Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ý thức an toàn của người Việt kém

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ý thức an toàn của người Việt kém

Lê Học Lãnh Vân

(TBKTSG) – Gần đây, các trang mạng đăng tin chủ một căn nhà giữa lòng Sài Gòn cho cắm một hàng chông sắt trước sân nhà, có lẽ để không cho trẻ em, người lớn chạy xe đạp lấn vào sân. Quá sức nguy hiểm! Sao người ta không nghĩ lỡ có người té lên những cây chông ấy? Việc này gợi nhớ tới cách nay mấy năm cũng có một hàng chông sắt, được thiết kế đẹp hơn, do chính quyền cắm dọc lề đường Lý Thái Tổ, trước khu đất dinh cơ của Chú Hỏa ngày xưa.

Ý thức an toàn của người Việt kém
Hàng chông sắt trên vỉa hè ở TPHCM gây xôn xao dư luận sau đó đã gỡ bỏ. Ảnh: Báo Tiền Phong

Trong thành phố, trên đất nước Việt Nam có biết bao nơi vẫn tồn tại những sự nguy hiểm cho người dân. Miệng cống trống hoác không che đậy. Dây điện rơi dưới đất, gần các vũng nước. Lề đường bị lấn chiếm, đẩy khách bộ hành xuống dưới lòng đường xe cộ chen chúc. Ổ gà, ổ voi đầy trên mặt đường. Các bậc thang công cộng không có tay nắm. Ổ cắm điện, dây điện cũ mục, hố nước sâu ở các công trường xây dựng. Cửa nhà có con nít mà mở sát bờ sông…

Cùng với các nơi nguy hiểm này là cách sinh hoạt nguy hiểm: điều khiển xe lượn lách, chở những thanh sắt thật dài trên xe hai bánh; thản nhiên đi bộ dưới lề đường hay băng chéo qua đường; nấu chảo dầu không xa nơi con nít chơi đùa; hàn xì trong cao ốc cạnh những vật liệu dễ cháy; làm việc cheo leo trên cao không có dây bảo hiểm…

Hệ quả của những việc đó là sự tổn thất bao nhiêu là sinh mạng người dân. Hàng năm, bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông, vì điện giật, vì chết đuối, vì tai nạn lao động, vì hỏa hoạn…?

Có thể nói ý thức an toàn của người Việt rất kém.

Ở mức độ xã hội, nâng cao ý thức an toàn nơi người dân là nhiệm vụ của chính quyền. Cần làm những việc gì, tổ chức làm sao, phân công xã hội như thế nào, những mục tiêu, chương trình cụ thể nào cần xác định…? Tất cả những điều đó đều có thể học hỏi các quốc gia tiến bộ như Anh, Canada, Pháp, Đức… Có một quan điểm rất hay của các nước kia là “không có tai nạn nào không thể phòng ngừa”. Nó rất khác với quan điểm thường thấy ở Việt Nam là “trời kêu ai nấy dạ”, hay “tới số ở trong nhà cũng chết”. Sự khác nhau đó cắt nghĩa số lần bị tai nạn của Việt Nam nhiều gấp trăm lần so với các nước kia nếu tính trên đầu người và trên cùng đơn vị thời gian phơi ra nguy cơ. Nó cắt nghĩa vì sao hàng năm Việt Nam có trên chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông, hàng trăm con nít chết vì sông suối ao hồ và cắt nghĩa luôn tại sao con số người chết cao như vậy vẫn tiếp tục lặp lại hàng năm trong suốt nhiều năm trời!

Việt Nam cần nâng cao nhận thức và ý thức an toàn của người dân. Người dân đây gồm cả dân chúng và quan chức – những người chịu trách nhiệm trong lĩnh vực an toàn. Khi sự việc tồi tệ xảy ra nhiều năm, người ta hiểu rằng có vấn đề nơi hệ thống quan chức trong việc thực thi sứ mạng của chính quyền xây dựng môi trường sống an toàn cho đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới