(KTSG Online) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng đầu năm 2025 đạt 774,3 triệu đô la Mỹ, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm đạt gần 800 triệu đô la Mỹ
- Xuất khẩu hơn 2.370 tấn hàng hóa đầu năm qua lối mở cầu phao sang Trung Quốc
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2024/10/20221216_111448.jpg)
Hiệp hội cho biết, đây là kết quả khả quan khi Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 1 và tác động đáng kể đến tình hình xuất khẩu.
Trong đó, tôm là sản phẩm dẫn đầu tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu 300 triệu đô la Mỹ, chiếm 39% tổng xuất khẩu thủy sản. Theo nhiều chuyên gia, ngành tôm toàn cầu đang tái cân bằng khi các nước sản xuất giảm tốc, giúp giá tôm phục hồi dần, đặc biệt là khi nhu cầu từ Mỹ và EU cải thiện.
Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, một trong những đối tác lớn của tôm Việt Nam, nhu cầu tôm đang sụt giảm do thay đổi thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu và áp lực thu nhập. Cạnh tranh từ thủy sản giá rẻ và ưu tiên thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới.
Cá tra Việt Nam tiếp tục gặp khó trong tháng vừa qua với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 123 triệu đô la Mỹ, giảm 25,3%. Vasep cho biết, dù nhu cầu từ Trung Quốc và EU ổn định, việc thiếu hụt cá giống và thuế chống bán phá giá có thể cản trở tăng trưởng xuất khẩu cá tra.
Trong tháng 1, xuất khẩu cá ngừ giảm 17,7%, đạt 65,26 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu ổn định từ Mỹ và EU mở ra cơ hội phục hồi, đặc biệt, chính sách thuế mới tại Mỹ có thể giúp cá ngừ Việt Nam cạnh tranh tốt hơn.
Hiện tại, mặt hàng cá ngừ vẫn cần tháo gỡ nhiều vướng mắc để phát triển bền vững. Trong đó, ngư dân cần được hỗ trợ tuân thủ IUU, các doanh nghiệp cần cải thiện thủ tục cấp giấy phép, cũng như nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường để khai thác hiệu quả hơn.
Xu hướng tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu Việt Nam có sự chênh lệch lớn. Trong khi, Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh 64,9% còn Mỹ và EU giảm lần lượt 16% và 17,6%.
Theo Vasep, chính sách thuế của Tổng thống Trump làm giảm nhu cầu thủy sản Việt Nam, trong đó có tôm và cá hồi. Dẫu vậy, nhu cầu tôm đông lạnh tăng có thể bù đắp phần nào.
Bên cạnh đó, thị trường ASEAN tăng ổn định 10,5%, cho thấy tiềm năng xuất khẩu. Ngược lại, tiêu thụ tại Trung Đông và các khu vực khác giảm, buộc các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh chiến lược.
Năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu biến động do thay đổi tiêu dùng, thuế quan và cung cầu, ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam. Nhu cầu giảm tại Trung Quốc, Mỹ gây thách thức cho các mặt hàng xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, tăng trưởng từ ASEAN và chính sách thuế thuận lợi có thể giúp ngành duy trì đà phát triển. Theo Vasep, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường mới.