(KTSG Online) – Với kết quả ước đạt 600 triệu đô la Mỹ, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9 tiếp tục sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu thuỷ sản sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 9-2021, sản lượng thuỷ sản xuất khẩu đạt 129.000 tấn với kim ngạch đạt khoảng 600 triệu đô la Mỹ, giảm 34,3% về lượng và 27,39% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8-2021 đạt 128.580 tấn với trị giá đạt 595,28 triệu đô la Mỹ, giảm 30,6% về lượng và 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu thuỷ sản sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguyên nhân chính là do tác động từ dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu gặp khó khăn.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 1,418 triệu tấn với trị giá đạt 6,169 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,71% về lượng, nhưng tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ khó hoàn thành kế hoạch năm 2021, nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài đến hết tháng 10-2021. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt thì các doanh nghiệp vẫn còn cơ hội tăng thị phần ở những thị trường lớn trong những tháng cao điểm cuối năm 2021.
Để ngành thuỷ sản sớm vực dậy, tận dụng cơ hội xuất khẩu dịp cuối năm, mới đây, bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), gợi ý cần điều chỉnh linh hoạt các quy định phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
Cụ thể, xem xét cho đối tượng F0 đã điều trị hết bệnh và những người đã tiêm 1 mũi vaccine được tham gia phục hồi sản xuất. Tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại thuận lợi.
Mặt khác, cần thay thế phương án “3 tại chỗ” bằng những phương án hiệu quả hơn, giảm chi phí và tạo sự an toàn, tâm lý an tâm cho người lao động làm việc. Cho phép các nhà máy có số lượng công nhân tiêm mũi 2 trên 60%, có năng lực kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua, thực hiện y tế tại chỗ đảm bảo các biện pháp chống dich và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định của Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa, tức không khống chế số lượng.
Thị trường tiềm năng không thấy nêu: Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc những tháng cuối năm sẽ tăng cao, đây là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu (XK) tôm trong thời gian tới. Trong tháng 10 và trung tuần tháng 11 sẽ là thời điểm XK tôm tới những thị trường lớn tăng mạnh.
Do vậy, các địa phương và doanh nghiệp cần ưu tiên và đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho công nhân, nhân viên ở các nhà máy chế biến, khu công nghiệp để chuỗi sản xuất không bị gián đoạn.
Với mặt hàng cá tra, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ vẫn ở mức cao, trong khi các thị trường như Trung Quốc và ASEAN nhu cầu giảm. Trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh XK cá tra sang Mỹ, Nga, Mexico và Brazil.
Nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu cá tra của Trung Quốc, Australia và ASEAN có thể tăng trở lại. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 ở trong nước đang gây nhiều khó khăn cho chế biến và XK cá tra trong thời gian tới…