(KTSG Online) – Thời điểm này năm ngoái, thị trường lúa gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã “bùng nổ” và kéo dài đến cuối năm, thậm chí ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao đã xảy ra. Nhưng với diễn biến hiện nay, kịch bản của năm 2023 có lặp lại trong những tháng cuối năm hay không?
Yếu tố chính dẫn đến “bùng nổ” ngành gạo những tháng cuối năm ngoái do Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- đột ngột dừng xuất khẩu đối với gạo trắng (non- basmati). Kịch bản này liệu có tái diễn khi Ấn Độ hiện vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng?
Thị trường “sáng”, nhưng không “sốt”?
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc ngành hàng lúa gạo Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đánh giá, thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm sẽ đứng ở mức cao, nhưng khó đột biến như những tháng cuối năm ngoái.
Cơ sở để ông Thành đưa ra đánh giá nêu trên, đó là nhu cầu nhập khẩu của Philippines và Indonesia tăng nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước, tuy nhiên, nhu cầu này cũng ở mức vừa phải, nhất là không có yếu tố đột ngột về phía cung như bối cảnh của năm ngoái. “Giá từ đây đến cuối năm sẽ đứng ở mức cao”, ông nói và dẫn chứng, gần đây giá tăng 500-600 đồng/kg, sau đó giảm lại 100-200 đồng/kg và đứng ở mức cao như hiện nay.
Trong khi đó, tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024, triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL” diễn ra hôm 20-8 ở tỉnh Long An, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, từ tháng 7 năm ngoái, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng, dẫn đến nguồn cung bị hạn chế một phần so với trước. “Năm 2023, Ấn Độ vẫn xuất khẩu gần 18 triệu tấn gạo (17,799 triệu tấn) và năm nay dự kiến 17 triệu tấn, tức giảm khoảng 4-5 triệu tấn so với con số của năm 2021-2022”, ông Nam dẫn chứng.
Tuy nhiên, chủ tịch VFA cho rằng, việc thiếu hụt nguồn gạo từ quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đã được “bù đắp” khi các quốc gia xuất khẩu còn lại như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Pakistan gia tăng xuất khẩu.
Cụ thể, luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 4,842 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ; Myanmar đạt 1,244 triệu tấn, tăng 31,44%; Pakistan 6 tháng đầu năm cũng xuất khẩu đạt 3,45 triệu tấn, tăng 66,67% so với cùng kỳ.
Riêng Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đạt gần 5,3 triệu tấn gạo các loại, với trị giá đạt 3,34 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,3% về lượng và 27,65% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung từ Ấn Độ giảm được “bù đắp” bởi những quốc gia khác giúp thương mại gạo thế giới nhìn chung vẫn ổn định. Điều này, đã phản ánh khá đúng diễn biến thị trường lúa gạo thế giới những tháng qua không có đột biến, thậm chí có thời gian sụt giảm như thực tế đã diễn ra.
Theo ông Nam, thị trường ngành lúa gạo từ nay đến cuối năm khó có khả năng sụt giảm, nhưng cũng không xảy ra đột biến như năm ngoái, bởi triển vọng thị trường nhập khẩu tăng và khả năng tăng xuất khẩu của một số quốc gia lớn vẫn duy trì, dù Ấn Độ chưa mở cửa.
Cụ thể, về phía nhập khẩu, thị trường Philippines có kế hoạch nhập 4,5-4,6 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với con số của năm ngoái, trong khi Indonesia dự kiến nhập khẩu 4,4-4,5 triệu tấn gạo, tăng gấp đôi so với năm 2023.
Còn về phía xuất khẩu, các quốc gia lớn đều tăng lượng bán ra, trong đó, Thái Lan kế hoạch đạt 8,8 triệu tấn so với con số 8,76 của năm ngoái; Pakistan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn năm 2024 so với 4,64 triệu tấn của năm ngoái; Myanmar là 2 triệu tấn so với con số 1,582 của năm 2023.
Rõ ràng, với diễn biến cung cầu gạo như nêu trên, thì khó có khả năng xảy ra đột biến như đã diễn ra trong những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên thị trường vẫn có triển vọng được giá vì nhu cầu lớn từ các nước nhập khẩu.
Còn bao nhiêu gạo để bán?
Vấn đề nhận được không ít sự quan tâm ở thời điểm hiện nay, đó là Việt Nam còn bao nhiêu gạo để bán những tháng cuối năm nay?
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng lúa hàng hoá quy gạo của Việt Nam năm nay dự kiến đạt trên dưới 26 triệu tấn. Trong đó, sau khi trừ đi cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước, bao gồm tiêu dùng người dân, làm giống, chế biến sản phẩm sau gạo và thức ăn chăn nuôi, thì số lượng còn lại có khả năng phục vụ cho xuất khẩu là 7,6 triệu tấn.
Từ con số nêu trên, đại diện VFA cho biết, lượng gạo phục vụ cho xuất khẩu những tháng còn lại năm 2024 là 2,3 triệu tấn, bởi 7 tháng đầu năm đã có 5,3 triệu tấn gạo được bán ra. Nếu tính cân đối cung cầu gạo Việt Nam và con số đã xuất khẩu 7 tháng đầu năm là 5,3 triệu tấn, thì lượng hàng hoá dành cho xuất khẩu còn lại khoảng 2,3 triệu tấn.
Tuy nhiên, dựa vào dữ liệu theo dõi ngành hàng đã thu thập, ông Thành của Angimex cho rằng, trong trường hợp sản xuất của Việt Nam thuận lợi nhất, thì sản lượng gạo có khả năng dành cho xuất khẩu tối đa chỉ ở mức 6 triệu tấn. “Đây là kết quả được tính trên số lượng diện tích thật sự, bao gồm diện tích sản xuất 1 vụ; diện tích không thể đạt năng suất tính toán lý thuyết nên thông số thường thấp hơn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Thành cho biết.
Được biết, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo, nhưng có khoảng 2 triệu tấn là nguồn được nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ, tức lượng gạo xuất khẩu thật sự của Việt Nam chỉ khoảng 6 triệu tấn. Nhiều chuyên gia cho biết, giai đoạn hai tháng cuối năm ngoái, giá gạo bị đẩy lên mức đỉnh đã cho thấy nhu cầu cao, nhưng cung thiếu trầm trọng.
Vị giám đốc ngành hàng lúa gạo của Angimex cũng nói thêm rằng, một phần gạo nhập khẩu từ Ấn Độ được dùng làm thức ăn chăn nuôi giúp “đẩy” gạo Việt lẽ ra dùng cho nhu cầu này có dư để xuất khẩu. “Khi gạo Ấn (nhập khâu) dùng cho thức ăn chăn nuôi, thì gạo Việt Nam sẽ chuyển đổi thành gạo trắng xuất khẩu”, ông giải thích và đánh giá, khả năng cung ứng cho xuất khẩu của gạo Việt tối đa chỉ ở mức 6 triệu tấn, thậm chí một số phân tích của quốc tế chỉ 5 triệu tấn.
Từ diễn biến nguồn cung còn lại có khả năng dành cho xuất khẩu cũng như triển vọng nhu cầu như đã nêu ở trên, đại diện của VFA nhấn mạnh, thị trường lúa gạo sẽ duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm nay...