Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu dần phục hồi nhưng thiếu bền vững

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ, thủy hải sản, dệt may… đang trên đà phục hồi trở lại, tạo động lực lớn cho sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng này chưa bền vững vì còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI và tập trung vào một số thị trường lớn truyền thống.

Đơn hàng sản xuất đang quay trở lại với nhiều ngành hàng, trong đó có may mặc. Ảnh minh họa: TL

Đơn hàng dần phục hồi

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 190,73 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,9% và trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỉ đô la, tăng 17,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng qua là đạt 200.460 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận từ doanh nghiệp xuất khẩu những ngành chủ lực như gỗ, dệt may, thủy sản... cũng cho thấy nhiều thông tin tích cực.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng khá tích cực. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trong nửa đầu năm nay vào khoảng 22-25%. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến quí 3, thậm chí là quí 4.

Đáng chú ý, thị trường truyền thống lớn của ngành là Mỹ đã phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông… được doanh nghiệp khai thác trong những năm sau đại dịch cũng có dấu hiệu tích cực.

Cụ thể, sau khi sụt giảm mạnh trong năm qua, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may - một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng mới, lượng hàng tồn kho giảm.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 16,28 tỉ đô la Mỹ, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu dệt may khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Nhiều  doanh nghiệp dệt may cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết đơn hàng bắt đầu ổn định, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và 11-2024. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, mức tăng trưởng sẽ mạnh hơn vào cuối năm và đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ đô la trong năm nay.

Tương tự, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), cho biết xuất khẩu thủy hải sản đã đạt hơn 4,4 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vasep hy vọng tình hình xuất khẩu trong năm 2024 sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quí 3 và quí 4. Điều này sẽ đưa kết quả xuất khẩu thủy hải sản cả năm 2024 tới gần 10 tỉ đô la, tăng 12% so với năm 2023.

Báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global cũng cho thấy,  tăng trưởng trong ngành sản xuất của Việt Nam đã gia tăng mạnh vào tháng 6 vừa qua.

Chỉ số PMI sản xuất của S&P Global Việt Nam tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6 từ mức 50,3 điểm trong tháng 5. Điều này không chỉ cho thấy sự cải thiện tháng thứ ba liên tiếp trong lĩnh vực này mà còn thể hiện việc các điều kiện kinh doanh được cải thiện rõ rệt.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng trở lại. Ảnh: baochinhphu.vn

Trong đó, điều kiện kinh doanh được cải thiện nhiều phản ảnh sự gia tăng đáng kể cả về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm giữa năm. Một số khách hàng quay lại yêu cầu thêm đơn đặt hàng trong tháng. Với mảng sản xuất chế tạo, trong tháng 6, sản lượng cũng tăng mạnh nhất chỉ trong hơn 5,5 năm qua.

"Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam bùng nổ vào thời điểm giữa năm, thoát khỏi mức tăng trưởng tương đối khiêm tốn gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh", ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói.

Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững

Kim ngạch xuất khẩu đến phần lớn từ doanh nghiệp FDI, nhất là điện thoại, điện tử... Sản xuất tại nhà máy Samsung ở Việt Nam. Ảnh: website DN

Đơn hàng xuất khẩu nhiều ngành hàng đang trên đà phục hồi trở lại, tạo động lực lớn cho sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến rằng việc xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn đến chưa hiệu quả và không bền vững.

Nửa đầu năm nay, theo thống kê Bộ Công Thương, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) chiếm đến 71,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 136,69 tỉ đô la. Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI mang lại.

Với các mặt hàng xuất chủ lực như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 52,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,7%; giày dép tăng 10%; điện thoại và linh kiện tăng 11,3%...  khối FDI nắm tỷ trọng rất cao.

TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, dẫn chứng, sản phẩm điện thoại và linh kiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch nhưng lại phụ thuộc phần lớn vào Samsung và những công ty cung ứng nước ngoài cho doanh nghiệp này. Sự tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng này rất thấp và giá trị chưa cao.

Trong 8 năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam luôn xuất siêu. Xuất siêu của Việt Nam liên tục lập kỷ lục là nhờ sự đóng góp đáng kể của khu vực FDI. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam ít có mối liên kết với doanh nghiệp nội địa. Phần lớn linh kiện, phụ tùng... sử dụng của doanh nghiệp nước ngoài hoặc nhập khẩu.

"Nhìn chung, sản xuất khối FDI sản xuất chủ yếu giải quyết việc làm và sử dụng một số dịch vụ giản đơn như ăn uống, vận chuyển, may đồng phục", ông nói và cho rằng, giải pháp căn cơ vẫn thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất FDI.

Bên cạnh vấn đề trên, nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại về thị trường xuất khẩu. Cụ thể, dù hàng hóa đã xuất đi khắp thế giới nhưng lại tập trung nhiều ở một số thị trường lớn truyền thống như Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đáng chú ý, thị trường Mỹ luôn dẫn đầu kim ngạch trong nhiều năm qua. Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất sang nước này ước đạt 54,3 tỉ đô la, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa thị trường lớn thứ nhì là Trung Quốc (27,8 tỉ đô la).

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lưu ý, khi xuất khẩu với giá trị lớn, tăng nhanh thì cơ quan quản lý nước này sẽ để ý hơn và có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ với hàng hóa nhập từ Việt Nam. Trong 3 năm qua, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã bị Mỹ đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tần suất cao.

Cùng với đó, những thách thức khác như gián đoạn kéo dài và chi phí vận tải tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị leo thang cũng được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ tạo áp lực với với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2024.

Theo ông Doanh, để phát triển bền vững hơn, cùng với việc theo dõi sát diễn biến thị trường để có những đối sách kịp thời thì doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, cần phối hợp liên ngành, địa phương, chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.

Cùng với đó là cần nâng cao giá trị sản phẩm như giảm xuất thô, tăng chế biến sâu. Với việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành nhà cung ứng cho các nhà sản xuất FDI, chuyên gia này cho rằng "Doanh nghiệp Việt cần "hợp lực" để nâng chuỗi giá trị nhằm cạnh tranh".

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới