Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu rau quả sụt giảm ở Trung Quốc nhưng tăng ở nhiều thị trường khác

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà xuất khẩu rau quả đã đẩy mạnh khai thác thị trường cao cấp, nhất là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Úc và Đài Loan khi thị trường truyền thống là Trung Quốc kéo dài thực hiện chính sách "zero Covid-19".

Xuất khẩu rau quả sụt giảm ở thị trường Trung Quốc, nhưng nhiều thị trường cao cấp "đi lên". Ảnh: Trung Chánh

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỉ đô la Mỹ, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tăng khoảng 300 triệu đô la Mỹ so với luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022 được công bố trước đó.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 625,81 triệu đô la Mỹ, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ chiếm 53,34% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành (cùng kỳ năm ngoái chiếm 63,17%).

Trung Quốc tăng cường kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, trong đó, có hàng rau quả từ Việt Nam do quốc gia này thực hiện chính sách “zero Covid-19”. Đây chính là nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết tính theo từng tháng trong 5 tháng đầu năm 2022 thì riêng tháng 1 tương đương cùng kỳ, các tháng còn lại đều thấp hơn. “Chúng ta kỳ vọng từ đây đến cuối tháng 12-2022, rau quả xuất khẩu được nhiều hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, trước mắt sản phẩm muốn xuất nhiều thì phải đáp ứng được các yếu tố theo yêu cầu của thị trường, bao gồm yếu tố về hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch và thuế quan. “Trong số 10 thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam thì số 1 vẫn là Trung Quốc”, ông cho biết và nói rằng ngoài việc phải đáp ứng được yêu cầu thị trường đặt ra, trái cây Việt Nam còn phải cạnh tranh với những sản phẩm tương tự đến từ Thái Lan, Philippines…

Trước bối cảnh xuất khẩu rau quả Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng khó khăn, nhất là với chính sách “zero Covid-19” của quốc gia này, nhiều đơn vị xuất khẩu trong nước cũng đẩy mạnh khai thác những thị trường cao cấp, dù trị giá xuất khẩu còn khiêm tốn.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 4-2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào Mỹ đạt 25,18 triệu đô la Mỹ, tăng 11,4% so với tháng trước đó và tăng 20,9% so với cùng kỳ. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả vào Mỹ đạt 87 triệu đô la Mỹ, tăng 51,4% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, với Hà Lan- thị trường nằm trong khối Liên minh châu Âu (EU), 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang đây đạt 26,36 triệu đô la Mỹ, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang Đức- một thị trường khác nằm trong khối EU- 4 tháng đầu năm nay đạt 7,38 triệu đô la Mỹ, tăng 55,5% so với cùng kỳ…

Ngoài ra, các thị trường cao cấp khác cũng "ăn" nhiều rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, bao gồm Hàn Quốc đạt trên 60,2 triệu đô la Mỹ, tăng 19,4%, Úc đạt trên 30 triệu đô la Mỹ, tăng 22,7%, Đài Loan đạt gần 30 triệu đô la Mỹ, tăng 11,1%...

Theo đánh giá của một số nhà xuất khẩu rau quả, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, việc kiểm soát bao bì, hàng hóa và thành container vẫn là thủ tục đòi hỏi cao. Do đó, dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ còn gặp nhiều khó khăn vì ngay cả khi mặt hàng vận chuyển bằng đường biển vẫn phải xét nghiệm SARS-CoV-2.

Theo một số nhà xuất khẩu rau quả, triển vọng xuất khẩu loại sản phẩm này năm 2022 của Việt Nam khả quan hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Bởi, tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tới 53,34% tổng kim ngạch toàn ngành (số liệu 4 tháng đầu năm 2022-PV).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới