Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu cá tra 2025: triển vọng lạc quan nhưng còn nhiều việc phải làm

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Trong năm nay, xuất khẩu cá tra khởi sắc nhưng ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức do một số nước đẩy mạnh cạnh tranh. Nhận định về tình hình kinh doanh trong năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng, ngành hàng chủ lực này có cơ hội tăng xuất khẩu nhưng cần giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ nhiều năm qua.

Cá tra có triển vọng gia tăng xuất khẩu năm 2025. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, cá tra đóng góp 1,666 tỉ đô la Mỹ cho ngành thuỷ sản, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số khá tích cực nhưng đi sâu tìm hiểu thì có thể thấy ngành hàng này đang có nhiều thách thức.

Người Thái dùng cá tra Việt cạnh tranh với doanh nghiệp Việt

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký VASEP ước đoán cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ đạt mức 2 tỉ đô la Mỹ, tăng khá so với con số khoảng 1,77 tỉ đô la Mỹ của năm trước đó.

Tuy nhiên, qua phân tích của những người trong cuộc, ngành cá tra phải đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm bị cạnh tranh do một số nước đẩy mạnh sản xuất cá tra; cá thịt trắng tranh giành thị phần, thậm chí một số quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam sau đó chế biến cạnh tranh giành thị trường với doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị tổng kết ngành cá tra 2024 diễn ra ở tỉnh Đồng Tháp hôm 17-11 trong khuôn khổ lễ hội cá tra, bà Nguyễn Thị Băng Tâm, chuyên viên Cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn số liệu từ Liên minh nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu (GAA) cho biết, từ năm 2010 đến nay, cá tra Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh lớn hơn khi nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia đẩy mạnh phát triển nuôi loại thuỷ sản này.

Từ chỗ gần như là sản phẩm độc quyền, hiện tổng sản lượng cá tra Việt Nam chỉ còn chiếm khoảng 50% sản lượng toàn cầu, tức các nước còn lại chiếm một nửa sản lượng còn lại. Trong đó, riêng năm 2024, sản lượng ước đạt 1,67 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2023.

Không chỉ chịu sức ép như nêu trên, theo bà Băng Tâm, cá tra Việt Nam được một số thị trường nhập khẩu sau đó chế biến cạnh tranh trực tiếp với chính doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2024, Thái Lan đã chi 46 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu cá tra Việt Nam, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 9-2024, quốc gia này là thị trường đơn lẻ nhập khẩu cá tra nhiều thứ ba của Việt Nam.

Bà Băng Tâm cho biết, Thái Lan không có tên trong bản đồ nuôi cá tra nhưng lại là quốc gia có giá bán cá tra vào Mỹ cao gấp đôi giá doanh nghiệp Việt Nam đang bán vào đây. “Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam là ba quốc gia được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Thế nhưng, nếu năm 2021, giá bán cá tra Thái Lan vào Mỹ chỉ bằng một nửa của Việt Nam thì năm nay, giá của Thái Lan cao gấp đôi Việt Nam”, bà nói và nhấn mạnh, đây là kết quả được lấy từ dữ liệu phân tích, thống kê từng lô hàng.

Trao đổi với KTSG Online mới đây, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho biết, công ty từng mời đối tác Thái Lan sang hợp tác đầu tư, trong đó, Trường Giang góp vốn, đối tác chuyển giao công nghệ, lợi nhuận chia đôi nhưng người Thái từ chối dù thuơng nhân nuớc này mua cá phi lê của Việt Nam làm rồi bán lại rất nhiều.

"Thái Lan mua cá phi lê của Việt Nam, cắt khoanh cấp đông, sau đó chế biến thành một sản phẩm bên ngoài giòn và thơm nhưng bên trong lạnh", ông Văn nói.

Từ thực trạng nêu trên, bà Băng Tâm, chuyên viên Cục thủy sản cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên có sự cân nhắc kỹ về chất lương sản phẩm, tỷ lệ mạ băng (lớp nước đá phủ trên bề mặt cá) và xây dựng thương hiệu để gia tăng sức cạnh tranh, nhất là về giá bán.

Dữ liệu thống kê của VASEP cho thấy, giá cá tra Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc và Mỹ (hai thị trường chiếm 46% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành) sụt giảm khá rõ rệt. Trong đó, bình quân giá xuất sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay đạt chỉ xấp xỉ 2 đô la Mỹ/kg, thấp nhất trong cùng thời điểm ba năm gần đây; bình quân giá bán sang Mỹ cũng chỉ khoảng 3 đô la Mỹ/kg, cũng thấp nhất trong cùng thời điểm ba năm qua.

Theo bà Tường Lan của VASEP, dù chiếm 50% sản lượng cá tra thế giới nhưng Việt Nam phải đi theo quy luật cá thịt trắng, tức cá tuyết, cá Alaska pollock, cá rô phi... giảm giá nên cá tra cũng giảm theo. Ngoài ra, việc thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất là Trung Quốc giảm nhập khẩu các loại cá thịt trắng cũng khiến giá cá tra sụt giảm. Tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu năm 2024 giảm 11% so với 2023 cũng là lý do khiến giá cá tra tại thị trường này không tăng được.

Cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh tử các loại cá thịt trắng khác. Ảnh: Trung Chánh

Giải quyết vấn đề nội tại để "chinh phục" cơ hội

Dù chịu sức ép trong năm 2024 nhưng triển vọng ngành cá tra năm 2025 vẫn nhiều điểm sáng, có khả năng giúp loại thủy sản chủ lực này của Việt Nam bứt phá.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết, sản lượng của nhóm các loại cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam, gồm cá rô phi, cá tuyết (cá cod), cá Alaska pollock đang suy giảm khoảng 20% trong ba năm gần đây, xuống còn trên dưới chỉ 7 triệu tấn. Điều này khiến quota đánh bắt hầu hết các loài cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tiếp tục giảm trong năm 2025.

Thêm vào đó, do cá tuyết đuợc định vị là dòng sản phẩm cao cấp hơn cá tra, giá bán khá đắt nên một số phân khúc cá tra hoàn toàn có thể cạnh tranh. “Căn cứ vào bức tranh toàn cầu về nguồn cung cá thịt trắng, tôi nhận thấy cá tra cần phải nắm bắt cơ hội khi sản lượng của những loại này năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ giảm, nhất là vùng bắc Đại Tây Dương nên quota đánh bắt cũng giảm”, bà Tâm nói.

Trong khi đó, bà Băng Tâm cho rằng, với dự báo chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ngành cá tra Việt Nam nói riêng và thuỷ sản nói chung có cơ hội gia tăng xuất khẩu. “Mỹ có khả năng áp thuế rất lớn với cá rô phi Trung Quốc, giúp ngành thuỷ sản Việt Nam, trong đó có cá tra tốt hơn trong năm 2025”, bà Băng Tâm nhận định.

Bà Lan của VASEP cũng lạc quan về triển vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2025 khi kết quả sơ bộ mới nhất thuế chống bán phá giá vào Mỹ (kỳ xem xét hành chính lần thứ 20- POR20) có 8 doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0. Nếu kết quả cuối cùng (cuối quí 1-2025 công bố) vẫn giữ như vậy, thì đây là cơ hội rất lớn cho cá tra vào Mỹ, bà nói.

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi khác cho ngành cá tra Việt Nam, bao gồm lượng tồn kho ở các thị trường chính giảm, trong khi cá tra nguyên liệu từ nay đến hết quí 1-2025 thiếu hụt cục bộ, nhất là cá size lớn, giúp ngành cá tra tăng được giá bán.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội nêu trên, theo bà Vi Tâm của Vĩnh Hoàn, nhiều vấn đề nội tại của ngành hàng cá tra cần được giải quyết. Trong đó, chất lượng con giống và thức ăn cần được quan tâm nhiều hơn. Thức ăn cá tra có nhiều bên tham gia dẫn đến mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn trước, vấn đề chất lượng sản phẩm cần kiểm soát, bên cạnh kiểm soát về con giống.

Với thị trường Saudi Arabia, cần giải được lệnh cấm đã tồn tại nhiều năm qua nhằm tăng uy tín cho cá tra. Đây cũng là thị trường lớn, nhưng chúng ta để lệnh cấm như vậy tồn tại nhiều năm sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi cá tra. Với thị trường Mỹ, cần mở cửa thêm đối với dòng sản phẩm nấu chín ăn liền. Bởi lẽ, trong cơ cấu sản phẩm của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) duyệt thì chưa có dòng sản phẩm ăn liền.

Năm 2025, ngành cá tra Việt Nam có kế hoạch là sẽ duy trì sản lượng đạt khoảng 1,65 triệu tấn, giảm khoảng 20.000 tấn so với năm 2024 nhưng vẫn khá thận trọng khi dự báo kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức 2 tỉ đô la Mỹ. Rõ ràng, ngành hàng chủ lực này có triển vọng tận dụng các cơ hội để gia tăng xuất khẩu trong năm 2025 nhưng cần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại để con cá tra Việt Nam có thể đi xa hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới