Thứ năm, 22/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò vẫn dang dở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò vẫn dang dở

Văn Nam

Xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò vẫn dang dở
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM - Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) - Nguyên nhân ô nhiễm kênh Ba Bò một lần nữa được lãnh đạo cơ quan quản lý môi trường của TPHCM chỉ ra nhưng việc giải quyết rốt ráo nguồn ô nhiễm của con kênh này vẫn còn dang dở. 

Kênh Ba Bò bị ô nhiễm do nguồn thải lớn gồm khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2, 36 cơ sở công nghiệp, 6 khu dân cư thải nước thải sinh hoạt từ tỉnh Bình Dương đổ vào kênh này. Và mùi hôi thối đã ảnh hưởng đến người dân sống ven kênh này nhiều năm qua.

Giải trình về những bức xúc của đại biểu HĐND TPHCM tại phiên chất vấn sáng nay (5-7), ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM thừa nhận, qua kiểm tra ban đêm còn xảy ra tình trạng xả thải lén lút từ các cơ sở sản xuất công nghiệp từ Bình Dương đổ ra kênh Ba Bò.

Từ năm 2008, chính quyền TPHCM và Bình Dương đã có văn bản thống nhất một số nội dung về xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò. Trong đó có đề cập việc chính quyền Bình Dương cần chỉ đạo giải pháp xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt trên địa bàn trước khi xả vào kênh Ba Bò. Phía TPHCM chịu trách nhiệm xây một hồ điều tiết và bổ sung hồ xử lý sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt, không xử lý nước thải công nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay gần 10 năm trôi qua, trước thực trạng ô nhiễm kênh Ba Bò còn dai dẳng thì những cam kết trên dường như chưa được thực hiện rốt ráo, triệt để.

"Cho đến nay, bản thân tôi cũng chưa rõ phía Bình Dương đã xây dựng xong hệ thống quan trắc, xử lý nước thải chưa, nhưng rõ ràng qua quan trắc và trực tiếp xuống kênh Ba Bò vào buổi tối thấy có xuất hiện dòng nước đen và rất hôi. Chủ quan mà nói có thể do xả lén chứ bình thường ban ngày nước vẫn tốt, không hôi", ông Công nói tại phiên giải trình sáng nay.

Cơ quan do ông Công làm lãnh đạo cũng là chủ đầu tư dự án cải tạo kênh Ba Bò sử dụng khoảng hơn 740 tỉ đồng từ ngân sách TPHCM và kéo dài từ năm 2007 đến nay, trải qua 4 lần điều chỉnh quy mô dự án.

Sau khi nghe ông Công nói, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ: "Tôi thấy hơi lo lắng bởi theo anh nói hồ điều tiết, hồ sinh học chỉ dành xử lý nước thải sinh hoạt, nếu nước thải công nghiệp đổ vào là bị hư hồ mà quản lý làm sao để ban đêm các doanh nghiệp không xử lý, thải thẳng ra hồ vậy, nếu hồ sinh học hư thì ai chịu trách nhiệm?".

Ông Công giải trình thêm rằng giữa hồ sinh học (2,4 héc ta) và hồ điều tiết (khoảng 5 héc ta) hiện đang có một đập chắn sử dụng giải pháp màng chống thấm bởi vẫn còn có nước thải công nghiệp đổ vào. Nước thải hiện nay cho chảy hoàn toàn vào hồ điều tiết, chưa cho chảy vào hồ sinh học bởi nếu hồ sinh học có nước thải công nghiệp là bị hư ngay.

"Vậy tôi hình dung là xây dựng hồ sinh học nhưng lại đang để dành, chưa tách được nguồn thải nên chưa cho chảy vào hồ", bà Tâm đặt vấn đề thêm với lãnh đạo cơ quan đầu tư dự án cải tạo kênh Ba Bò và yêu cầu UBND TPHCM cần làm việc với Bình Dương để quản lý chặt nguồn xả thải về lâu dài bởi tính tự giác trong xả thải của doanh nghiệp vẫn còn kém.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin thêm tại buổi giải trình sáng nay rằng thành phố sẽ làm việc với Bình Dương để rà soát, xử lý nước từ hai khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 xả ra như thế nào mới cho vận hành hồ sinh học kênh Ba Bò.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho hay, kênh Ba Bò tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức có diện tích lưu vực 1.600 héc ta, trong đó diện tích thuộc Bình Dương là trên 1.400 héc ta và phần còn lại thuộc TPHCM. Kênh Ba Bò tiếp nhận ba nguồn thải lớn gồm: Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (có công suất thải khoảng 16.000 m3/ngày đêm), 36 cơ sở sản xuất, 6 cụm dân cư nằm ở lưu vực đầu nguồn thải vào kênh Ba Bò.

Ông Thắng khẳng định phản ánh của các đại biểu HĐND thành phố về tình trạng hôi thối khu vực kênh Ba Bò hiện nay là đúng thực tế bởi trong các nguồn thải từ Bình Dương trực tiếp ra kênh Ba Bò còn 6 khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Phía Bình Dương cũng có kế hoạch thu gom, xử lý nước thải 6 khu dân cư này nhưng dự kiến đến cuối năm nay mới xong hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt các khu dân cư này.

Nòng độ gây mùi hôi khu vực kênh Ba Bò, theo ông Thắng, xuất phát từ nồng độ BOD, COD, H2S ... có trong nước thải sinh hoạt. Ông Thắng cũng đặt nghi vấn các doanh nghiệp công nghiệp, các khu công nghiệp mặc dù đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng họ vận hành ra sao, có vận hành hay không cũng cần kiểm soát chặt hơn nữa.

Xem thêm:

>> Một đống tiền bỏ ra, kênh Ba Bò vẫn thối  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới