(KTSG Online) - Trong công văn 7048/VPCP-KTTH ban hành ngày 19-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
- Tắc nguồn cung và câu hỏi lớn cho chính sách điều hành xăng dầu
- Gỡ khó cho kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung trong quí 4
Theo đó, Văn phòng Chính phủ nhận được Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung liên quan đến tình hình thị trường xăng dầu.
Cụ thể, những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Trên thực tế, các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cùng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn trên cả nước.
Danh sách thương nhân phân phối do Bộ Công Thương theo dõi và quản lý. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 330 thương nhân phân phối xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, các thương nhân đều hoạt động bình thường, thực hiện gửi các báo cáo định kỳ về cơ quan này để phục vụ việc giám sát, theo dõi.
Trong thời gian vừa qua, do kinh doanh thua lỗ, khó khăn tài chính không duy trì được hệ thống và hoạt động kinh doanh nên một số thương nhân phân phối đã phải trả lại giấy phép.
Vào tuần đầu tiên của tháng 10, người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam đã phải trải qua cuộc khủng hoảng xăng dầu. Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, 137 cửa hàng tại TPHCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ô tô. Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam buộc tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng.
Đến nay, tình hình nguồn cung xăng dầu tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đã ổn định hơn nhưng một số khu vực vẫn gặp khó khăn, vẫn còn tình trạng một số cây xăng treo biển "hết xăng" hoặc tạm ngưng bán để nhập hàng.
Trước đó, vào ngày 18-10, Bộ Công Thương ký 2 văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Cụ thể, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.
Đặc biệt, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành, bảo đảm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tổng hợp từ Baochinhphu.vn, TTXVN