(KTSG Online) - Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện tờ trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước ngày 20-10 để trình lên Quốc hội, trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
- Doanh nghiệp Việt muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam…
- Dự kiến đầu tư hơn 67 tỉ đô cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, TTXVN đưa tin.
Theo đó, Thường trực Chính phủ đánh giá với tốc độ thiết kế 350 km/h, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, năng lực để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án, đáp ứng yêu cầu của quá trình thẩm định.
Cơ quan này cũng lưu ý việc quy hoạch các ga phải có tầm nhìn dài hạn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền, có thể kết nối với các hệ thống giao thông khác. Các giải pháp kỹ thuật phải được lựa chọn một cách khoa học, giảm thiểu chi phí đầu tư và vận hành, tăng cường hiệu quả kinh tế của dự án.
Về lộ trình, Bộ Giao thông Vận tải và Hội đồng thẩm định Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ, hoàn thành các thủ tục thẩm định, hoàn thiện tờ trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước ngày 20-10 để trình lên Quốc hội, trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Dự án sẽ huy động đa dạng các nguồn lực, từ vốn ngân sách nhà nước đến các nguồn vốn tư nhân, trong đó có cả hình thức đối tác công tư (PPP) và các cơ chế huy động vốn khác.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án, Bộ Giao thông vận tải sẽ thành lập một tổ giúp việc chuyên trách, để xây dựng và triển khai dự án, phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng thành viên, cũng như rà soát và bổ sung nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của dự án.
Về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng. Dự án này không chỉ góp phần thúc đẩy giao thương, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền với ưu tiên là phấn đấu khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào năm 2025.