Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xung đột Hamas-Israel đe dọa nguồn cung dầu thô

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường dầu đứng trước rủi ro biến động mạnh nếu cuộc xung đột Hamas-Israel leo thang và bùng phát thành cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Israel và Iran, nước bị nghi ngờ hỗ trợ Hamas.

Giá dầu và giá vàng tăng khá mạnh hôm 9-10 khi thị trường phản ứng với cuộc xung đột Hamas-Israel. Ảnh: CNBC

Hôm 9-10, thị trường đã phản ứng trước cuộc tấn công của tổ chức Phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel và hành động trả đũa sau đó của Israel. Giá dầu tăng hơn 4%, hợp đồng tương lai chứng khoán giảm một chút, giá vàng tương lai tăng 1% và hợp đồng tương lai của trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá, làm giảm lợi suất. Trong đó, các chỉ số chứng khoán của Mỹ tăng nhẹ, dưới 1%.

Xét về điểm mấu chốt, biến động của cổ phiếu lẫn trái phiếu chính phủ Mỹ đều thấp hơn so với phản ứng của thị trường sau khi đón nhân báo cáo việc làm bùng nổ của Mỹ vào hôm 6-9.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại với các thị trường là rủi ro căng thẳng và chiến tranh leo thang. Điều đầu tiên có thể xảy ra là Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, nước bị nghi ngờ đã giúp Hamas lên kế hoạch thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Israel. Một động thái như vậy sẽ đảo ngược xu hướng giảm bớt căng thẳng với Mỹ vốn đã giúp Iran tăng sản lượng dầu thêm khoảng 0,5 triệu thùng/ngày trong năm qua sau khi Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, nếu sản lượng của Iran bị cắt giảm vào năm tới, thì cứ mỗi 0,1 triệu thùng bị cắt giảm mỗi ngày, giá dầu sẽ tăng thêm 1 đô la mỗi thùng.

Cuộc chiến giữa Hamas và Israel cũng thể làm hỏng mối quan hệ đang được cải thiện giữa Saudi Arabia và Israel, vốn có thể giúp hạn chế giá dầu theo thỏa thuận hỗ trợ quân sự của Mỹ với vương quốc này.

Một cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu ở Dải Gaza, nơi Hamas nắm quyền kiểm soát, sẽ khiến tiến trình đàm phán bình thường mối quan hệ này dậm chân tại chỗ và những rủi ro của một cuộc xung đột rộng hơn giờ đây cần phải được tính đến trên thị trường dầu mỏ.

Hồi tháng 9-2019, việc phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yemen, được Iran hậu thuẫn, tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia khiến giá tăng vọt trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, tình hình sẽ leo thang thực sự nếu Iran và Israel bị lôi kéo vào xung đột trực tiếp. Cho đến nay, tổ chức vũ trang Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon, được Iran hậu thuẫn, khá im ắng. Nếu Hezbollah hành động nhiều hơn là chỉ bắn vài quả đạn súng cối vào Israel hôm 7-10, điều này có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh biên giới nguy hiểm khác.

Với việc dư luận Israel yêu cầu trừng phạt vì các tay súng Hamas sát hại rất nhiều người dân Israel một cách máu lạnh, kịch bản tồi tệ hơn là Israel sẽ hành động quân sự trực tiếp để chống lại Iran. Trong trường hợp đó, giá dầu có thể tăng vọt do thị trường giả định rằng Iran sẽ tăng cường quấy rối các tàu vận chuyển chở dầu ra khỏi Iraq.

Các cuộc xung đột trước đây ở Trung Đông hiếm khi làm xáo trộn các thị trường trong thời gian dài, ngoại trừ cú sốc dầu mỏ lớn từ lệnh cấm vận năm 1973 và chiến tranh Iran-Iraq năm 1979.

Đối với các nhà đầu tư, việc bảo hiểm tổn thất trước một cuộc xung đột Iran-Israel thực sự dễ dàng hơn bình thường. Những thứ mà họ cần mua là cổ phiếu dầu mỏ, cổ phiếu quốc phòng và trái phiếu chính phủ Mỹ. Các tài sản này vốn đã khá hấp dẫn vì thị trường dầu mỏ đang thắt chặt, mang lại lợi nhuận cao cho các công ty dầu khí và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chưa bao giờ cao như hiện nay kể từ năm 2007.

Cổ phiếu quốc phòng vốn được hưởng lợi ngắn hạn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, lẫn dài hạn từ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Giá cổ phiếu của các công ty sản xuất vũ khí Mỹ hiện nay rẻ hơn nhiều so với đầu năm nay. Nhưng họ cũng phải đối mặt với những thay đổi thất thường của tình hình chính trị trong nước. Bằng chứng là điều khoản viện trợ vũ khí cho Ukraine bị loại khỏi dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa vào tháng trước.

Trái phiếu chính phủ Mỹ có vẻ là sự đặt cược hấp dẫn hơn so với cổ phiếu dầu mỏ vì lãi suất cao hơn có thể khiến kinh tế Mỹ suy thoái, làm giảm nhu cầu dầu. Nhưng đối với những người vừa lo lắng xung đột ở Trung Đông leo thang, vừa tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ, họ có thể thích chọn cổ phiếu dầu mỏ hơn.

Theo WSJ, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới