Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Yếu tố nào giúp Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tiền Giang phấn đấu “cơ bản” thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030 và đạt công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước vào năm 2050. Vậy đâu sẽ là giải pháp được tỉnh Tiền Giang đề ra nhằm hiện thực hoá mục tiêu này?

Tỉnh Tiền Giang kỳ vọng trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030. Trong ảnh là một góc doanh nghiệp đang hoạt động dọc sông Tiền ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Ngoài mục tiêu nêu trên, thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang tại buổi họp báo “Thông tin về hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang” diễn ra vào chiều nay, 18-3, cho thấy địa phương cũng kỳ vọng đến năm 2030 có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại; có các vùng động lực; trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị.

Tiền Giang cũng là địa phương giữ vai trò kết nối quan trọng giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và Đông Nam bộ… Trong khi đó, đến năm 2050, Tiền Giang sẽ là nơi đáng sống, các giá trị văn hoá phát triển toàn diện, được bảo tồn và phát huy; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ông Nguyễn Hiếu Lễ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được triển khai cụ thể, có định hướng rõ ràng.

Theo đó, bên cạnh có sự đồng bộ với quy hoạch của các địa phương trong vùng cũng như quy hoạch hạ tầng của Trung ương trên địa bàn, thì tỉnh Tiền Giang cũng đồng bộ quy hoạch xuống cấp huyện trong quy hoạch xây dựng và sử dụng đất.

“Đây chính là cơ sở tạo thuận lợi rất lớn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì quy hoạch là định hướng nên càng rõ ràng càng giúp nhà đầu tư dễ nhận diện được cơ hội đầu tư. Từ đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm xây dựng các kế hoạch, chiến lược kinh doanh của mình tại Tiền Giang”, ông Lễ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là yếu tố góp phần giúp địa phương thu hút nguồn lực đầu tư nhằm hiện thực hoá mục tiêu đã đề ra.

Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh tập trung phát triển công nghiệp ở hai khu vực. Trong đó, khu vực công nghiệp Tân Phước có quy mô khoảng 10.000 héc ta được tập trung cho phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; khu vực công nghiệp Gò Công quy mô khoảng 5.000 héc ta sẽ phát triển mạnh các ngành kinh tế biển như logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp công nghệ cao…

Ngoài ra, ông Lễ cho biết, Tiền Giang có định hướng phát triển bền vững thông qua nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. “Định hướng mới này đặt ra thách thức cho tỉnh Tiền Giang trong quá trình huy động nguồn lực để thực hiện, nhưng mặt khác giúp địa phương có được giải pháp đồng bộ để triển khai được các mục tiêu đề ra”, ông nhấn mạnh.

Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 1-2024 cho thấy, địa phương có 111 dự án tại các khu công nghiệp, trong đó, có 83 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 2,521 tỉ đô la Mỹ và 4.561 tỉ đồng. Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được 68 dự án. Trong đó, có 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 200 triệu đô la Mỹ và hơn 998 tỉ đồng.

Được biết, tỉnh Tiền Giang hiện có 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, bao gồm 13 dự án thuộc lĩnh vực đô thị, khu dân cư; 7 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch; 12 dự án công nghiệp; 5 dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường; 3 dự án nông nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới