Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 8 triệu tấn năm 2022, cao nhất trong 4 năm

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2022 dự kiến đạt 8 triệu tấn, mức cao nhất trong 4 năm nhờ các nước nhập khẩu tăng cường mua gạo để bổ sung vào kho dự trữ và kiềm chế lạm phát lương thực.

Công nhân làm việc trong một nhà máy của Asian Peninsula Corporation, một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Thái Lan, ở Bangkok. Ảnh: Getty

Hãng tin Bloomberg hôm 21-12 dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), cho biết xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể sẽ tăng lên con số 8 triệu tấn trong năm nay.

Ông lý giải xuất khẩu cải thiện là nhờ đồng bath yếu, làm tăng khả năng cạnh tranh gạo của nước này trên thị trường quốc tế và các nước như Trung Quốc đang tìm cách bổ sung vào kho dự trữ gạo trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ông dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể giữ ở mức tương tự trong năm sau.

Trước đó, hôm 16-12, ông Ronnarong Phoolpipat, Cục trưởng Cục Chiến lược và chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Mỹ và Philippines lần lượt tăng 25% và 44% so với năm ngoái. Ông kỳ vọng khối lượng gạo xuất khẩu có thể tăng cao hơn nữa trong năm 2023 nhờ tỷ giá thuận lợi và các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng hơn nữa.

Bộ Thương mại Thái Lan đang có kế hoạch quảng bá gạo Thái Lan bằng cách tổ chức hội nghị gạo Thái Lan vào năm tới, cũng như tham gia các hội chợ quốc tế như BioFach tại Đức, Gulfood 2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Foodex 2023 tại Nhật Bản, China-Asean Expo 2023 và Fine Food 2023 tại Úc.

Giá các loại thực phẩm thiết yếu như lúa mì và dầu ăn đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine làm giảm nguồn cung từ Biển Đen. Tình trạng gián đoạn này đã kích hoạt làn sóng bảo hộ lương thực khi một số chính phủ hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung trong nước. Ấn Độ, nước xuất gạo lớn nhất thế giới, đã hành động như vậy trong năm nay, mở ra cơ hội cho gạo của Thái Lan trên thị trường quốc tế.

Gạo là lương thực chính của một nửa thế giới. Trong khi giá lúa mì tăng vọt lên mức cao nhất lịch sử hồi tháng 3, giá gạo lại tương đối yếu, giúp kiềm chế lạm phát lương thực ở châu Á. Nhiều người dân ở một số nước như Indonesia, có thể đã chuyển tiêu thụ lúa mì đắt tiền sang gạo nhằm kiểm soát chi phí lương thực.

Giá gạo tiêu chuẩn ở châu Á đã đạt mức cao nhất trong năm nay là 468 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 5 và mức thấp nhất 410 đô la Mỹ vào tháng 7. Theo dữ liệu của TREA, các mức giá gạo trong năm nay vẫn còn kém xa mức hơn 1.000 đô la Mỹ/tấn trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.

Ông Chookiat Ophaswongse cho biết Thái Lan được hưởng lợi trong năm nay từ động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ cũng như việc Iraq nối lại việc nhập khẩu gạo của Thái Lan. Xuất khẩu gạo mạnh mẽ của Thái Lan đã phản ánh mối lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu và tình hình sản lượng gạo thấp hơn ở những nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Ấn Độ, vốn chiếm gần 40% thương mại gạo quốc tế.

Ông Chookiat Ophaswongse nói: “Các nước đã tăng nhập khẩu gạo hơn để củng cố kho dự trữ và giữ giá lương thực trong nước ở mức thấp. Đồng baht yếu và giá gạo thấp trong năm nay đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh của chúng tôi”.

Khối lượng xuất khẩu 8 triệu tấn gạo theo ước tính của Thái Lan trong năm nay cao hơn mức mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn, vốn đã cao hơn 20% so với năm 2021. Khách hàng mua đơn lẻ lớn nhất của gạo Thái Lan trong năm nay là Iraq, chiếm 1,5 triệu tấn, theo Chookiat Ophaswongse. Quốc gia Trung Đông này đã ngừng nhập khẩu gạo Thái Lan sau năm 2013 do lo ngại về chất lượng và chỉ mới bắt đầu mua gạo Thái Lan trở lại hồi năm ngoái.

Indonesia là một trong những nước mua gạo nước ngoài để tăng dự trữ và hạn chế lạm phát lương thực trong nước. Bulog, cơ quan phụ trách phân phối và kiểm soát giá thực phẩm của Indonesia, đã nhập khẩu gạo lần đầu tiên kể từ năm 2018, với 200.000 tấn đến từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhu cầu của Indonesia sẽ giúp nâng khối lượng xuất khẩu của Thái Lan lên 8,5 triệu tấn vào năm 2023.

Chookiat Ophaswongse dự kiến trong năm tới Iraq sẽ tiếp tục mua mạnh gạo của Thái Lan và các chuyến hàng xuất khẩu gạo của Thái Lan đến Indonesia có thể sẽ tăng lên. Ông cho biết nguồn cung gạo của Thái Lan sẽ cải thiện hơn nhờ thời tiết thuận lợi trong vụ thu hoạch chính năm nay và sản lượng gạo trái vụ sẽ tăng mạnh trong năm tới.

 Theo Bloomberg

Với khối lượng gạo xuất khẩu dự kiến đạt tối thiểu 8 triệu tấn trong năm nay, Thái Lan sẽ lấy lại ngôi vị nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới từ Việt Nam.

Hôm 19-12, Congthuong.vn dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết trong 11 tháng của năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt trên 6,68 triệu tấn, tương đương hơn 3,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả của 11 tháng qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ước tính kết thúc năm 2022 sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn với trị giá ước tính khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới