(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Kết quả đánh giá rủi ro môi trường là căn cứ để xếp hạng tín dụng, xác định lãi suất, chi phí và các điều kiện cấp tín dụng phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện lấy kiến về dự thảo Thông tư, nội dung hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo NHNN, Thông tư ban hành nhằm mục đích tạo ra khuôn khổ pháp lý chung, yêu cầu bắt buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo đó, TCTD căn cứ vào quy mô, năng lực quản lý của ngân hàng và hướng dẫn của NHNN để ban hành, triển khai quy định quản lý rủi ro môi trường thông qua hai hình thức.
Một là lồng ghép vào quy trình cho vay, quản lý rủi ro tín dụng hiện có; hoặc hai là ban hành quy trình quản lý rủi ro môi trường độc lập (nhưng đảm bảo phân định với khâu quyết định cho vay).
Tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong việc tổ chức đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá rủi ro môi trường của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng để thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
Kết quả đánh giá rủi ro môi trường của khoản cấp tín dụng, là căn cứ để TCTD xếp hạng tín dụng khách hàng, xác định lãi suất, chi phí cấp tín dụng và các điều kiện cấp tín dụng phù hợp.
Theo NHNN, việc đưa yếu tố môi trường vào nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho tổ chức tín dụng khi xảy ra rủi ro môi trường. Tác động gián tiếp tiếp theo là yêu cầu khách hàng vay vốn tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng tới đầu tư, sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.
Việc áp dụng quy định kiểm soát rủi ro môi trường không dành cho mọi khoản vay. NHNN cũng loại trừ một số loại khoản vay như vay bảo lãnh ngân hàng, thẻ tín dụng, phục vụ nhu cầu đời sống,… và nhiều khoản vay không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo các bộ luật có liên quan quy định.