(KTSG Online) - Với lượng xuất khẩu đạt 1,23 tỉ đôi trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới, tăng 4,4 lần so với năm 2011, theo dữ liệu từ World Footwear Yearbook 2021.
Hàng loạt thương hiệu giày dép nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Reebok, Puma... đều đã được gia công và sản xuất ở Việt Nam với số lượng lớn.
Sản phẩm giày dép ở Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó tập trung ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh,…
Thị phần xuất khẩu cao thứ 2 thế giới
Theo số liệu từ World Footwear Yearbook, sản xuất giày dép trên toàn thế giới trong giai đoạn 2010–2019 tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 2,2%. Năm 2019, ngành công nghiệp này tăng trưởng chậm lại, chỉ tăng 0,6% so với năm 2018, đạt mức sản xuất mới với 24,3 tỉ đôi.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh giày dép thế giới, với sản xuất giảm 15,8% (tương đương giảm gần 4 tỉ đôi) so với năm 2019, đạt 20,5 tỉ đôi. Tuy nhiên, sự phân bố địa lý của sản xuất giày dép trên giới không bị ảnh hưởng.
Ngành công nghiệp giày dép tiếp tục tập trung mạnh ở châu Á, cứ 10 đôi giày thế giới làm ra thì có tới 9 đôi được sản xuất tại đây, chiếm 87% tổng sản lượng giày dép thế giới, tăng thêm 0,2 điểm phần trăm tỷ trọng trong sản xuất giày dép thế giới. Tiếp theo là Nam Mỹ chiếm 4,6%, châu Âu chiếm 3,2%, châu Phi chiếm 3,1%, Bắc Mỹ chiếm 1,5%.
Trung Quốc vẫn là nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới (chiếm 54,3% tổng sản lượng). Tuy nhiên, năm 2020, sản xuất giày dép của Trung Quốc đã giảm hơn 2 tỉ đôi so với năm 2019, và tiếp tục giảm thị phần trên thế giới (giảm 1 điểm phần trăm). Điều này phản ánh sự chuyển dịch sản xuất sang các nước châu Á khác.
Số liệu của World Footwear Yearbook cho thấy châu Á tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới, nhưng tỷ trọng giảm dần trong tổng xuất khẩu giày dép thế giới trong 10 năm qua. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2020.
Tỷ trọng xuất khẩu giày dép của các châu lục khác cũng có xu hướng giảm, ngoại trừ châu Âu – khi khu vực này có tỷ trọng xuất khẩu tăng gần 4 điểm phần trăm trong tổng xuất khẩu của thế giới kể từ năm 2011, chủ yếu là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa, khiến thương mại nội khối châu Âu tăng lên.
Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu giày dép, với lượng đạt 7,4 tỉ đôi, chiếm 61,1% thị phần. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, thị phần xuất khẩu giày dép của Trung Quốc giảm 12 điểm phần trăm từ mức 73,1% năm 2011 xuống còn 61,1% năm 2020. Sự sụt giảm này đến từ sự vươn lên của Việt Nam, Indonesia và một số thị trường khác.
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,23 tỉ đôi trong năm 2020. Với kết quả này, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu).
Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuất bản World Footwear Yearbook, Trung Quốc không dẫn đầu xuất khẩu đối với một loại giày dép. Các quốc gia kế tiếp gồm Indonesia xuất khẩu 366 triệu đôi (3% thị phần); Đức 301 triệu đôi (2,5% thị phần); Thổ Nhĩ Kỳ 280 triệu đôi (2,3% thị phần).
Nhiều triển vọng cho Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,2%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 8,3% so với năm 2019, đạt 16,79 tỉ đô la.
Bước vào năm 2021, tín hiệu xuất khẩu giày dép hồi phục vào những tháng đầu, thì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4-2021) đã đẩy nhiều doanh nghiệp da giày vào tình thế khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, trong khi nhiều chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo...
Từ cuối tháng 9-2021 tình hình dịch bệnh có cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.
Gần đây, bên lề hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike, ông Nobel Kinder cho biết, toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị gián đoạn do Covid-19 đã quay lại sản xuất. Và đại diện tập đoàn Nike cam kết sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Trong những năm qua, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch (liên tục trong nhiều năm tăng ở mức 2 con số), với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2015 – 2019, đạt 13%/năm. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu giày dép sang thị trường này giảm, nhưng đã tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm 2021.
Theo giới phân tích, Mỹ đang tập trung sự bảo vệ các mặt hàng công nghệ cao trong nước nhiều hơn là vào các mặt hàng giày dép, dệt may vốn không phải thế mạnh của các nhà sản xuất nội địa Mỹ. Đồng thời, với việc Mỹ dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, hiện Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thực tế, thời gian qua tỷ trọng kim ngạch giày dép nhập khẩu từ Việt Nam không ngừng tăng. Thị trường EU, với EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, được xem là một trong những động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép trong thời gian tới.
Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các FTA song phương và đa phương, việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác.
Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng đang được phục hồi. Do đó, dự báo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng da giày… sẽ tăng trở lại.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong quí 3-2021 đạt 2,92 tỉ đô la, giảm 47,7% so với quí 2-2021; giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu xét về số tuyệt đối thì trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quí 2-2021, khi giảm 2,67 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do các tháng đầu năm xuất khẩu giày dép vẫn tăng cao nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,31 tỉ đô la, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.