Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Y khoa… buffet

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Y khoa… buffet

BS.Lương Lễ Hoàng (*)

minh họa: Khều.

(TBKTSG) Con người mấy ai không bị bệnh. Bị bệnh tất nhiên phải đến thầy thuốc chuyên khoa để được thăm khám và chữa trị. Tuy nhiên, hiện vẫn không ít người đang tự chữa bệnh theo kiểu gió chiều nào xoay chiều nấy.

Văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc có câu: “Cứ đi rồi sẽ thành đường”. Tuy nhiên, điều đó lại không đúng trong y khoa. Nói cho cùng, chẩn bệnh thế nào tùy ý, người bệnh chỉ cần hiệu quả, càng sớm càng tốt. Bởi thế khâu chẩn bệnh cần chính xác. Phương tiện điều trị có hiện đại, tinh vi đến đâu mà định bệnh sai bét thì cũng vô ích.

Đây lại chính là vấn đề gút mắc hiện nay của nhiều người bệnh ở xứ mình. Nước ta chưa có đội ngũ bác sĩ gia đình để đảm nhiệm công việc định hướng cho khâu chẩn đoán bệnh. Vì thế nhiều người bệnh, hoặc đến thầy thuốc quá trễ do không đánh giá đúng mức tình trạng nghiêm trọng của căn bệnh, hoặc tuy có gõ cửa thầy thuốc, nhưng lại gõ nhầm cửa!

Trong cả hai trường hợp, đôi bên đều bị thiệt thòi. Một mặt, người bệnh phải chịu đựng căn bệnh trầm kha một cách oan uổng, từ phí tổn cho đến biến chứng. Mặt khác, thầy thuốc tuyến trên phải tốn công phí sức chữa trị căn bệnh đã trở nặng với tỷ lệ hiệu quả không thể khả quan như mong muốn vì người bệnh trước đó thường khi phải chạy vòng vòng cho đến lúc buông xuôi theo kiểu phước chủ may thầy.

Thực trạng đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn, không thiếu bệnh nhân, thay vì tìm đến tổ chống lao do tình trạng biếng ăn suy nhược từ nhiều ngày để chụp hình phổi và thử đàm, vì đó là hai phương pháp chẩn đoán rất đơn giản, lại chọn cách tự mua thuốc ho do bệnh nhân tập trung vào dấu hiệu “hay ho, có đàm”. Nhà thuốc tất nhiên phải bán thuốc theo yêu cầu vì khách hàng là thượng đế, cho dù người mua thuốc có hốc hác xanh xao thế nào.

Nói đi cũng phải nói lại. Cũng không thiếu người bệnh muốn tránh né biện pháp tầm soát bệnh lây lan với quan niệm không biết thì chưa bệnh! Dù vậy, không thể trách bệnh nhân vì người bệnh không được trang bị những kiến thức y khoa cần thiết.

Không gặp đúng thầy, đúng thuốc, tất nhiên bệnh cứ lây lất như thế cho đến khi trở nặng, khi người bệnh chịu hết nổi. Lúc này, nạn nhân thường cũng theo lời khuyên của chòm xóm, vì dễ gì tìm được thầy thuốc gần nhà, quyết định tìm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, vì đã ho thì còn vùng nào gần họng hơn mũi, hơn tai? Tưởng chỉ trật chút đỉnh về cự ly thì lầm.

Gặp mười người lam lũ với cảnh mưa nắng hai mùa thì thầy thuốc tai mũi họng nhẹ lắm cũng tìm ra bệnh viêm mũi dị ứng hay viêm xoang gì đó trong chín trường hợp! Kết quả là bệnh nhân tuy được điều trị đúng tuyến này nhưng càng lúc càng xa rời tuyến kia. Căn bệnh trong bóng tối nhờ đó tiếp tục âm thầm đục khoét.

Tệ hơn nữa là trường hợp bệnh nhân tự chẩn đoán theo kiểu dùng tiệc tự chọn (buffet). Không thiếu người bệnh tự ý đến phòng khám đa khoa nào đó xin chụp CT, M-ray, xét nghiệm máu… vì nghĩ là mình bị bệnh gì đó.

Thông thường, ở xứ khác điều đó là bất khả thi vì phòng xét nghiệm không nhúc nhích nếu không có y lệnh hẳn hòi trên giấy trắng mực đen của thầy thuốc. Nhưng ở nước mình có nhiều chuyện khéo hơn nước người.

Tự chọn món ăn theo kiểu buffet cũng là cách ăn, ngon miệng là khác, nếu thực khách sành chuyện ăn uống để sắp xếp cho đúng trình tự từ món khai vị đến tráng miệng. Nhưng nếu thực khách quýnh quáng nhét đầy đĩa thức ăn theo kiểu chả giò nước mắm nằm cạnh miếng phô mai thì không chỉ khách khó ăn ngon, mà đầu bếp cũng ngao ngán vì hết… thuốc chữa!

Đáng nói hơn nữa là không thiếu bệnh nhân quyết định gõ cửa cùng lúc nhiều chuyên khoa, như hồi hộp thì đến bác sĩ tim mạch, đau lưng thì đến chấn thương chỉnh hình, dị ứng tất nhiên còn gì khác hơn là bệnh ngoài da…

Một điểm khéo đến lạ thường ở nước mình là nhiều thầy thuốc cùng chữa một bệnh nhân nhưng chẳng mấy ai biết ai làm chi cho thêm phức tạp. Kết quả là bệnh nhân dù ngất ngư nhưng rất hài lòng với xấp toa thuốc dày cộm trên tay, mặc cho toa này có thể trái ngược toa kia!

Nếu tưởng chẩn đoán trật có thể chỉnh lại thì không chỉ hố nặng mà thường phải trả giá rất đắt. Ở quầy buffet có thể tìm món khác không mấy khó nếu nhà hàng chưa đóng cửa, nhưng với chuyện chữa bệnh lại không đơn giản như thế. Không bệnh nào dậm chân tại chỗ để chờ thầy thuốc chẩn đoán cho đúng.

Ai còn bán tín bán nghi xin thử làm một thống kê xem tỷ lệ chuyển bệnh đúng tuyến, hay tỷ lệ đề nghị hội chẩn của các phòng khám đa khoa hiện là bao nhiêu? Ai vẫn chưa tin xin thử xác minh xem bao nhiêu bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú là do chẩn đoán ban đầu của thầy thuốc, hay chỉ do yêu cầu từ cảm giác chủ quan của người bệnh? Không nói thêm cũng hiểu tại sao nhiều người bệnh đến bệnh viện quá trễ, tại sao nhiều bệnh viện vẫn tiếp tục quá tải với những căn bệnh đã trở nặng?

__________________

(*) Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới