(KTSG Online) – Với mức tăng trưởng lên đến 51% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu thuỷ sản đã mang về 1,5 tỉ đô la Mỹ trong hai tháng đầu năm nay.
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 2-2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt 635 triệu đô la Mỹ, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này giúp đưa kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra hai tháng đầu năm nay đạt 384 triệu đô la Mỹ, tăng 93% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 550 triệu đô la Mỹ, tăng 46% so với hai tháng đầu năm ngoái.
Báo cáo của VASEP cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản hai tháng đầu năm nay đều tăng mạnh từ khoảng 30-90% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 156 triệu đô la Mỹ, tăng 83%; mực, bạch tuộc đạt 97 triệu đô la Mỹ, tăng 45%...
Còn xét về thị trường, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ hai tháng đầu năm nay đạt 346 triệu đô la Mỹ, tăng 84% so với cùng kỳ; sang Trung Quốc đạt 168 triệu đô la Mỹ, tăng 91% so với cùng kỳ; sang Nhật Bản đạt 209 triệu đô la Mỹ, tăng 15%.
Trong bối cảnh xuất khẩu thuỷ sản tăng mạnh trong hai tháng đầu năm nay, VASEP đưa ra dự báo xuất khẩu những tháng tới tiếp tục đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ thị trường đang mạnh.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng sẽ ít nhiều có tác động đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang hai thị trường này, dù đây là thị trường chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (Nga chiếm 2% và Ukraine chiếm 0,3%).
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã khiến các đơn hàng xuất khẩu cá ngừ sang hai quốc gia này buộc phải tạm dừng vì rủi ro về giao dịch ngân hàng.
Sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt về tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga, việc thanh toán gần như bị tê liệt. Điều này cũng đã khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đi Nga cũng tạm ngưng ký đơn hàng mới, dù các đối tác phía Nga vẫn mong muốn tiếp tục.
Cần nghiên cứu lý giải vì sao con số xuất khẩu thủy sản ấn tượng trái ngược với tình hình nợ tăng cao, người nuôi tôm ao đất ở miền Tây phá sản giao đất cho đại lý vật tư thức ăn đầu vào. Nguồn nguyên liệu thật sự là nguồn nào, có giống như hoa quả, gỗ nhập về chế biến không? Tăng trưởng xuất khẩu so với tỷ suất lợi nhuận, ICOR; chất lượng tăng trưởng và phát triển thế nào? Người dân mất tư liệu sản xuất họ sẽ về đâu?….