Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xử lý nợ xấu như thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xử lý nợ xấu như thế nào?

Nguyễn Vạn Phú

Xử lý nợ xấu như thế nào?
Nợ xấu có phần trách nhiệm của giới ngân hàng cho vay mà không có những biện pháp phòng ngừa rủi ro. Ảnh TL SGT

(TBKTSG Online) - Nói đến nợ xấu, một nghịch lý nổi lên là ai cũng thấy VAMC với số vốn ít ỏi 500 tỉ đồng chỉ là nơi tạm thời cất giữ nợ xấu giùm các ngân hàng chứ không phải là giải pháp trọn vẹn. Nhưng ai cũng sẽ phản ứng dữ dội trước ý tưởng dùng ngân sách nhà nước, tức tiền đóng thuế của người dân để giải quyết nợ xấu.

Không dùng ngân sách thì không xử lý được nợ xấu; sử dụng ngân sách thì không ổn với công luận – vậy phải làm sao đây?

Việc trước tiên là phải phân loại nợ xấu. Nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nói gì thì nói, cũng là trách nhiệm của nhà nước. Hiện nay các khoản nợ mà các tập đoàn như Vinashin, Vinalines vay của các ngân hàng trong nước đã trở thành nợ xấu từ lâu nhưng thực chất vẫn còn được khoanh ở đó, chứ chưa xếp vào nợ xấu, tức các ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình giải quyết nợ xấu vì không thể đỗ hết lỗi cho các ngân hàng cho vay thiếu thận trọng được. Các khoản vay lớn này thường gắn với các dự án lớn, được nhiều cấp phê duyệt, thậm chí các ngân hàng còn được chỉ định phải cho vay. Vì thế, với các món nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, không còn cách nào khác hơn là ngân sách phải rót tiền để giải quyết.

Nhưng đúng là công luận sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện ngân sách giờ đây phải chi ra thêm hàng chục ngàn tỉ đồng giải quyết hậu quả của các doanh nghiệp kiểu như Vinashin, Vinalines. Vì thế việc đầu tiên là phải công khai minh bạch hết mọi ngóc ngách nợ nần này. Phải thành lập các ủy ban chuyên giải quyết hậu quả. Thực tế ngân sách nhà nước và bản thân các ngân hàng đã phải gánh chịu trực tiếp hay gián tiếp hậu quả của những món nợ xấu này rồi. Nhiều khoản nợ được xóa một phần, phần còn lại được tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ hay đổi bằng trái phiếu với sự bảo lãnh của nhà nước. Ví dụ khi Chính phủ đồng ý xóa khoản lãi 416 tỉ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho Vinalines thì rõ ràng tiền đó là tiền của nhà nước mà bản chất cũng là tiền của người dân.

Thứ hai là các khoản nợ xấu của các thành phần kinh tế. Rõ ràng ở đây trách nhiệm của giới ngân hàng cho vay mà không có những biện pháp phòng ngừa rủi ro là rất lớn. Vậy, trách nhiệm giải quyết nợ xấu đầu tiên là của giới chủ ngân hàng. Chính họ phải bổ sung vốn để giải quyết nợ xấu. Với những ai không đủ khả năng bổ sung vốn, đương nhiên họ phải mất hết quyền sở hữu ngân hàng. Nếu nhà nước muốn giải cứu các ngân hàng này, việc đầu tiên là đảm nhận quyền sở hữu, điều hành sau đó là khảo sát tình hình để có những con số chính xác thì mới giải quyết được vấn đề.

Cho đến nay hầu như chưa có ông chủ ngân hàng nào gánh cái trách nhiệm cho những năm tháng vung tay quá trán cho vay bừa bãi cả. Thử hỏi trong bối cảnh đó mà kêu gọi người dân đóng góp “tiền, vàng để giải quyết nợ xấu” như ở Hàn Quốc là một lời nhục mạ người dân, nhất là dân nghèo.

Thật ra ở Hàn Quốc, chỉ có chuyện các tổ chức xã hội đứng ra vận động người dân hiến tặng vàng để giúp trả nợ quốc gia chứ không có chuyện gánh dùm nợ xấu cho các ngân hàng. Chiến dịch dài một tháng này là nhằm giúp Hàn Quốc trả lại một phần trong số 57 tỉ đô la Mỹ mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đổ vào để cứu nền kinh tế nước này trong cơn khủng hoảng năm 1998. Và biện pháp này mang tính hình thức để động viên là chủ yếu vì giỏi lắm chỉ thu được chừng 150-200 triệu đô la.

Vai trò của nhà nước trong giai đoạn này là tạo điều kiện về mặt luật pháp để chủ nợ có thể nhanh chóng bán các tài sản thế chấp nhằm thu hồi nợ. Không hình sự hóa các trách nhiệm để xảy ra nợ xấu ở các ngân hàng cổ phần bởi nỗi lo bị hình sự hóa đang làm cho nhiều chủ ngân hàng cố tình che giấu nợ xấu hay không chịu xử lý đến nơi đến chốn.

Quan trọng hơn, quá trình giải quyết nợ xấu theo hướng buộc chủ ngân hàng chịu trách nhiệm bằng đồng vốn của chính họ đang bị cản trở bởi các nhóm lợi ích không muốn thấy tài sản của họ biến mất theo nợ xấu. Bài học của Hàn Quốc chính là ý chí chính trị để buộc các ngân hàng, các tập đoàn kinh tế phải chịu cảnh phá sản thì mới mong vực dậy nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới