Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu dệt may dự kiến đạt 40 tỉ đô la, sụt giảm 9%

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hàng hóa ngành dệt may đã đến với 104 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, dự kiến tổng lượng xuất khẩu ngành dệt may của năm nay chỉ đạt hơn 40 tỉ đô la, thấp hơn so với con số của năm ngoái là hơn 44 tỉ đô la.

Việt Nam đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đến các thị trường trong khoảng 9 tháng qua. Ảnh: Thành Hoa

Ngày 23-11, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã tổ chức hội nghị tổng kết Vitas 2023. TTXVN dẫn thông tin từ sự kiện, cho biết tổng doanh số xuất khẩu của ngành năm 2022 đạt hơn 44 tỉ đô la Mỹ. Dự kiến năm 2023, con số này chỉ đạt khoảng hơn 40 tỉ đô la (sụt giảm khoảng 9% so với năm trước - PV) do doanh nghiệp ngành dệt may vẫn còn gặp những khó khăn như sụt giảm đơn hàng, nhu cầu tiêu thụ ít hơn.

Tuy nhiên, các mặt hàng của ngành dệt may đã đến với 104 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là thị trường đứng đầu trong nhập khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch hơn 11 tỉ đô la, tiếp theo là Nhật Bản khoảng 3 tỉ đô la, Hàn Quốc với 2,43 tỉ đô la, các nước châu Âu (EU) gần 2,9 tỉ đô la.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may cũng đa dạng được các mặt hàng xuất khẩu. Theo thống kê của Vitas, 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đến các thị trường. Trong đó, jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với hơn 4,8 tỉ đô la, quần áo các loại hơn 3,8 tỉ đô la, sơ mi gần 1,9 tỉ đô la…

Với kỳ vọng vào xuất khẩu sản phẩm ngành dệt may tăng trưởng nhiều hơn trong năm 2024, đại diện hiệp hội đã đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp như đa dạng hóa thị trường, mặt hàng.

Ngành dệt may Việt Nam cần đặt mục tiêu về xanh hóa, giảm phát thải nhà kính, giảm việc đốt bằng nhiên liệu hóa thạch, hướng đến phát triển bền vững; tập trung cho các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao; chủ động hơn về phát triển ý tưởng, mẫu mã, chủ động nguyên liệu đầu vào trong sản xuất. Ngoài ra, Vitas cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc đưa ra một số kiến nghị về quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường để thu hút đầu tư trong ngành vải, kéo sợi…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới