Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu cà phê: 2024 tưng bừng, sao phải dè chừng 2025?

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngay thời khắc đầu năm mới 2025, không ai nghi ngờ gì nữa với những thành quả mà ngành cà phê đạt được trong năm 2024. Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất toàn cầu trong một thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt.

Nhà vườn tại Đắk Lắk vui ngày mùa cà phê 2024. Ảnh: Simexco Đắk Lắk

Nếu như trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam năm 2024 đạt mức cao kỷ lục lịch sử với 62,5 tỉ đô la Mỹ, thì xuất khẩu cà phê đóng góp chừng 9% với nhiều cái “nhất”.

Đạt nhiều cái “nhất”

Cả năm 2024, ước tính Việt Nam xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê với tổng kim ngạch đạt gần 5,48 tỉ đô la Mỹ, giảm 18,8% về lượng nhưng tăng 29,1% về giá trị so với năm 2023, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Như vậy, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất toàn cầu trong một thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt. Nhưng đấy cũng là một năm tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước vượt khỏi mốc 5 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước đến nay dù khối lượng xuất khẩu ở mức thấp nhất tính từ khoảng chục năm trở lại.

Giá cà phê nguyên liệu tại vùng cà phê trọng điểm các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng cao từ đầu đến cuối năm. Nếu đầu niên vụ 2023-2024 giá mua bán quanh mức 60 triệu đồng/tấn, thì ngay từ tháng 1-2024 giá giật lên và trong năm có lúc chạm 135 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất chưa từng thấy với tư cách nông sản hàng hóa. Kéo dài qua đầu niên vụ mới khi vào vụ thu hái chủ yếu từ tháng 11 và 12-2024 cho năm kinh doanh 2025, nhiều người trên thị trường cứ tưởng giá nguyên liệu có thể giảm trở lại do vào mùa hàng ra nhiều. Nhưng thực tế khác đi. Hàng nguyên liệu mua bán giao qua năm 2025 chỉ thoáng chạm 100 triệu đồng/tấn rồi quay nhanh trở lên 130 triệu đồng và trong những ngày cuối năm 2024, vẫn quanh mức 120 triệu đồng/tấn (28-12-2024), là mức cao nhất chưa từng thấy trong thời gian thu hoạch.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy sản lượng toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt chừng 168 triệu bao (bao = 60 ki lô gam) trong đó cà phê arabica đạt 96,4 triệu bao và robusta 71,6 triệu bao. Chỉ riêng phần robusta, nếu Việt Nam sản xuất được 26,5 triệu bao thì Brazil đã sát bên với 21,4 triệu bao. Một số nước khác cũng đã và đang tăng diện tích trồng robusta trong thời gian qua nhờ giá sàn kỳ hạn tăng cao, trong đó phải kể đến Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Uganda và một số nước đã từng mất tên trên bản đồ cà phê robusta thế giới nay xuất hiện trở lại như Thái Lan, Malaysia, Mexico…

Khi một nước tiêu thụ có thể sản xuất được cà phê, thì đương nhiên lượng xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp lại và vì lẽ đó mà thị phần cũng giảm đi. Thị phần xuất khẩu cà phê dạng hạt (green coffee) Việt Nam năm 2024 được ghi nhận chừng 18% trên thị trường cà phê thế giới, 1,32 triệu tấn so với 7,19 triệu tấn.

Trong khi đó, Brazil được mùa với tổng sản lượng 3,98 triệu tấn cà phê các loại. Cũng cần thấy rằng sản lượng robusta của nước này trong những năm gần đây tăng dần một cách đều đặn. Riêng năm 2024, sản lượng robusta Brazil ước đạt 1,29 triệu tấn, trong đó ngoài lượng xuất khẩu dưới dạng cà phê chế biến như rang xay và hòa tan, họ còn xuất khẩu cà phê robusta hạt lên đến 522.000 tấn, tăng 107,4% so với năm 2023.

Đã thế, giá cà phê xuất khẩu mua bán dựa trên chênh lệch giữa giá niêm yết sàn kỳ hạn và giá giao hàng qua lan can tàu từ cảng nước sản xuất (FOB) cũng tăng căng như diều được gió. Nếu như đầu năm mức giá chênh lệch này (differentials) bằng mức niêm yết sàn kỳ hạn thì trong năm có lúc cộng thêm (premium) lên đến 1.500 đô la/tấn. Giá thị trường hàng giấy (theo hợp đồng) đã cao thì giá hàng thực (physicals) lại càng cao hơn. Những nước xuất khẩu nào, người bán nào càng kết chặt với sàn kỳ hạn để “tham chiếu” thì giá cà phê nội địa càng tăng cao và trực tiếp gây không ít khốn đốn cho chính họ do thu gom hàng không kịp với cường độ tăng giá.

Chuyện lạ trên sàn kỳ hạn?

Đấy là 2024 - năm cà phê “được mùa được giá” trên phạm vi toàn cầu. Vì sao? Sản lượng cà phê năm 2024 đạt 168 triệu bao so với 2023 là 164,4 triệu bao tính theo số tròn dựa trên các chi tiết Báo cáo của USDA. Cho nên, nhà vườn nước ta nói mất mùa thì giá cà phê trong nước tăng phi mã là lẽ đương nhiên.

Thật vậy, tất cả thị trường cà phê toàn thế giới đều dậy sóng với lực đẩy khủng khiếp xuất phát từ hai sàn kỳ hạn arabica New York và robusta London.

Giá trên các sàn kỳ hạn trong năm 2024 như ngựa bất kham. Ông Lê Đức Thống, nguyên Tổng giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, người gắn bó với công tác xuất khẩu cà phê từ năm 1984, cho biết tuy có đến 40 năm trong ngành cà phê và chứng kiến diễn biến giá trên các sàn kỳ hạn bấy nhiêu năm nhưng ông không khỏi kinh ngạc đến ngỡ ngàng khi thấy giá trên sàn London trong một ngày dao động đến 620 đô la Mỹ/tấn và arabica có khi đóng cửa tăng 20 cts/lb (tương đương với dương 441 đô la/tấn).

Giá kỳ hạn tháng giao dịch chính (3-2025) trong năm 2024 từ 2.529 đô la (ngày 3-1) lên đỉnh lịch sử 5.694 đô la/tấn (hôm 29-11). Ngoài mức ấy, đỉnh giá robusta vào ngày 16-9 còn chạm 5.829 đô la/tấn nhưng mức này chỉ dành cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia trên sàn kỳ hạn với những giao dịch hoàn toàn mang tính chất tài chính, còn giới xuất khẩu chỉ được giao dịch trong thời hạn giao hàng quy định như hiện nay và chỉ được chốt giá trên các tháng giao dịch theo kỳ hạn bắt buộc giao hàng thường khóa sổ trước hơn một tháng. Sàn arabica cũng vậy, đầu năm ở mức 177.20 cts/lb, tức 3.907 đô la/tấn, thì đến thời gian cuối năm lên 348.35 cts/lb hay 7.680 đô la/tấn (10-12-2024), mức cao nhất tính từ 50 năm trở lại.

Vấn đề đáng lưu ý là không ít tay đầu cơ, chủ yếu là kinh doanh tài chính, đã không ngớt tung ra các thông tin cà phê mất mùa chỗ này chỗ kia để mua trước bán sau trục lợi trên giá kỳ hạn mà không cần quan tâm đến sự sống còn của ngành cà phê trên phạm vi toàn cầu lẫn từng nước sản xuất. Đứng trước nguy cơ một số mặt hàng nông sản có quan hệ mật thiết với các sàn kỳ hạn phá vỡ hệ thống và cấu trúc xuất khẩu, mới đây Chính phủ Ấn Độ đã quyết định “treo” không cho phép giao dịch các mặt hàng nông sản trên sàn kỳ hạn để hạ nhiệt giá nguyên liệu phình như bong bóng trong nước với hy vọng thị trường xuất khẩu mặt hàng nông sản liên quan lành mạnh hơn(1).

Mấy điều cần đắn đo

Rõ ràng rằng sự thành công vượt bậc của ngành nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng trong năm 2024 chủ yếu xuất phát từ nỗ lực của nhiều thành phần, từ Nhà nước đến từng hộ nông dân và từng doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhiều người cho rằng thị trường trong siêu chu kỳ tăng giá. Đúng. Nhưng giá tăng mà không bắt lấy cơ hội bán thì đợi đến chu kỳ nào nữa mới ra hàng?

Trong những ngày này vào năm 2023, qua một vòng khảo sát, các kho vựa tại vùng nguyên liệu đều trống trơn, và năm 2024 qua 2025 trong cùng thời điểm cũng trống rỗng. Một chủ vườn người đồng bào ở huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng cho biết năm qua anh thu được 10 tấn cà phê, nợ nần từ chục năm qua đã thanh toán bằng hết với 5 tấn, còn nửa sản lượng kia, chờ, khi cần mới bán. Đó là chưa kể hết rất nhiều trường hợp nhà vườn có một số sản phẩm “phụ” như sầu riêng, trái cây khác, rau củ… đều được giá và do không bảo quản được lâu, nên chọn cà phê để lại, chẳng nhất thiết vì chờ thời mà đúng là để khi thư thới mới tính chuyện bán ra. Thị trường cà phê những năm dài giá thấp đã tạo cho nhiều nhà vườn một “quyền chọn” cực lớn mà không phải là không có lý, không ai có thể trách họ về chuyện ấy mà thay vào đó chỉ biết bái chào.

Tuy vậy, không lo lắng sao được khi ba tháng cuối năm 2024, khối lượng xuất khẩu cà phê giảm rõ rệt, cả quí 4-2024, ước chừng 160.000-170.000 tấn, chỉ bằng lượng xuất khẩu cho một tháng 12 trong các năm trước, lãnh đạo một cơ quan kiểm định hàng hóa cho biết như vậy. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) mới đây cũng khẳng định ba tháng đầu niên vụ mới 2024-2025, lượng bán xuất khẩu chỉ bằng 50% của cùng kỳ năm trước. Do vậy, cần tiên lượng rằng những tháng đầu năm 2025, lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam khó lòng bứt phá để giữ được thành quả kim ngạch năm 2024. Thường quí 1 hàng năm, lượng xuất khẩu rất lớn và có vai trò quyết định cho tổng kim ngạch cả năm.

Có thể tưởng tượng nếu lượng xuất khẩu không được điều hòa để thông hàng mà dồn ứ đến các tháng sau, thì cà phê tồn đọng càng nhiều, gặp phải “đụng hàng” robusta từ Indonesia và Brazil vào một mùa cà phê cũng “được” (tháng 4-2025 trở đi), nếu xui rủi nữa, chu kỳ tăng giá không còn. Lúc bấy giờ mất cơ hội giá tốt đã đành mà có khi “chạy chợ” cũng chẳng biết ai mua cho, bán đổ bán tháo sẽ là điều đáng tiếc.

Thật ra, các sàn kỳ hạn vô tình hay cố ý đã gạt giới kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê ra khỏi các sàn. Giá cà phê đầu vào quá cao, nguồn tín dụng chỉ có chừng mực, khó có thể giữ được khối lượng xuất khẩu của năm cũ chứ nói gì đến tăng trưởng cho năm sau. Mặt khác, các sàn kỳ hạn vừa qua nâng mức ký quỹ tham gia (initial margin) để mua bán bảo vệ giá hàng hóa. Chuyện này cũng ngốn không ít vốn của nhà kinh doanh. Giữa tháng 12-2024, nghe rằng mức ký quỹ tham gia mua bán trên sàn robusta lên tới 7.491 đô la/hợp đồng và arabica 10.449 đô la/hợp đồng, là mức cao nhất từ trước tới nay.

Chưa hết, người mua bán trong nước do sợ đối tác “xù hợp đồng”, đã tìm cách bắt người bán đóng 15-20% tiền cọc mới mua hàng. Người bán ít vốn, càng thiếu tiền thu gom hàng. Tiền mặt không đủ trả lấy đâu ra hàng để bán? Nên cà phê nguyên liệu như “gió vào nhà trống”, chưa kịp đậu đã bay, hàng đủ đâu để ra thị trường?

Trên sàn kỳ hạn có hai lực lượng đối trọng, bên mua và bên bán. Bên bán (chủ yếu là giới kinh doanh xuất nhập khẩu) không đủ vốn, không đủ hàng, thiếu tiền để bảo vệ giá, thì lực bán có đủ đâu để cân đối với lực mua nhằm điều hòa giá trên sàn. Và có lẽ cũng chính từ đây mà thị trường cà phê nói “mất mùa” để giới đầu cơ tài chính tham gia trục lợi. Thế mới thấy “mất mùa” tính trên sản lượng và khối lượng xuất khẩu trong năm cũ và cả năm mới là không mấy chính xác. “Mất mùa” theo cách giải thích sau chẳng hợp lý hơn sao?

Cho nên, bây giờ mà giải thích chuyện thiếu hụt cà phê do dịch Covid-19, do thời tiết cực đoan, do luật chống lưu thông các sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) như luật EUDR… có lẽ sẽ không bao trùm và xác đáng cho bằng lấy các hoạt động thực tế muôn mặt của thị trường mặt hàng liên quan thì bấy giờ mới mong phản ánh một phần nào đó của bản thân thị trường và giá cả mặt hàng đó.

Các quỹ đầu cơ tài chính trên sàn hình như đang muốn khống chế toàn bộ sàn kỳ hạn cà phê bằng huy động một lượng tiền khổng lồ, yếu tố cung cầu hàng thực bị đưa xuống hàng thứ yếu và chỉ được họ dùng để giải thích qua loa vì sao giá cà phê tăng hay giảm trong phiên. Đó cũng sẽ là nguồn cội làm lung lay thế bền vững và sản xuất xanh, sạch của ngành hàng này trong nay mai.

Giữ được thành tích kim ngạch xuất khẩu cà phê 5,5 tỉ đô la của năm 2024 trong năm mới của ngành cà phê Việt Nam là một thách thức lớn mà không dễ tái lập. Bao lâu các nhà xuất nhập khẩu và nhà vườn còn “tíu tít” với sàn kỳ hạn, thì bấy lâu vẫn phải “đánh võng” theo những kỳ vọng thị trường mà đáng ra phải do chính mình đặt ra và làm chủ.

Át chủ bài cho xuất khẩu cà phê trong những năm tới là liên kết chặt chẽ giữa nhà vườn với doanh nghiệp xuất khẩu, khắt khe với chính mình về chất lượng, tìm nhà xuất khẩu tín trung để gửi gắm “đứa con cưng” của mình. Như vậy mới mong giữ được trận địa trên một thị trường đầy biến động và nhiều rủi ro, mới mong sống với nghề sản xuất cà phê lâu dài.

(1) “India extends halt on futures trading in key farm commodities until January” tại https://www.reuters.com/world/india/india-extends-halt-futures-trading-key-farm-commodities-until-january-2024-12-19/

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới