Thứ năm, 21/11/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu nông sản: vì sao Trung Quốc vẫn là sự lựa chọn?

Nguyễn Duy Nghĩa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ nhiều năm qua, năm nào xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cũng có vấn đề, mới đây nhất là vụ “siêu ách tắc” vào tháng 12-2021. Gọi là “siêu” vì đây là vụ lập hattrick kỷ lục: “Dài ngày nhất - Nhiều xe nhất, đồng nghĩa với nhiều chủ hàng nhất - Thiệt hại lớn nhất”.

Hàng năm, một khối lượng nông sản lớn, chủ yếu từ miệt vườn phương Nam tới độ thu hoạch là thẳng tiến cửa khẩu phía Bắc... Dĩ nhiên là giữa hai bên mua bán cũng có hợp đồng, giao kèo... với mức độ pháp lý “bình dân - tiểu ngạch”. Và từ cái “bình dân - tiểu ngạch” ấy, đã phát sinh không ít vấn nạn mà nhiều năm nay các nhà vườn phải hứng chịu, trong đó việc chậm thông quan chỉ là một trong các chiêu trò để gây sức ép và làm thiệt hại cho Việt Nam. Người ngoài cuộc trách sao cứ đâm đầu vào “chợ” không đàng hoàng. Song “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Khoảng 70% lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam hàng năm đổ vào thị trường Trung Quốc, riêng thanh long lên tới 80%. Con số 70, 80% nó “khổng lồ” đến thế nhưng khi vào Trung Quốc thì lại “lọt thỏm”. Cái sự “khổng lồ” và “lọt thỏm” đó được một doanh nghiệp so sánh, “cộng sản lượng xuất khẩu cả năm của toàn bộ các thị trường EU, Singapore, Nhật... thì chỉ bằng hai ngày xuất đi Trung Quốc”. Vẫn biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, song mở rộng câu chuyện này thì thấy đúng là cần phải bàn. Việc xuất khẩu sang các “thị trường Tây hoặc lai Tây” được coi là rất khắt khe. Họ đặt ra các thủ tục tầm soát kỹ thuật, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm, phức tạp và rất tốn kém nhưng số lượng chẳng bõ bèn gì. Phiền toái nhất có lẽ là chiếu xạ. Trung tâm chiếu xạ đã ít, gặp kỳ chuyên gia chậm sang vận hành là dài cổ chờ.

Trong khi đó xuất khẩu vào Trung Quốc dễ dàng hơn rất nhiều vì đòi hỏi chất lượng cùng các điều kiện khác dễ chịu, giá cao hơn bán nội địa, tiền tươi thóc thật, lại gần nên vận chuyển chóng vánh, giữ được trái cây tươi ngon. Đoàn xe vải thiều lăn bánh từ Bắc Giang, sau vài giờ là qua biên giới. Xa như tận phương Nam, chạy thâu đêm cũng chỉ vài ngày, khỏi đằng đẵng ngóng chờ như sang Tây, đi Mỹ. Có lẽ vậy nên Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu top 10 các quốc gia nhập khẩu rau quả Việt Nam.

Cái sự khổng lồ của thị trường Trung Quốc còn được minh chứng rằng, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ... cũng chọn nước này là thị trường xuất khẩu rau quả. Đã thế, hiện Trung Quốc đang trồng nhiều trái cây tương tự các loại trái cây nhập hàng năm. Chính thế buộc họ phải ra chính sách bảo hộ nông sản, đặt ra những yêu cầu mới về quy cách, phẩm cấp đối với trái cây nhập khẩu, và trái cây Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vào chợ khổng lồ, rau quả Việt vấp phải hai “núi” cạnh tranh, là trái cây từ nhiều nước hiện diện trên thị trường này và của chính Trung Quốc.

Vấp rào cản mới thấy ngại, song tỉnh ra thì thấy đó là động cơ buộc nông sản Việt Nam phải đổi mới, từ hình dáng, màu sắc, mùi vị đến những thông số kỹ thuật được kiểm định bằng máy móc. Có vậy cây trái Việt Nam mới có thể đi xa, bay cao, chờ đặt hàng, không mong giải cứu.

Trái cây, rau củ Việt Nam đâu chỉ có xoài thơm, dứa ngọt, thanh long mát bổ... có thể sánh với nho Mỹ, táo Tân Tây Lan, cam Nam Phi, mà còn có hành tím, khoai lang, củ đậu, củ cải, su hào, bắp cải,... Những thứ này, bán nội địa đã chật vật, vào chính vụ nhiều năm phải giải cứu. Họa may có cư dân các tỉnh giáp biên mua giùm, chứ sang Tây là không thể.

Hội nhập sâu rộng, lộ trình đầu ra của trái cây Việt Nam tạm ví như gánh hàng rong, từ đồng đất quê nhà, quen bán chợ làng, ra chợ huyện, dần dà chen chân vào chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba, chợ Hàn, chợ Bến Thành... rồi qua chợ bạn láng giềng thì mới tính vào được siêu thị Tây, quầy hàng Mỹ.

Để đạt được lộ trình bền vững đó, sản xuất - xuất khẩu rau quả của Việt Nam phải thay đổi, thay đổi nhanh, từ gốc. Thay đổi cái gì thì ai cũng biết nhưng làm thế nào để thay đổi, từng là bài toán đặt ra từ nhiều năm nay song đến nay vẫn chưa có lời giải hiệu nghiệm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới