Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: chọn lối đi bền vững để vượt qua biến động

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản đang gặp thách thức trong mục tiêu mang về 54 tỉ đô la Mỹ hàng xuất khẩu như kỳ vọng được đưa ra hồi đầu năm. Thế nhưng, khi nhìn vào quá trình phát triển của ngành nông nghiệp, những thử thách cho kim ngạch xuất khẩu liên tục tiếp diễn. Và để duy trì tính ổn định, giữ "phong độ" trong xuất khẩu, nhà sản xuất lẫn nhà quản lý cần thiết phải có chiến lược dài hạn.

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng lúa gạo vẫn không ngăn được đà sụt giảm của toàn ngành nông, lâm, thuỷ sản. Ảnh: Trung Chánh

Tiếp nối kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành nông, lâm, thuỷ sản trong năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ vượt lên mức 54 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức…

Tăng trưởng lúa gạo, rau quả vẫn không ngăn được đà suy giảm xuất khẩu

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam 4 tháng đầu năm nay đã có sự tăng, giảm giữa các nhóm sản phẩm chính, tuy nhiên, nhìn chung kim ngạch xuất khẩu toàn ngành là đang đi xuống.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 54,5% so với cùng kỳ; rau quả đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 19%; cà phê và hạt điều lần lượt đạt 1,7 và 0,942 tỉ đô la Mỹ, lần lượt tăng 2,5 và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 30%; tôm đạt 843 triệu đô la Mỹ, giảm 40%; cao su đạt 685 triệu đô la Mỹ, giảm 23%; cá tra đạt 558 triệu đô la Mỹ, giảm 40%; mì và sản phẩm từ mì đạt 453 triệu đô là Mỹ, giảm 12% so với cùng kỳ.

Kết quả ghi nhận của từng nhóm sản phẩm như nêu trên đã dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành đạt khoảng 15,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, tăng trưởng ấn tượng của ngành hàng lúa gạo và rau quả vẫn chưa đủ sức “kéo” kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản thoát tăng trưởng âm. Kết quả này cũng đang khiến mục tiêu “chinh phục” 54 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2023 nay bị “lung lay”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xung đột quân sự Nga- Ukraine cũng như lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm các thị trường nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản chính của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm hay nói cách khác nhu cầu nhập khẩu của những thị trường này đi xuống.

Thực tế, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 sang châu Mỹ đạt 3,28 tỉ đô la Mỹ, giảm 40% so với cùng kỳ; sang châu Âu đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 13%; châu Phi đạt 223 triệu đô la Mỹ, giảm 21%; châu Úc đạt 216 triệu đô la Mỹ, giảm 31%...

Tuy nhiên, khi nhìn ngược về quá khứ, câu chuyện tăng, giảm xuất khẩu chung của ngành nông, lâm, thuỷ sản hay từng nhóm mặt hàng khác nhau vẫn thường xuyên diễn ra trong quá trình phát triển.

Thị trường tiêu dùng đang chú trọng nhiều hơn đến sản phẩm sản xuất phải bền vững về môi trường, xã hội. Ảnh: Trung Chánh

Vượt khó khăn bằng chiến lược dài hạn

Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là làm sao để xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản có thể vượt qua những biến động để duy trì sự phát triển?

Tại buổi làm việc tại tỉnh Đồng Tháp vào tuần rồi, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khả năng phát triển dựa vào năng suất của ngành nông nghiệp đã hết vì “đụng trần”, trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn, đòi hỏi khắc khe hơn, cho nên, cần phải tìm kiếm những cách làm, sáng kiến mới để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông, thị trường nhập khẩu bây giờ ăn con cá hay một sản phẩm của ngành nông nghiệp không đơn thuần chỉ vì ngon, mà họ còn xem xét việc sản xuất ra sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên hay không, có ảnh hưởng cộng đồng, biến đổi khí hậu hay không... “Tất cả đều khác hết rồi”, ông nói.

Chính vì vậy, theo gợi ý của vị tư lệnh ngành nông nghiệp, việc sản xuất cũng cần phải thay đổi tư duy, từ chỗ làm rồi đi kiếm thương lái thu mua sang sản xuất phải có sự tham gia của doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm. “Bây giờ, nếu không đáp ứng, sản phẩm chúng ta không thể nào đến được với thị trường”, ông nói.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC)- một doanh nghiệp xuất sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam- nhấn mạnh, phát triển bền vững là khởi đầu của tiến trình xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, xây dựng chiến lược. “Đó là chiều sâu, giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ. Bởi, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp nào có thương hiệu tốt, được người tiêu dùng tin tưởng, được thể hiện trước cộng đồng là theo đuổi tiêu chí phát triển bền vững, thì chắc chắn sản phẩm của doanh nghiệp đó được người tiêu dùng đón nhận hơn”, ông Lực khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Lực, chiến lược cắt giảm chi phí cũng được doanh nghiệp thực thi, bao gồm việc đưa cơ giới hoá, tự động hoá và thậm chí số hoá ở những khâu có thể ứng dụng để tăng hiệu quả quản trị, giúp tăng năng suất, giảm thiểu lệ thuộc lao động cũng như giảm rủi ro chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, yếu tố quyết định đến sự “sống còn” của doanh là phải có sản phẩm tốt. "Muốn vậy, trước hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải có được vùng sản xuất lớn, phải liên kết với hợp tác xã, hội quán để cùng sản xuất số lượng sản phẩm lớn nhằm quản lý được chất lượng và truy suất nguồn gốc sản phẩm”, ông Toản nhấn mạnh và cho rằng, khi đó sản phẩm mới dễ dàng cung ứng được vào các hệ thống siêu thị trong nước cũng như xuất khẩu.

Đối với xuất khẩu ra nước ngoài, ông Toản lưu ý, mỗi thị trường có những tiêu chí, quy chuẩn về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khác nhau, cho nên, doanh nghiệp cần phải nắm kỹ. “Về việc này, thời gian qua Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ phối hợp các địa phương thường xuyên cập nhật cho doanh nghiệp”, ông dẫn chứng.

Liên quan khó khăn trong xuất khẩu ngành nông nghiệp nói chung và thuỷ san nói riêng, trao đổi với KTSG Online mới đây, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) gợi ý, bên cạnh dự trữ chờ cơ hội nhu cầu thị trường quay trở lại giống như đã xảy ra trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thì doanh nghiệp cần duy trì sản xuất ở quy mô vừa đủ để nuôi công nhân, tránh dùng đòn bẩy tài chính ở thời điểm nay.

Báo cáo của ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- địa phương có 27 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lớn của cả nước- cho thấy, bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của địa phương đạt 178,39 triệu đô la Mỹ, chỉ bằng 56,22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, sản lượng thuỷ sản chế biến của tỉnh Đồng Tháp lại tăng 8,34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 142.523 tấn. Điều này cho thấy, doanh nghiệp thuỷ sản cũng đã có sự chủ động chế biến dự trữ để chờ cơ hội thị trường phục hồi.

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới