Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu tôm phục hồi nhưng thách thức từ khu vực nuôi là rất lớn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xuất khẩu tôm năm 2024 được đơn vị đại diện doanh nghiệp ngành hàng này dự báo sẽ có sự phục hồi nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên những khó khăn đối với ngành tôm Việt Nam nhất là ở khu vực nuôi vẫn còn lớn khiến cơ hội trở lại đà tăng trưởng của ngành này gặp nhiều thách thức

Xuất khẩu tôm: lợi thế đang bị… ‘bất lợi’!

Sản xuất tôm vẫn đối mặt với thách thức về môi trường và giá thành sản xuất cao. Ảnh: Trung Chánh

Khởi đầu lạc quan

Tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản nói chung và con tôm nói riêng đã có bước tăng trưởng “đột phá” so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả thuận lợi tiếp nối sau những tính hiệu khả quan vốn đã được định hình từ tháng 9 năm ngoái.

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kết thúc tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt gần 750 triệu đô la Mỹ, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm là loại thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao đứng thứ hai sau cá tra, đạt 242 triệu đô la Mỹ trong tháng đầu năm, tăng 71% so với cùng kỳ.

Bà Trần Thuỵ Quế Phương, Chánh Văn phòng VASEP cho biết, ngành tôm Việt Nam đã dần phục hồi từ tháng 9-2023 giúp thu hẹp biên độ sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng đầu năm. Điều này dẫn đến kết quả xuất khẩu tôm năm 2023 đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 21,5% so với cùng kỳ. “Đầu năm 2023 xuất khẩu tôm sang các thị trường đều giảm mạnh, nhưng đến những tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi nhẹ nên tổng kim ngạch xuất khẩu tôm năm ngoái đã chặn được đà giảm sâu”, bà Phương nhìn nhận.

Dù kết quả khởi đầu năm 2024 thuận lợi nhưng bà Phương dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm nay chỉ tăng khoảng 10-15% so với năm trước đó. Yếu tố tiêu cực của năm 2023 vẫn còn ảnh hưởng tiếp trong năm 2024 nên dự đoán ngành tôm toàn cầu vẫn đối mặt với sự tăng trưởng không chắc chắn.

Tuy nhiên, cơ hội để xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay mức tăng trưởng như trên là vẫn có.

Cơ sở để VASEP đưa ra dự báo nêu trên là kinh tế thế giới có sự phục hồi, khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân được cải thiện. Tiếp đó, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế dẫn đầu thế giới đối với phân khúc sản phẩm chế biến, dễ dàng khai thác được những thị trường yêu cầu cao phân khúc sản phẩm này, nhất là Nhật Bản.

Ngoài ra do biến động tình hình vận chuyển hàng hoá, nhất là vấn đề Biển Đỏ giúp Việt Nam có lợi thế so với các đối thủ trong khai thác nhóm các thị trường có vị trí địa lý gần, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sự tăng trưởng ở các thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực góp phần giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng thời gian tới.

Dẫu vậy, một số yếu tố vẫn có tác động tiêu cực đến xuất khẩu tôm Viêt Nam được bà Phương nêu ra, đó là nguồn cung tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhất là từ Ecuador- vốn là quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với tôm Việt Nam; sản xuất nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện; biến đổi khí hậu và chi phí đầu vào tăng cao, khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh...

Thách thức đến từ khu vực nuôi

Tại hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024” diễn ra hôm 23-2 ở tỉnh Bạc Liêu, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng nuôi trồng thuỷ sản thuộc Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kế hoạch diện tích sản xuất tôm nước lợ cả nước năm 2024 dự kiến đạt 737.000 héc ta. Trong đó, tôm sú đạt 622.000 héc ta và còn lại là tôm thẻ chân trắng. Về sản sản lượng đạt 1,065 triệu tấn với tôm sú đạt 300.000 tấn và còn lại là tôm thẻ chân trắng.

Tuy nhiên, sản xuất tôm Việt Nam năm 2024 dự báo tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường và giá thành sản xuất tôm nguyên liệu cao, dẫn đến khó cạnh tranh trong xuất khẩu.

Ông Lê Hồng Phước, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II cho biết, tôm nước lợ Việt Nam được sản xuất thông qua các mô hình chính gồm tôm- lúa, tôm- rừng, tôm quảng canh, tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh.

Theo ông, tuỳ mô hình sẽ có tỷ trọng cơ cấu tạo nên giá thành khác nhau. Tuy nhiên trọng tâm của ngành tôm Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, thì mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh vẫn là nguồn cung ứng nguyên liệu chính phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Chẳng hạn, đối với mô hình nuôi siêu thâm canh thì chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng rất cao, khoảng 60-65% trong tổng giá thành sản xuất tôm; kế đến là con giống, thuốc thú y, hoá chất, nhân công, điện hoặc xăng dầu…

“Tuy nhiên, tổng kết lại về năng suất và giá thành các mô hình nuôi thì đối với tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh của tôm sú và thẻ chân trắng có giá thành khoảng 97.000-105.000 đồng/kg”, ông Phước cho biết.

Cục thuỷ sản cũng khẳng định, giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực do chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg, Việt Nam nuôi tối thiểu 90.000 đồng/kg (khoảng 4 đô la Mỹ/kg), so với mức 3 đô la Mỹ/kg của Ấn Độ và 2,5 đô la Mỹ/kg của Ecuador.

Rõ ràng, với chi phí sản xuất quá cao nếu so với các đối thủ cạnh tranh như nêu ở trên sẽ là yếu tố khó khăn cho ngành tôm Việt Nam trong cạnh tranh xuất khẩu.

Không chỉ "yếu thế" về giá thành, ngành tôm Việt Nam còn đối mặt với rủi ro lớn về thiệt hại khi môi trường nuôi bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận, việc phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh thiếu tập trung hay nói cách khác bị “da beo” chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Điều này dẫn đến nguy cơ rủi do về dịch bệnh và thiệt hại lớn trong quá trình sản xuất. Chính rủi ro về dịch bệnh càng khiến giá thành sản xuất tôm Việt Nam tăng cao hơn.

“Dù Cà Mau có tỷ lệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh không lớn so với các tỉnh trong khu vực, nhưng đây là vấn đề cần có giải pháp để tháo gỡ. Nếu không có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục, thì chắc chắn khó khắn sẽ còn diễn ra, kể cả trong năm 2024", ông Sử nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, khi Chính phủ giao địa phương đảm nhận vai trò “thủ phủ” tôm nước lợ của cả nước thì địa phương nhận. Tuy nhiên, hiện Bạc Liêu đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển do thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng.

Theo ông, hệ thống kênh thuỷ lợi ở phía Nam quốc lộ 1 đang sử dụng cho nuôi trồng thuỷ sản vốn là thuỷ lợi phục vụ cho cây lúa nên không đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước, gây khó khăn rất lớn, nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước. “Muốn thành “thủ phủ” tôm mà nước không có, cơ sở thuỷ lợi như thế này, thì làm sao được?”, ông Thiều đặt vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới