lý, chưa quy định được quyền pháp lý của bên tiến hành thu giữ tài sản trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD. Hơn nữa, dự thảo Luật cũng chưa quy định được giải pháp xử lý trong tình huống bên bảo đảm cố tình, thậm chí chống đối, không chịu bàn giao tài sản bảo đảm. Đây là vấn đề liên quan đến các quyền của công dân được quy định tại Hiến pháp 2013 và quyền về tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và một số văn bản pháp luật khác.
Ngoài ra, các đại biểu chỉ ra rằng, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm quy định trong dự thảo Luật chưa có những cơ chế pháp lý khác nhau đối với các loại tài sản bảo đảm. Ví dụ, việc thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản trên thực tế sẽ khác biệt với các tài sản bảo đảm khác như vốn góp, cổ phần chứng khoán.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hành vi thu giữ phù hợp với từng dạng tài sản bảo đảm nhằm cân đối các lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm được tính ổn định của các giao dịch trên thị trường có liên quan đến tài sản bảo đảm.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Bởi trên thực tế, khi triển khai Nghị quyết 42, do không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nên chính quyền địa phương và cơ quan công an vào cuộc không quyết liệt, chưa kịp thời, đồng bộ và nhất quán.
Nếu không có gì thay đổi, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay (tháng 10). Từ nay tới đó, Ngân hàng Nhà nước (cơ quan soạn thảo) và Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn chỉnh dự thảo
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Không quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng rất e ngại cấp tín dụng
Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thu giữ tài sản bảo đảm là vấn đề rất quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu.
“Dự thảo Luật đã quy định việc thu giữ tài sản bảo đảm phải gắn với việc TCTD và khách hàng có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và khi khách hàng không trả được nợ thì TCTD mới thu giữ và xử lý tài sản đó để thu hồi nợ.
Với tính chất là trung gian tài chính, các TCTD là người cho vay nhưng thực chất tiền đó là tiền của người gửi tiền. Cho vay thì phải thu hồi để đáp ứng nhu cầu chi trả cho người gửi tiền. Nếu không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm thì có thể các TCTD sẽ rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Kể cả có tài sản bảo đảm nhưng các TCTD không chắc chắn có xử lý được hay không thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân”, Thống đốc nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đề xuất Quốc hội thông qua dự thảo Luật theo quy trình hai kỳ họp, bởi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến ngày 31-12-2023, nếu đến tháng 5-2024 mới thông qua dự thảo Luật thì sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu. Hơn nữa, ban hành luật này cũng là đòi hỏi của thực tiễn khi hoạt động ngân hàng đang chịu tác động rất nhiều bởi các biến động của kinh tế thế giới và trong nước. Thống đốc cam kết “sẽ cố gắng hết sức, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật để được thông qua ở kỳ họp tháng 10-2023”.
Thu giữ tài sản bảo đảm, là khái niệm pháp luật chỉ có ở ta. Trên thực tế, không có hiệu lực và hiệu quả pháp lý. Ở các nước, việc thu giữ tài sản là đặc quyền của tòa án. Sau khi có phán quyết, tài sản lập tức bị niêm phong bởi tòa án. Mặc dù xử lý tài sản là một quá trình nhiều bước tiếp theo, tuy nhiên, khi bị niêm phong, sẽ có tác động tích cực đến thái độ hợp tác của người đi vay và người cho vay. Những gì đã là thông lệ quốc tế, ta nên tiếp thu, học hỏi, áp dụng sớm.