Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ý nghĩa cần có ở số liệu thống kê

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam tạm thoát khỏi “bóng ma” Covid-19 và hướng đến khôi phục kinh tế. Để đánh giá mức độ khôi phục như thế nào thì một trong những thước đo là các số liệu thống kê so sánh tại một thời điểm cần xác định. Trong bối cảnh năm nay khá đặc biệt như vừa nêu, người ta mong những con số thống kê cần có giá trị tham khảo ý nghĩa và thiết thực hơn.

Trong 10 tháng qua, Tổng cục Thống kê (GSO) hay cục thống kê tại các địa phương hằng tháng đều đặn công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội với những con số tăng trưởng của từng ngành, từng địa phương, số liệu về doanh nghiệp tham gia thị trường… Đây là những dữ liệu rất hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia tham khảo để phục vụ cho hoạt động của mình.

Tuy nhiên, đã có nhiều người than thở: “Sao lại so sánh thế nữa rồi?” khi xem báo cáo của GSO lẫn cục thống kê địa phương cập nhật kinh tế – xã hội 10 tháng đầu năm 2022.

Ví dụ, Cục Thống kê Đà Nẵng dự kiến tháng 10-2022 doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt xấp xỉ 1.580 tỉ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước và tăng 189,7% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu hoạt động lưu trú ước đạt 533 tỉ đồng, giảm 12,5% so với tháng trước, gấp gần 10,9 lần cùng kỳ.

Hay như, theo GSO, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 ngàn tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Việc so sánh tăng trưởng các ngành kinh tế trong các tháng năm 2022 so với năm 2021 là yếu tố kỹ thuật cơ bản trong thống kê lâu nay. Tuy nhiên, Việt Nam vừa trải qua hai năm thiệt hại nặng nề do Covid-19 gây ra, nên việc so sánh các mức tăng trưởng 100%, 200% thậm chí 300% có thể nói là vô nghĩa và không mang nhiều tính tham khảo, vì đơn giản năm 2021 kinh tế Việt Nam hầu như sụt giảm ở tất cả các ngành do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tình huống đặc biệt nên cần có ứng xử đặc biệt. Có nghĩa là, bên cạnh việc so sánh các con số cùng kỳ hàng tháng và hàng năm, GSO hay các cơ quan thống kê địa phương nên bỏ chút thời gian để thêm những so sánh các số liệu tăng trưởng của năm 2022 với năm 2019 (trước khi xảy ra dịch). Có như vậy, người đọc, đặc biệt là doanh nghiệp, mới có thể có cái nhìn thực tế để hoạch định chiến lược kinh doanh hợp lý hơn. Hay thậm chí, các cơ quan nhà nước có thể có được thông tin bao quát để lên kế hoạch phát triển hợp lý hơn.

Trong thống kê 10 tháng của GSO, phần khách quốc tế đến Việt Nam có so sánh với năm 2019. Cụ thể, tính chung 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2.357,2 ngàn lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019 –  năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Nếu các con số trong tất cả các lĩnh vực khác cũng có sự so sánh với cùng kỳ năm 2019 như số lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói trên thì mọi người có thể nhìn ngay vào đó và biết được mức độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, để có thể kỳ vọng và đưa ra những kế hoạch hợp lý hơn cho năm 2023 – năm thứ hai Việt Nam thoát khỏi “bóng ma” Covid-19.

Một doanh nhân trong ngành du lịch tại Đà Nẵng cho hay các đối tác Hàn Quốc của mình yêu cầu cho biết thông tin về mức độ phục hồi các dịch vụ lưu trú, ăn uống… tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đạt bao nhiêu phần trăm so với năm 2019. Anh không có những con số chính thức để thông tin cho khách hàng mà chỉ đưa ra được những con số ước lượng do mình biết được, cũng như so sánh với năm 2021 dựa trên thống kê của Sở Du lịch và Cục Thống kê Đà Nẵng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Số liệu. Dịch nghĩa ra, con số là như vậy, còn ta dùng như thế nào là do mình tự liệu lấy. Điều quan trọng là lúc nào cũng phải có sự tỉnh táo để nhận diện đúng thông tin, không chỉ là bên cung cấp và bên tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Trong thế giới mạng xã hội ngày nay, thông tin như thác lũ. Khái niệm “Thông tin” cũng cần phải định nghĩa lại theo đúng chuẩn mực bản chất của nó. “Thông”, nghĩa Hán Việt, có thể là thông suốt, hoặc là vội vàng. Như vậy là rõ, tin tức luôn luôn phản ánh cả hai mặt của một vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới