Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử phạt nặng vi phạm trong kinh doanh gas

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xử phạt nặng vi phạm trong kinh doanh gas

Minh Tâm

Xử phạt nặng vi phạm trong kinh doanh gas
Hình phạt doanh nghiệp sợ nhất là tước giấy phép chứ không phải phạt tiền. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Từ ngày 1-1-2012, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng khí dầu hóa lỏng (gas) sẽ bị xử phạt nặng, với mức phạt cao nhất là tước giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm.

Các mức phạt đã được quy định trong Nghị định 105/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh gas vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 16-11-2011 và sẽ có hiệu lực từ 1-1-2012.

Thêm hình phạt bổ sung

Nhận xét về Nghị định 105, bà Lê Thị Mẫn, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Petro và cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, quy định mới này đã có tính bao quát, xử phạt được nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas. Đặc biệt, hình thức xử phạt có mức răn đe đối với doanh nghiệp khi có thêm các hình phạt bổ sung như rút giấy phép kinh doanh, hình phạt mà các công ty sợ nhất chứ không phải là phạt tiền như bấy lâu nay.

Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh gas có thương hiệu với trên 20.000 tổng đại lý và đại lý bán lẻ.

Ví dụ, hành vi cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn hoặc giả mạo giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí gas vào chai sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí gas vào chai giả mạo sẽ bị tịch thu.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí gas của doanh nghiệp nếu cho thuê, cho mượn bị phát hiện cũng sẽ bị tước quyền sử dụng 12 tháng. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị tước quyền sử dụng trên 12 tháng.

Mức phạt cho các hành vi làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của vỏ bình gas, như thay chân đế cắt quai xách, mài logo, thay đổi nhãn hiệu, seri, tráo đổi van đầu chai… sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban pháp chế của Hiệp hội Gas Việt Nam, cho rằng quy định mới sẽ giúp thiết lập lại thị trường gas, tạo sự an tâm, an toàn cho xã hội. “Từ nay, các cơ quan chức năng đã có công cụ để xử lý”, ông Thành nói.

Nghị định 105 quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban Nhân dân các cấp và cơ quan quản lý thị trường (QLTT). Trong đó, đội trưởng đội QLTT có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 30 triệu đồng… Chi cục trưởng Chi cục QLTT được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20 triệu và tước quyền sử dụng các loại giấy chứng nhận như đủ điều kiện kinh doanh gas, đủ điều kiện nạp gas vào vỏ bình, kiểm định vỏ bình… Trong khi đó, Cục trưởng Cục QLTT có quyền phạt tiền đến 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng các loại giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện…

Vấn đề là thực thi

Tại hội nghị triển khai Nghị định 105 cho doanh nghiệp và chi cục QLTT các tỉnh phía Nam do Cục QLTT tổ chức tại TPHCM mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh gas đã bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sẽ thực thi tốt quy định xử phạt mới để lập lại trật tự cho thị trường gas, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bà Mẫn của Saigon Petro nói rằng, doanh nghiệp chỉ mới mừng 50% với quy định mới. Phần còn lại phụ thuộc vào việc các cơ quan chức năng thực thi quy định ra sao. Theo bà, lâu nay gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh gas rất phức tạp, không chỉ các chủ cơ sở gian lận có nhiều thủ đoạn đối phó mà không ít trường hợp lực lượng chức năng không thể xử lý vì nhiều lý do.

Trong đó, có trường hợp là thông tin kiểm tra bị chính cán bộ quản lý thị trường thông báo trước cho đối tượng khiến kết quả kiểm tra không như thực tế hay các trạm sang chiết gas lậu lại có vốn góp của lãnh đạo, cán bộ tỉnh khiến lực lượng chức năng biết mà không thể làm gì. “Do vậy, chống gian lận thương mại ở lĩnh vực này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải trong sạch và thật sự tâm huyết”, bà Mẫn nói.

Ông Thành nói vấn đề bây giờ chỉ là thực thi chứ không phải là không có công cụ như trước. Ông Thành dẫn chứng, trước đây, có trường hợp bắt được 2.000 vỏ gas giả mà các cơ quan không biết xử thế nào, cuối cùng chỉ áp dụng được mức phạt hành chính 2 triệu đồng, chẳng thấm tháp vào đâu.

Bên cạnh đó, tình trạng sang chiết gas lậu diễn ra tràn lan, không chỉ làm Nhà nước thất thu, doanh nghiệp thiệt thòi mà còn gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Những câu chuyện đau lòng ở Hà Nội vừa qua là hậu quả của tình trạng này. “Đề nghị các cơ quan thực thi có công cụ rồi thì xử lý cho nghiêm”, ông Mẫn nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới