(KTSG) - Về mặt lý thuyết, bảo hiểm liên kết ngân hàng - bancassurance là một mô hình kinh doanh hiệu quả mang lại lợi ích cho nhiều bên liên quan, bao gồm công ty bảo hiểm, ngân hàng lẫn người mua bảo hiểm. Thế nhưng...
- Mùa đại hội, cổ đông ngân hàng chất vấn về bancassurance
- Bancassurance – cuộc chơi mà ngân hàng có thể phải đánh đổi
Sáng và tối, được và mất
Trên thế giới, bancassurance là một kênh phân phối bảo hiểm chủ lực và đóng góp phần lớn trong cơ cấu tổng doanh thu bảo hiểm (có thể lên đến 60%).
Tại Việt Nam, bancassurance chỉ mới phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Số liệu thống kê của ngành bảo hiểm đã cho thấy rất rõ lợi ích mà bancassurance mang lại.
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến cuối năm 2021, có 61 hợp đồng bancassurance đã được ký kết giữa 16 công ty bảo hiểm nhân thọ với một số ngân hàng, trong đó 66% là thỏa thuận phân phối độc quyền.
Những con số ấn tượng khác có thể nhắc đến như doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới qua kênh ngân hàng tăng trưởng trung bình 55% (giai đoạn 2019-2021), đạt khoảng 37.000 tỉ đồng vào năm 2021. Bancassurance đóng góp khoảng 40% số lượng hợp đồng khai thác mới và nhờ đó có đến tám doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng đến từ kênh phân phối này.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy bancassurance đang là một cấu thành quan trọng trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận.
Số liệu thống kê cho phép ta hình dung được bức tranh tổng thể về bancassurance với rất nhiều gam màu sáng và sáng nhất là sự đóng góp tích cực vào tăng trưởng của các công ty bảo hiểm cũng như ngân hàng.
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến cuối năm 2021, có 61 hợp đồng bancassurance đã được ký kết giữa 16 công ty bảo hiểm nhân thọ với một số ngân hàng, trong đó 66% là thỏa thuận phân phối độc quyền.
Thế nhưng, trong bức tranh ấy có chỗ nào dành cho lợi ích của khách hàng - những người mua bảo hiểm hay không? Hình như trong những số liệu thống kê, người ta bỏ quên việc tính toán con số về những lợi ích mang lại cho người mua bảo hiểm?!
Thay vào đó, đã rất nhiều lần, tại các báo cáo, trên các diễn đàn, những bất cập về bancassurance đã được chỉ rõ và những bất cập này chủ yếu xoay quanh các hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Điển hình nhất trong số đó là hành vi “ép buộc”, gợi ý mang tính “gượng ép” khách hàng mua bảo hiểm kèm theo khoản vay dưới nhiều hình thức. Thậm chí có trường hợp, khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm nhưng lại nhận về hợp đồng bảo hiểm sau một quá trình tư vấn mù mờ của nhân viên ngân hàng.
Rõ ràng, bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh về bancassurance còn xen lẫn những gam màu xám tối và tiềm ẩn nhiều hệ lụy lâu dài.
Dễ nhận thấy nhất là tâm lý tiêu cực mà các khách hàng của ngân hàng dành cho các sản phẩm bảo hiểm. Với cách làm thiếu chuyên nghiệp trong quá trình phân phối sản phẩm, việc tham gia bảo hiểm đã trở thành một gánh nặng tài chính thay vì là một tấm khiêng bảo vệ trước rủi ro.
Để phản ứng với sự “ép buộc” từ phía ngân hàng, một số khách hàng đã lựa chọn đồng ý mua bảo hiểm nhưng chỉ đóng phí trong năm đầu và không đóng phí tái tục trong những năm tiếp theo. Hợp đồng bảo hiểm khi đó sẽ chấm dứt, khách hàng chấp nhận chịu thiệt, doanh nghiệp bảo hiểm mất khách và ngân hàng thì đã nhận xong hoa hồng.
Không chỉ khách hàng, nhân viên ngân hàng cũng bày tỏ sự bức xúc về tình trạng chạy chỉ tiêu doanh số phân phối bảo hiểm. Một số người tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu, một số khác thì xem đó như “ác mộng” và lựa chọn nghỉ việc(1).
Về phía ngân hàng, bancassurance không hẳn chỉ mang lại lợi ích. Trên thực tế, tranh chấp pháp lý giữa ngân hàng và khách hàng cũng đã diễn ra liên quan sự “ép buộc” khách hàng mua bảo hiểm. Trong vụ việc gần đây, tòa án đã tuyên ngân hàng phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng(2).
Nếu những tiêu cực đang diễn ra không được kiểm soát kịp thời thì bancassurance chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng kẻ cười người khóc và kéo theo hàng loạt hệ lụy tiêu cực cho mục tiêu phát triển bền vững.
Ném đá ao bèo!
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần ra văn bản hướng dẫn, nhắc nhở hoặc khẳng định sẽ chấn chỉnh tình trạng này. Đơn cử như Công văn 10273/NHNN-TTGSNH ngày 31-12-2019, Công văn 1705/NHNN-TTGSNH ngày 16-3-2020 và Công văn 7928/NHNN-TTGSNH ngày 30-10-2020.
Cuối năm 2019, Thông tư 37/2019/TT-NHNN ngày 31-12-2019 hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã được ban hành.
Nhưng vấn đề lại tiếp tục được nêu ra giữa diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa qua. Gần đây nhất, trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định sẽ nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý các vi phạm để bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Nhìn chung, động thái chủ yếu của cơ quan quản lý vẫn chỉ mới dừng ở mức độ hướng dẫn, cảnh báo và trong trạng thái “sẽ phạt”. Dù đã nỗ lực tìm kiếm, thế nhưng người viết hoàn toàn không tìm thấy thông tin về các quyết định xử phạt trên thực tế.
Cũng vì vậy mà những bất cập được nêu ra vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự trong suốt nhiều năm. Những diễn đàn chia sẻ, bình luận về những tiêu cực này luôn rôm rả trên các nền tảng mạng xã hội.
Qua đó, cho thấy những động thái quản lý từ phía các cơ quan có thẩm quyền chưa thật sự phát huy tác dụng, chẳng khác gì với việc “ném đá ao bèo”, đá chìm thì bèo lại tụ như trước đây.
Thiết nghĩ, để giải quyết được hiệu quả thực trạng này, hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền cần đi vào thực chất hơn. Với tiến trình phát triển bancassurance có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc có thể là một gợi mở tốt cho việc quản lý hoạt động này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Một góc nhìn tham chiếu từ Trung Quốc
Tại Trung Quốc, hoạt động bancassurance được quản lý, giám sát trực tiếp bởi Ủy ban Điều tiết hoạt động kinh doanh bảo hiểm và ngân hàng (CBIRC).
Từ năm 2012, các thông báo chấn chỉnh về hành vi buộc khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức đã được ban hành, nhấn mạnh đây là vi phạm nguyên tắc tự do trong kinh doanh bảo hiểm và tuyệt đối nghiêm cấm trong hoạt động bancassurance.
Cùng với hoạt động quản lý hành chính trực tiếp của CBIRC và hệ thống các cơ quan trực thuộc tại các địa phương, một trong những cơ chế giám sát đặc biệt mới ra đời và được đánh giá rất cao là cơ chế tiếp nhận tố giác ghi danh và ẩn danh đến từ mọi chủ thể trên thị trường(3).
Theo đó, CBIRC sẽ tiếp nhận các tố giác về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy tắc hành chính, quy tắc ứng xử và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động bancassurance từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Đồng thời, CBIRC sẽ thực hiện nhiệm vụ điều tra và xử phạt theo quy định của pháp luật.
Các tố giác sẽ mặc nhiên được tiếp nhận nếu như: (i) thuộc phạm vi quản lý của CBIRC; (ii) có đối tượng tố giác cụ thể và (iii) có miêu tả cụ thể về hành vi vi phạm của đối tượng bị tố giác.
Việc tố giác sẽ được thực hiện trực tiếp cho các cơ quan quản lý bảo hiểm và ngân hàng tại địa phương với địa chỉ gửi thư, số điện thoại liên hệ và phạm vi chấp nhận báo cáo được công bố công khai trên trang web chính thức của họ. Hình thức tố giác bao gồm nhưng không hạn chế thông qua tố giác trực tiếp, qua điện thoại, qua đường bưu điện, qua e-mail... Đối với từng hình thức, CBIRC sẽ có quy định hướng dẫn xử lý cụ thể dưới dạng ghi danh hoặc ẩn danh.
Trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền của các cơ quan quản lý bảo hiểm và ngân hàng khác nhau về cùng một vấn đề được báo cáo, cơ quan cấp trên trực tiếp sẽ tiến hành phân định thẩm quyền. Trường hợp tập thể tố giác cũng được văn bản này đề cập với yêu cầu về việc bầu chọn người đại diện tập thể.
Chính cơ chế quản lý, giám sát hai lớp này đã giúp CBIRC kịp thời phát hiện và xử phạt được rất nhiều vụ việc lớn trong lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm nói chung và bancassurance nói riêng từ giữa năm 2020 đến nay.
Thông thường, mức phạt đối với các hoạt động của ngân hàng là dựa trên thu nhập bất hợp pháp và đều với số tiền tương đối lớn. Ví dụ, vào khoảng tháng 6-2020, China Construction Bank - chi nhánh Zhoushan bị phạt 850.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 2 tỉ đồng) vì nhiều vi phạm, trong đó có hành vi yêu cầu khách hàng tín dụng mua bảo hiểm và thu phí xử lý để tăng thu nhập trung gian.
Năm 2021, chi nhánh Ankang của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng bị phạt 150.000 nhân dân tệ vì “buộc bảo hiểm khi phát hành các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”; chi nhánh Wuzhou của ngân hàng này bị phạt 220.000 nhân dân tệ vì “lừa dối chủ hợp đồng và người được bảo hiểm”; chi nhánh Zhejiang thì bị phạt 370.000 nhân dân tệ vì “bán sai sản phẩm bảo hiểm và bắt buộc mua bảo hiểm khi vay”(4).
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Xem: https://www.baogiaothong.vn/ac-mong-ban-bao-hiem-cua-nhan-vien-ngan-hang-d558074.html
(2) Xem: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ep-khach-mua-bao-hiem-pvcombank-thua-kien-phai-boi-thuong-hon-13-ty-dong-d30932.html
(3) Xem thêm: http://www.lawinfochina.com/display.aspx?id=33216&lib=law và Measures for Handling Reports of Banking and Insurance Illegal Acts. Xem thêm tại: http://www.gov.cn/gongbao/content/2020/content_5496779.htm
(4) CBIRC, Bản phân tích tình hình xử phạt vi phạm hành chính năm 2021,https://www.pwccn.com/zh/banking/analysis-banking-regulatory-penalties-jan2022.pdf, truy cập ngày 28/8/2022