Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 8 khi nhu cầu nước ngoài ngoài và tiêu dùng trong nước đều suy yếu, gây áp lực lên các doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dữ liệu hải quan công bố hôm 7-9 cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,8% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này thấp hơn mứ dự báo giảm 9,2% trong cuộc thăm dò của Reuters và cải thiện so với mức giảm 14,5% trong tháng 7. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 7,3%, thấp hơn hơn mức giảm 9% theo dự kiến và mức giảm 12,4% của tháng trước.

Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 104,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sản lượng xe điện khổng lồ của nước này.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm. Tổng giao dịch thương mại giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản giảm trong cùng kỳ.

Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 68,36 tỉ đô la trong tháng 8, so với dự báo là 73,8 tỉ đô la. Nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm liên tục kể từ đầu năm, trong khi xuất khẩu bắt đầu suy giảm kể từ tháng 4.

Trung Quốc đã phải vật lộn để duy trì làn sóng nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa do nước này sản xuất, đặc biệt là khi người tiêu dùng phương Tây chuyển hướng chi tiêu sang dịch vụ và giảm mua hàng tiêu dùng. Lãi suất cao hơn ở Mỹ và các nước phát triển khác cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng.

Dù không tệ như dự báo, số liệu xuất nhập khẩu tiếp tục ảm đạm của Trung Quốc trong tháng trước cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn chịu sức ép đáng kể. Điều này báo hiệu các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sẽ tập trung thúc đẩy nhu cầu trong nước để vực dậy tăng trưởng.

Theo các nhà kinh tế, số liệu thương mại tốt hơn dự kiến cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc sắp giải phóng xong lượng hàng tồn kho tích tụ trong đại dịch Covid-19.

“Không chỉ Trung Quốc, nếu nhìn vào các nước châu Á khác, bạn sẽ thấy số liệu thương mại trong tháng 8 của họ cũng tốt hơn”, Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở ngân hàng Morgan Stanley, nói.

Nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà Bắc Kinh đặt ra cho năm nay trong bối cảnh giới chức trách chật vật ứng phó khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng, chi tiêu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng sụt giảm.

GDP quí 2 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,8% so với ba tháng đầu năm. Tâm lý tiêu dùng trì trệ dẫn đến giảm phát trong tháng 7, trong khi hoạt động của các nhà máy suy yếu tháng thứ năm liên tiếp trong tháng 8.

“Các số liệu xuất nhập khẩu cho thấy những cơn gió ngược vẫn còn dù có một số cải thiện nhỏ. Trong tương lai, liệu tăng trưởng thương mại của Trung Quốc đã chạm đáy hay chưa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu trong nước”, Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng của Guotai Junan International, nói.

Trong các cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN bên lề hội nghị cấp cao ASEAN 43 trong tuần này ở Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã phản bác sự bi quan lan rộng về triển vọng kinh tế ngắn hạn của đất nước. Ông khẳng định Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc đã nới lỏng một số quy định vay thế chấp để hỗ trợ người mua nhà.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo các động thái này có thể không tạo ra tác động lớn khi tốc độ phục hồi của thị trường lao động đang chậm lại và kỳ vọng về thu nhập hộ gia đình không chắc chắn.

“Do nền tảng thấp vào cuối năm ngoái, rất có thể xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay”, Nie Wen, chuyên gia kinh tế của Hwabao Trust, nhận định.

Nhưng ngay cả khi dữ liệu thương mại tốt hơn mong đợi trong tháng trước, các nhà kinh tế nhìn chung cho rằng, khả năng xuất khẩu hỗ trợ cho sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc vẫn là triển vọng xa vời, đặc biệt khi thương mại toàn cầu dự kiến ​​ giảm trong năm nay.

Adam Slater, nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics, dự đoán thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 1,5% trong năm 2023, một phần do các điều kiện tín dụng và tiền tệ toàn cầu thắt chặt.

Theo Reuters, WSJ, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới