Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất hiện những dấu hiệu làm chậm quá trình hồi phục kinh tế TPHCM

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kinh tế - xã hội TPHCM trong 7 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó chính quyền thành phố cũng ghi nhận tình trạng đang xuất hiện những dấu hiệu, yếu tố mới làm chậm quá trình hồi phục kinh tế.

Thông tin trên được ghi nhận tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp tháng 8-2022 của UBND TPHCM vào ngày 4-8.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay lại. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 ước đạt khoảng 100.320 tỉ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng đến 139,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 7 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn liên tục hồi phục một cách ổn định, ước đạt 656.119 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Đặc biệt, ngành du lịch phục hồi rõ nét, 7 tháng tổng doanh thu ước đạt 60.379 tỉ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ; trong đó, khách du lịch nội địa đến TPHCM ước đạt 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so với cùng kỳ, và khách quốc tế đến thành phố ước đạt 765.585 lượt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tăng 7,7% so với cùng kỳ. Điểm sáng tăng trưởng công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022 là sự tăng trưởng của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,1%). Trong đó, ngành hóa dược tăng 22,7%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 18,8%; ngành cơ khí tăng 3%.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, tình hình hồi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm tích cực. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ cho thấy đang dần tiệm cận thời điểm trước dịch Covid-19.

TPHCM xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, đặc biệt là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ…

ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: TTBC TPHCM

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đồng tình với các ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 7 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng xuất hiện những dấu hiệu, yếu tố mới làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.

Theo ông Mãi, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố 7 tháng đầu năm 2022, một số ngành có dấu hiệu chững lại, đơn cử ngành điện tử phục hồi chưa như yêu cầu.

Ngành này giảm 4,3% (cùng kỳ tăng 7,3%), chủ yếu do giảm sản lượng mặt hàng điện tử dân dụng, thiết bị dây dẫn. Song các doanh nghiệp đang có xu hướng thay đổi công nghệ và tập trung sản xuất các mặt hàng mới, có giá trị cao.

Ông cho rằng một số yếu tố mới đang tiềm ẩn và có khả năng tác động đến vĩ mô, đời sống người dân, vì vậy cần kịp thời nắm bắt để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ.

"Các yếu tố gây khó khăn, bất lợi như khan hiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất một số ngành công nghiệp, giá cả đầu vào tăng cao…", ông lưu ý.

Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận sau 7 tháng phục hồi và phát triển kinh tế, còn nổi lên những vấn đề đáng lo, vướng mắc cần tập trung giải quyết.

Đó là vấn đề năng lực tiếp nhận, phối hợp, xử lý các vấn đề để công việc chạy nhanh hơn, thông suốt hơn, hiệu quả hơn; để đầu tư công, đầu tư xã hội hiệu quả hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tính đến hết tháng 7 mới đạt 26% kế hoạch năm.

Ông cho rằng vướng mắc này một mặt là do việc phục hồi sau dịch mạnh mẽ nên khối lượng công việc nhiều; một mặt là do tinh thần trách nhiệm, chủ động rà soát công việc, chủ động phối hợp, tinh thần dám nghĩ dám làm trong giải quyết công việc… cần được phân tích ở từng cơ quan, đơn vị.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 282.900 tỉ đồng, đạt 73,2% dự toán năm, tăng 20,01% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi ngân sách mới chỉ đạt 33,19%; chi đầu tư phát triển mới đạt 16,02% dự toán.

Ông đề nghị người đứng đầu các sở, ngành cần xem lại việc này. Đồng thời khi nhìn thấy sự việc này xảy ra ở cơ quan, đơn vị, địa bàn nào thì liên hệ ngay xem có xảy ra ở sở, ngành, địa bàn mình không. Ông cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần rà soát xem công việc còn tồn đọng bao nhiêu để phân công lại và giải quyết.

Về các công việc cụ thể của các sở ngành, ông yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, tập trung hơn nữa cho công tác cải cách hành chính này, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung quyết liệt giải pháp đấy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Sở Tài chính trong tháng 8 tập trung cho đề án quản lý sử dụng hiệu quả tài sản công; rà soát điều chỉnh quỹ tài chính ngoài ngân sách; thực hiện các kết luận của kiểm toán; thu chi, thanh toán liên quan đến Thủ Thiêm và một số nhiệm vụ khác.

Sở Xây dựng được Chủ tịch UBND TPHCM giao tập trung giải quyết phần còn lại của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, để cuối năm 2022 cơ bản hoàn thành. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện đề xuất về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm – dự án có ý nghĩa lớn với TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới