(KTSG Online) - Xuất khẩu smartphone trên toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 3% trong năm nay trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một phần là do các lệnh phong tỏa kìm hãm hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng ở Trung Quốc cũng như do tác động của cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Tổng lượng xuất khẩu smartphone trên toàn cầu dự kiến đạt 1,36 tỉ đơn vị trong năm nay, giảm so với 1,39 tỉ đơn vị vào năm 2021, theo dự báo mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research được công bố hôm 2-6. Năm ngoái, xuất khẩu smartphone vẫn tăng 4% dù đại dịch lan rộng trên thế giới.
Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với các cơn bùng phát ca nhiễm Covid-19 bao gồm lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được triển khai ở nhiều thành phố đã kìm hãm hoạt động kinh tế và gây ra “phản ứng dây chuyền trên toàn cầu do các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa và chi phí hậu cần tăng”, báo cáo của Counterpoint Research cho biết. Nhiều nhà máy lắp ráp smartphone khổng lồ, chẳng hạn như các nhà máy của Foxconn sản xuất gia công iPhone cho Apple, nằm ở Trung Quốc.
Đánh giá trên phản ánh tình trạng bất ổn tiếp tục kéo dài ở các chuỗi cung ứng smartphone liên quan đến Trung Quốc ngay cả khi Bắc Kinh đang tiến tới việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19.
Nền kinh tế Trung Quốc đã có một số cải thiện trong tháng 5 khi số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống và các hạn chế được nới lỏng, nhưng hoạt động sản xuất và dịch vụ vẫn bị thu hẹp, với triển vọng phục hồi trong tương lai vẫn dễ bị tổn thương.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tăng lên 49,6 điểm từ 47,4 điểm trong tháng 4. Nếu chỉ số này trên 50 điểm, có nghĩa là sản xuất đang mở rộng, trong khi đó, nếu dưới mốc đó nghĩa là sản xuất bị thu hẹp. Như vậy, hoạt động nhà máy của Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng suy giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 2-2020, khi tác động ban đầu của đại dịch Covid-19 khiến chỉ số PMI ngành sản xuất tụt sâu về 35,7 điểm.
Hồi tháng 4, Luca Maestri, Giám đốc tài chính Apple, cho biết trong một cuộc họp báo rằng các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc và tình trạng thiếu chip toàn cầu sẽ làm giảm doanh thu của Apple lên tới 8 tỉ đô la Mỹ trong quí kết thúc vào tháng 6. Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo của Công ty chứng khoán TF Securities, trước đây, Apple đã xem xét việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các chuỗi ung ứng Trung Quốc, nhưng các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 gần đây đã đẩy nhanh kế hoạch này.
Counterpoint Research nhận định các yếu tố khác ảnh hưởng đến xuất khẩu smartphone trong năm nay bao gồm niềm tin của người tiêu dùng suy yếu do kinh tế toàn cầu không chắc chắn và lạm phát gia tăng trong bối cảnh chiến tranh kéo dài ở Ukraine.
Tuy nhiên, hãng nghiên cứu thị trường này dự báo có khả năng thị trường smartphone phục hồi trong nửa cuối năm nay nhờ hoạt động kinh tế ở Trung Quốc phục hồi.
Nhà phân tích cấp cao Liz Lee của Counterpoint Research nói: “Vào cuối tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp để đưa ra các biện pháp giúp ổn định kinh tế với quy mô lớn. Bắc Kinh dự kiến sẽ thực hiện các chính sách quyế liệt hơn để kích thích nền kinh tế trong nửa cuối năm”.
Theo Counterpoint Research, trong quí 1, thị trường smartphone của Trung Quốc đã chứng kiến quí hoạt động kinh doanh tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 càn quét qua nước này vào hai năm trước do tâm lý người tiêu dùng xấu đi trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn và tình trạng gián đoạn sản xuất. Xuất khẩu smartphone của Trung Quốc trong quí 1 chỉ đạt 74,2 triệu đơn vị, giảm đến 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phân tích Zhang Mengmeng của Counterpoint Research cho biết trong báo cáo: “Chúng tôi cho rằng nhu cầu smartphone sẽ tiếp tục gây thất vọng do tâm lý của người tiêu dùng suy yếu và thiếu các cải tiến mới để thu hút người tiêu dùng”.
Trong một báo cáo khác, hãng nghiên cứu thị trường IDC cũng nhận định xuất khẩu smartphone toàn cầu trong năm 2022 sẽ suy giảm 3,5%, xuống còn 1,31 tỉ đơn vị.
“Ngành công nghiệp smartphone đang đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng từ nhiều phía: nhu cầu suy yếu, lạm phát tăng, căng thẳng địa chính trị tiếp diễn và những hạn chế liên tục trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tác động của các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc lớn hơn tất cả”, Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu của bộ phận thiết bị tiêu dùng và di chuyển toàn cầu của IDC, nói.
Khi nhu cầu trong nước suy giảm, các nhà sản xuất smartphone Android thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, dẫn đầu là Honor và Realme, đang tăng cường nỗ lực mở rộng các thị trường nước ngoài để thúc đẩy nguồn tăng trưởng mới. Honor trước đây là mảng kinh doanh smarphone giá rẻ của Huawei, trong khi đó, Realme trước đây là thương hiệu thuộc sở hữu của Oppo.
“Môi trường vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nhà sản xuất smartphone”, Giám đốc điều hành Honor, Zhao Ming cảnh báo vào đầu tuần qua.
Theo South China Morning Post