Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: chuyện không phải cứ muốn thì làm
TS. Lê Thị Ánh Nguyệt (*)
(TBKTSG Online) - Để phòng ngừa khả năng trọng tài “tư nhân hóa” công bằng xã hội, một số điều ước quốc tế và pháp luật trọng tài của Việt Nam cho phép hủy phán quyết trọng tài khi phán quyết đó được ban hành bởi hội đồng trọng tài vi phạm thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần hết sức thận trọng vì tùy theo luật áp dụng, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có thể bị từ chối.
Phán quyết trọng tài bị hủy trong trường hợp nào?
Với ý nghĩa là một phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt mà kết quả giải quyết tranh chấp có khả năng được công nhận, thi hành trên phạm vi quốc tế theo cơ chế đa phương, trọng tài thương mại và, hoặc trọng tài đầu tư càng ngày càng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, các bên tranh chấp không được quyền kháng cáo phán quyết trọng tài lên cơ quan trọng tài cấp cao hơn hay là tòa án (tính chung thẩm của phán quyết trọng tài).
Dẫu vậy, pháp luật trọng tài của các quốc gia và các điều ước quốc tế cho phép các bên tranh chấp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khi xuất hiện một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí về vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng (ví dụ Điều V.1.b của Công ước New York hay Điều 52.1.d của Công ước ICSID). Các quy định này lại ghi nhận mức độ vi phạm thủ tục tố tụng khác nhau. Cụ thể:
Trường hợp 1: theo Công ước New York. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ phải thi hành một phán quyết của trọng tài nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài này nếu phát hiện và chứng minh được rằng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp này đã vi phạm thủ tục tố tụng.
Mức độ vi phạm này là nhỏ hay lớn không quan trọng bởi vì theo Công ước New York – trong đó Việt Nam là thành viên từ năm 1995 – không hề phân định rõ ràng. Trên thực tế, qua hơn 60 năm thi hành, có vụ kiện trong đó bên có nghĩa vụ thi hành phán quyết yêu cầu tòa án quốc gia hủy phán quyết trọng tài để cố tình kéo dài việc thi hành và, hoặc từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài bởi vì vi phạm tố tụng rất nhỏ.
Trường hợp 2: theo hiệp định EVIPA. Nếu doanh nghiệp Việt Nam hoặc chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải thi hành một phán quyết của trọng tài đầu tư quốc tế (như hội đồng trọng tài của hiệp định EVIPA) và nếu phía Việt Nam phát hiện hội đồng trọng tài này vi phạm thủ tục tố tụng thì cũng chỉ có thể yêu cầu tòa án Việt Nam hủy phán quyết trọng tài do vi phạm thủ tục tố tụng trong vòng năm năm đầu tiên kể từ ngày hiệp định EVIPA có hiệu lực.
Lý do, bởi vì trong khoảng thời gian này phán quyết trọng tài sẽ bị hủy mà mức độ vi phạm tố tụng, không cần biết có nghiêm trọng hay không nghiêm trọng, theo Điều V.1(b) của Công ước New York.
Sau khi hết thời hạn năm năm kể từ ngày hiệp định EVIPA có hiệu lực thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nếu doanh nghiệp phát hiện vi phạm thủ tục tố tụng ở mức độ nghiêm trọng theo Công ước ICSID.
Lúc này, cơ quan đánh giá mức độ vi phạm là nghiêm trọng hay không nghiêm trọng không phải là tòa án Việt Nam hay bất kỳ tòa án của bất kỳ quốc gia nào khác mà phải là “thiết chế nội bộ của Công ước ICSID”, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài. Hay nói cách khác, Công ước ICSID không cho phép bất kỳ tòa án quốc gia thực hiện bất kỳ vai trò gì trong toàn bộ quy trình hủy phán quyết trọng tài.
Trong đó, trọng tài viên vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng nghĩa là trọng tài viên vi phạm các nghĩa vụ làm ảnh hưởng đến quyền được tham gia xét xử, quyền được tạo cơ hội để trình bày chứng cứ, xác minh chứng cứ và phản tố đối với vụ kiện của các bên tranh chấp. Trên thực tế, theo thống kê của Ban thư ký Công ước ICSID, tính đến năm 2016, tổng số đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là 87 vụ.
Tuy nhiên, tính đến hiện nay, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài chỉ mới hủy một phán quyết vì lý do vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng. Ví dụ, vụ Fraport AG kiện Phillipines, ngày 23-12-2010, Ủy ban hủy phán quyết trọng tài đã quyết định hủy phán quyết trọng tài bởi vì hội đồng trọng tài đã không tạo cơ hội cho Fraport AG tham gia vào quy trình xác minh chứng cứ do Phillippines cung cấp.
Theo Ủy ban hủy phán quyết trọng tài, hội đồng trọng tài có thể sẽ đưa ra kết luận khác nếu như hội đồng trọng tài biết được tài liệu mà phía Phillipines đã tiếp cận là bất hợp pháp vào thời điểm sau khi hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp. Đây là điều mà Fraport không thể thực hiện được bởi vì Fraport không có cơ hội tiếp cận tài liệu và, do đó, không thể phản tố để bảo vệ mình.
Trường hợp 3: theo pháp luật trọng tài Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ phải thi hành phán quyết trọng tài thương mại, đầu tư nhưng sau đó phát hiện phán quyết bị vi phạm thủ tục tố tụng, doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu tòa án Việt Nam hủy phán quyết trọng tài (Điều 68 khoản 2(b) Luật Trọng tài 2010). Tuy nhiên, quy định này của Việt Nam, giống với Công ước New York, không quy định cụ thể mức độ vi phạm là gì, nhẹ hay nghiêm trọng.
Trên thực tế, có những phán quyết bị tòa án Việt Nam hủy chỉ vì trong quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài chỉ ghi “giấy mời”, chứ không phải là “giấy triệu tập”, gửi cho các bên tranh chấp. Tương tự, trong vụ kiện khác, tòa án đã hủy phán quyết trọng tài bởi vì hội đồng trọng tài tống đạt thư triệu tập tham gia giải quyết tranh chấp cho người “ngồi ở vị trí tiếp tân của doanh nghiệp” và không xác minh được người “ngồi ở vị trí tiếp tân của doanh nghiệp” có phải là người có thẩm quyền nhận văn thư hay không.
Việt Nam đã có giai đoạn bị chỉ trích là quốc gia không thân thiện với trọng tài bởi vì bản án hủy phán quyết trọng tài không bị kháng cáo và tỷ lệ phán quyết trọng tài bị hủy do một trong những lý do vi phạm thủ tục tố tụng khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Thậm chí, có những vụ việc doanh nghiệp đã chọn cách gửi đơn cho tòa án yêu cầu hủy phán quyết trọng tài như là cách thức hoãn và kéo dài thời gian thi hành nghĩa vụ trong phán quyết trọng tài.
Do đó, tòa án nhân dân tối cao trong Nghị quyết 01/2014 đã hướng dẫn phán quyết trọng tài chỉ bị hủy khi trọng tài viên vi phạm thủ tục tố tụng ở mức độ nghiêm trọng và cần phải hủy nếu hội đồng trọng tài không thể khắc phục.
Trong đó, vi phạm nghiêm trọng có thể hiểu là một trong các bên không nhận được thông báo về đơn khởi kiện dẫn đến không đảm bảo quyền thành lập hội đồng trọng tài, hoặc số lượng thành phần trọng tài không theo sự thỏa thuận của các bên, hoặc pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp không do các bên thỏa thuận.
Làm sao khỏi “một lần mất tín, vạn lần mất tin”
Nói tóm lại, việc doanh nghiệp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do vi phạm thủ tục tố tụng là quyền hợp pháp của doanh nghiệp. Bởi thủ tục tố tụng là một trong những tiêu chuẩn tối thiểu để đảm bảo rằng doanh nghiệp được tạo cơ hội để tham gia giải quyết tranh chấp, xác minh bằng chứng, phản biện và bảo vệ chính mình trong các tranh chấp thương mại, đầu tư.
Tuy nhiên, quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì vi phạm thủ tục tố tụng đã, đang và sẽ thực hiện một cách khác nhau tùy thuộc vào luật áp dụng là luật gì, thời điểm đưa ra yêu cầu là thời điểm nào, cơ quan nhận được yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là cơ quan nào?.
Do đó, doanh nghiệp cần hết sức thận trọng vì phải “nhập gia tùy tục”. Việc nắm rõ các đặc điểm, ngữ cảnh và nghĩa vụ chứng minh đối với mức độ vi phạm khác nhau sẽ góp phần khẳng định sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bất kỳ trường hợp nào, doanh nghiệp Việt Nam cần đề phòng trường hợp “một lần mất tín vạn lần mất tin” khi nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thương mại, đầu tư vì vi phạm thủ tục tố tụng, nhằm mục đích bảo vệ chính mình hoặc mục đích kéo dài thời gian thi hành án, nhưng bị cơ quan có thẩm quyền từ chối hủy được phán quyết trọng tài.
(*) Thành viên của Hội đồng Khoa học VIAC, Luật sư cấp cao Công ty luật Phuoc & Partners
Tài liệu tham khảo:
- https://core.ac.uk/download/pdf/159609087.pdf
Susan Choi, Note, Judicial Enforcement of Arbitration Awards Under the ICSID and New York, 1997
- https://icsid.worldbank.org
- https://www.lalive.law/wp-content/uploads/2019/10/ICSID_Annulment_Based_on_Departure_from_Rule_of_Procedure.pdf
- Fraport AG v Philippines, Quyết định hủy phán quyết trọng tài, đoạn 218 - 227
Mời xem thêm: