Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gỗ: mừng lo đan xen

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu gỗ: mừng lo đan xen

Thái Hằng

Khách nước ngoài tham quan hội chợ đồ gỗ Vifa Home 2011. Ảnh: Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Nhiều điểm sáng đã xuất hiện trên thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ tháng 7. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để doanh nghiệp có thể thực sự quên đi mối lo trong sản xuất kinh doanh.

Điểm sáng thị trường

Theo bà Bùi Thị Thanh An, Trưởng đại diện của Cục xúc tiến thương mại tại TPHCM của Bộ Công Thương, người vừa dẫn đoàn các doanh nghiệp đồ gỗ trở về từ hội chợ Las Vegas (Mỹ), đã có nhiều tín hiệu lạc quan về sức mua của thị trường này trong năm nay. Theo bà An, sau 2 năm suy thoái kinh tế hiện nay lượng hàng tồn kho của nhiều nhà phân phối bán sỉ của thị trường này không còn nhiều và do vậy, gần như 10 doanh nghiệp tham gia đều có đơn hàng từ hội chợ. Đặc biệt có doanh nghiệp còn ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm gỗ nội thất từ nay đến cuối năm.

“Xét về giá cả, thị trường Mỹ không được cao so với thị trường châu Âu, Nhật Bản do xu hướng thích dùng sản phẩm kiểu dáng đơn giản, giá cả phải chăng. Nhưng bù lại đơn hàng ổn định, khách mua với số lượng lớn, doanh nghiệp có thể lấy số lượng bù cho đơn giá. So với 2 lần hội chợ trước đây vào năm 2009 và 2010 thì hội chợ năm nay khả quan hơn”, bà An nói.

Tuy nhiên, theo bà An, điều khá bất lợi là các doanh nghiệp đang phải gánh chi phí đầu vào cao, thể hiện ngay trên giá chào bán sản phẩm, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ so với các nước khác.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), nhiều diễn biến từ đầu năm đến nay như lãi suất cao, giá điện, nước, nhân công tăng cùng với nền kinh tế của nhiều thị trường nhập khẩu đang gặp khó khăn chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng các doanh nghiệp trong ngành đạt được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, điều đáng mừng, theo ông Quyền là thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ duy trì được sức mua khá đều đặn, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua 2 thị trường này tăng trưởng lần lượt khoảng 11% và 13% và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm do rơi vào cao điểm.

Một nét mới của thị trường từ nay đến cuối năm, chính là việc Nhật Bản gia tăng nhu cầu nhập khẩu các loại ván ép, gỗ ghép thanh để phục vụ cho nhu cầu xây dựng, tái thiết đất nước sau thiên tai. Phía Nhật cũng đồng thời giảm đi nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như trước đây, mở đường cho việc tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này vào Nhật.

Theo ông Quyền, đã có doanh nghiệp phía Bắc nhận được đơn hàng đến 200.000 tấm ván và gỗ ghép thanh cung cấp từ nay đến cuối năm vào thị trường Nhật.

Doanh nghiệp tiếp tục xoay xở

Bên cạnh nhiều yếu tố tích cực trên, doanh nghiệp trong nước vẫn còn canh cánh nhiều nỗi lo. Theo bà Bùi Thị Thanh An, Cục xúc tiến thương mại, điều mấu chốt ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành gỗ, thể hiện rõ nét trên đơn giá của các doanh nghiệp tham gia hội chợ so với doanh nghiệp nhiều nước khác là họ đang phải gánh mức lãi suất quá cao.

Theo nhiều doanh nghiệp, lãi suất đứng ở mức cao trong thời gian dài và vẫn chưa có dấu hiệu giảm đã kéo theo nhiều loại chi phí sản xuất khác lên theo kiểu “nước lên thuyền lên”. Do vậy, mặc dù lượng đơn hàng đến các doanh nghiệp khá dồi dào từ đầu năm đến nay, khả năng kinh doanh đạt lợi nhuận cao vào cuối năm là điều khó khả thi.

“Với chi phí đầu vào cao như vậy, doanh nghiệp chỉ mong sản xuất kinh doanh đủ hòa vốn, không thua lỗ trong năm nay là được rồi”, bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp đang được doanh nghiệp này thực hiện, trong đó có cắt giảm chi phí quản lý, chi phí sản xuất chung, nâng cao năng suất làm việc của nhân công để bù đắp lãi suất ngân hàng. Giá nguyên vật liệu có loại đã tăng đến hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, nhân công tăng trong đợt tăng lương tối thiểu trong tháng 5 vừa qua.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tích trữ nguyên liệu vì dự đoán giá nhiều loại gỗ rừng trồng như cao su, tràm, keo, xà cừ… còn có khả năng tiếp tục tăng.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, nguyên chánh văn phòng Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, những mặt hàng gia công đơn giản, tận dụng sức lao động giá rẻ của Việt Nam hiện nay đã không còn phát huy tác dụng trong bối cảnh giá đầu vào tăng mạnh trong khi giá bán khó có thể tăng hơn.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đã hướng đến việc dịch chuyển sản xuất từ các dòng trung cấp lên dòng cao cấp, đòi hỏi đầu tư vào công nghệ, thiết bị sản xuất, nhân lực, kỹ năng quản lý sản xuất…

“Chỉ cần thời điểm thích hợp, nhất là lãi suất giảm để doanh nghiệp có thể vay thì họ sẽ thay đổi hướng sản xuất” ông Vy nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới