Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Yếu tố nào hóa giải áp lực lãi suất?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục có dấu hiệu đi lên từ đầu tháng 4 đến nay, mang đến những lo ngại cho nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Liệu có yếu tố nào có thể giúp kìm chân lãi suất?

Áp lực có lớn?

Trong những tuần gần đây, thị trường chứng kiến một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, tuy nhiên chủ yếu là nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ và trung bình, trong khi nhóm ngân hàng lớn vẫn đang “án binh bất động”, ngoại trừ MBBank và ACB. Dù vậy, mức điều chỉnh tăng lên 2,9% của MBBank và 3,1% của ACB đối với kỳ hạn 1 tháng vẫn còn cách khá xa mức trần 4% theo quy định hiện nay. Đáng lưu ý là ACB trong khi tăng từ kỳ hạn 1-6 tháng, ngược lại tiếp tục giảm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Diễn biến này cho thấy mức độ phân hóa về thanh khoản giữa các ngân hàng, cũng như nhu cầu vốn để phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới của mỗi ngân hàng cũng khác nhau. Việc các ngân hàng lớn vẫn chưa nhập cuộc tăng lãi suất tiền gửi là một tín hiệu tích cực, cho thấy thanh khoản toàn hệ thống nhìn chung vẫn chưa chịu áp lực quá lớn, bất chấp tăng trưởng tín dụng quí 1 năm nay đã vượt xa tăng trưởng tiền gửi, tương ứng ở mức 4,03% so với 2,15%.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư đang đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro như hiện nay, dòng tiền có thể quay trở lại với kênh ngân hàng như một nơi trú ẩn an toàn, đồng thời nhu cầu vay vốn ở những kênh đầu tư này cũng có thể suy giảm khiến các ngân hàng có thể giảm bớt áp lực thanh khoản, tạo điều kiện để giữ lãi suất huy động ổn định.

Thống kê lãi suất bình quân của 35 ngân hàng nội địa đến tháng 4 này vẫn không biến động quá lớn so với đầu năm nay. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 1-5 tháng tăng 0,05% so với đầu năm, còn kỳ hạn 6-12 tháng tăng 0,08%, riêng các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên gần như giữ nguyên.

Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là mặt bằng lãi suất tiền gửi có lẽ đã tạo đáy vào cuối quí 3 năm ngoái và đã bắt đầu tăng dần kể từ đó đến nay. Nếu so với thời điểm cuối tháng 9-2021, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 1-5 tháng của 35 ngân hàng đã tăng thêm 0,08%, kỳ hạn 6-12 tháng tăng 0,12%, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tăng 0,04%.

Áp lực lạm phát được xem là biến số lớn nhất ảnh hưởng lên kênh tiền gửi ngân hàng lúc này, khi các quốc gia liên tục ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chạm mức kỷ lục trong hàng chục năm qua. Riêng tại Việt Nam, dù CPI bình quân quí 1 năm nay chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ, nhưng tâm lý kỳ vọng lạm phát lại đang rất lớn so với nhiều năm trở lại đây, khi chứng kiến giá các mặt hàng thiết yếu, từ năng lượng, nhiên liệu như xăng, dầu, cho đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm liên tục leo thang trên thị trường quốc tế và trong nước thời gian qua.

Ngoài ra, việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nói chung cũng như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nói riêng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại cũng đưa đến kỳ vọng Việt Nam rồi sẽ khó thoát khỏi xu hướng chung này. Sau khi tăng 0,25% lãi suất cơ bản trong cuộc họp tháng 3, mới đây chủ tịch Fed là ông Jerome Powell đã “bóng gió” về khả năng tăng tiếp 0,5% trong cuộc họp sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới, nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát đã leo lên mức đỉnh của hơn 40 năm qua.

Còn trong nhận định mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dựa trên tình hình Việt Nam hiện nay, tổ chức này cho rằng chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ là rất hạn chế trong bối cảnh rủi ro lạm phát đang gia tăng.

IMF cũng dự báo lạm phát có thể leo lên mức 3,9% vào cuối năm nay. Dù vẫn dưới mục tiêu 4%, nhưng tổ chức này vẫn cảnh báo “Nếu xuất hiện các áp lực lạm phát dai dẳng, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng các yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát”.

Yếu tố nào hỗ trợ?

Dù đối mặt với không ít thách thức, nhưng thời gian gần đây cũng xuất hiện những yếu tố hỗ trợ được cho là có thể kìm hãm đà đi lên của lãi suất trong năm nay.

Thứ nhất là với việc thị trường chứng khoán đã lao dốc mạnh trong những tuần gần đây, dòng tiền có thể đang chuyển dịch quay trở lại ngân hàng như một kênh trú ẩn an toàn, giữa lúc có quá nhiều rủi ro và biến động tại các kênh đầu tư hiện nay.

Hay như kênh trái phiếu doanh nghiệp, vốn đã hút một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư cá nhân trong những năm gần đây, đặc biệt không ít trong số đó là các khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng, thì với những tai tiếng và rủi ro được phanh phui mới đây, kênh này sẽ khó có thể tiếp tục hút vốn mạnh mẽ. Theo đó, dòng tiền có thể sẽ ưu tiên cho những kênh an toàn như tiền gửi ngân hàng nhiều hơn.

Thêm vào đó, việc tăng cường quản lý các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cũng như tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp chặt chẽ hơn, cũng có thể làm hạn chế các đợt phát hành mới, trong khi về phía các ngân hàng và các công ty chứng khoán - đối tượng vừa tư vấn, bảo lãnh phát hành và bao tiêu cho trái phiếu của các doanh nghiệp, cũng sẽ dè chừng hơn.

Cần lưu ý trái phiếu doanh nghiệp vốn được tính vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong những năm qua khiến các ngân hàng luôn có nhu cầu huy động vốn tương ứng. Nay nếu kênh này suy giảm thì các ngân hàng cũng có thể giảm bớt nhu cầu vốn kinh doanh. Theo số liệu chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư của hệ thống tổ chức tín dụng là 274.000 tỉ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống,

Đối với kênh đầu tư bất động sản, với nỗi lo sợ bong bóng khi giá nhà đất tại nhiều khu vực bị đẩy vượt xa giá trị thực trong thời gian gần đây, dòng vốn rót vào kênh đầu tư này cũng sẽ thận trọng hơn, hay không muốn nói là sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Việc các cổ phiếu bất động sản liên tục lao dốc và là một trong những nhóm giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán trong những ngày qua là minh hoạt rõ nhất cho mối lo ngại này. Do đó, dòng tiền từ kênh bất động sản cũng có thể chuyển dịch vào ngân hàng trở lại, trong khi nhu cầu vay vốn để đầu tư, kinh doanh bất động sản sẽ suy giảm so với trước, ảnh hưởng lên tín dụng của các ngân hàng và giảm áp lực huy động vốn.

Tóm lại, trong bối cảnh các kênh đầu tư đang đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro như hiện nay, dòng tiền có thể quay trở lại với kênh ngân hàng như một nơi trú ẩn an toàn, đồng thời nhu cầu vay vốn ở những kênh đầu tư này cũng có thể suy giảm khiến các ngân hàng có thể giảm bớt áp lực thanh khoản, tạo điều kiện để giữ lãi suất huy động ổn định.

Đối với yếu tố lạm phát, bên cạnh những chính sách kiềm chế giá cả như giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm quỹ bình ổn, thiết lập các kênh phân phối hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý cần có những chính sách, giải pháp truyền thông hiệu quả hơn để xoa dịu tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thực tế nhiều quốc gia cũng tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh trong những tháng gần đây và sẽ sớm hạ nhiệt trở lại. Việt Nam với lợi thế có những độ trễ nhất định, kỳ vọng sẽ có những giải pháp hiệu quả để kìm chân lạm phát.

Tuy nhiên, với kịch bản mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục đi lên trong giai đoạn tới, có lẽ cũng không nên quá nhiều lo lắng. Gói hỗ trợ lãi suất 2% có thể được triển khai ngay trong quí 2 này, tương ứng số tiền hỗ trợ lên đến 40.000 tỉ đồng, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn vẫn còn cơ hội để tiếp cận vốn với chi phí hợp lý cho đến hết năm 2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới