Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

2022 dưới góc nhìn “Lăng kính”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thử nhìn lại một số chủ đề nổi bật trong năm qua được thể hiện trong chuyên mục Lăng kính trên KTSG Online và xem các tác giả tiếp cận những vấn đề được họ quan tâm nhất như thế nào.

Có thể xem Lăng kính là một chuyên mục trên KTSG Online với cách tiếp cận riêng. Cũng có thể nói Lăng kính đề cập đến các chủ đề khá rộng, không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế vốn là thế mạnh của nhóm Kinh tế Sài Gòn, mà còn mở sang nhiều lĩnh vực khác gần như không có giới hạn. Điểm khác biệt của các bài viết Lăng kính nằm ở chỗ các tác giả ít nhiều chọn cách tiếp cận thiên về phân tích, lý giải và gợi ý giải pháp khi có thể, thay vì chỉ tường thuật, phản ảnh theo cách viết tin thông thường.

Tham gia bài viết trên Lăng kính là các nhà báo có kinh nghiệm của nhóm KTSG, cũng như lực lượng cộng tác viên, nhiều người trong số họ là các tác giả có thâm niên gắn bó với nhóm báo. Chính nhờ các cây bút này, bài viết Lăng kính không những đưa ra nhiều vấn đề thời sự nổi bật đang thu hút dự luận mà – trong một số trường hợp – còn len lỏi được vào các góc khuất của xã hội gây chú ý cho bạn đọc. 

Độc giả luôn đòi hỏi báo chí phải nêu chính xác những vấn đề quan trọng nhất được cả xã hội quan tâm. Theo ngữ cảnh này, trong 365 ngày qua của năm 2022, gần 300 bài viết trên Lăng kính, trong một chừng mực nào đó, đã chuyển tải được dòng chảy thời sự chủ lưu.

Hàng chục chủ đề được thể hiện qua các bài viết Lăng kính trong năm qua, phần lớn gắn với thời sự kinh tế và văn hóa – xã hội. Trong số này, một số lĩnh vực là đặc trưng cho năm 2022, và số còn lại không ngoài các vấn đề vẫn còn tồn tại qua nhiều năm, tiếp tục là mối quan tâm đối với cộng đồng.

Thuộc nhóm thứ nhất gồm mở cửa du lịch, đại dịch Covid-19 và các vấn đề liên quan đến ngành y tế và tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra kỳ lạ. Nhóm thứ hai tập trung vào các bài viết về các chủ đề chưa bao giờ cũ trong xã hội của chúng ta, gồm môi trường và biến đổi khí hậu, một số khía cạnh liên quan đến giáo dục và khoảng cách giàu nghèo.

Năm 2022 mở ra với nhiều hy vọng khi Việt Nam khống chế hiệu quả đại dịch Covid-19, bắt đầu tái khởi động nhiều lĩnh vực kinh tế, kể cả mở cửa bầu trời đối với khách du lịch quốc tế. Trong ngày đầu tiên của năm 2022, Lăng kính xông đất độc giả bằng bài viết nhan đề “Đã mở cửa bầu trời sao còn phải thí điểm đón khách du lịch quốc tế”(1). Bài viết này cho biết ngày 1-1-2022, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên đến Việt Nam đã được thực hiện, mở ra cánh cửa nối Việt Nam với thị trường du lịch quốc tế sau gần hai năm phải tạm dừng vì Covid-19.

Tuy nhiên, bài viết cho rằng cánh cửa đó chỉ mới “mở he hé”, và trên thực tế cũng gần như đóng chặt bởi các quy định ngặt nghèo, như (i) giới hạn tối đa các chuyến bay (chỉ từ vài thị trường được cho phép), (ii) địa điểm tiếp nhận (chỉ có năm địa phương được phép), (iii) số doanh nghiệp tiếp nhận du khách (con số doanh nghiệp đếm được trên đầu ngón tay), v.v… Theo bài viết, xét đến việc một số yếu tố phòng chống dịch khi ấy đã được cải thiện đáng kể (như tỷ lệ tiêm vaccine và các quy định riêng rất chặt chẽ đối với du khách quốc tế của ngành du lịch – gồm hộ chiếu vaccine, xét nghiệm trước chuyến đi, bảo hiểm y tế chi trả điều trị Covid-19 trị giá tối thiểu 50.000 đô la Mỹ/người), nhà chức trách cần dẹp bớt “nỗi sợ Omicron” một cách hợp lý nhằm tự tin để mở cửa thông thoáng hơn đối với du khách nước ngoài. 

Liên quan đến các biện pháp mở cửa du lịch nói trên, một số bài viết khác trong Lăng kính đã nêu các vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm nối lại mảng du lịch quốc tế. Chẳng hạn, một bài viết đăng vào giữa tháng 2-2022 cho biết đến thời điểm cận kề thực hiện kế hoạch mở lại mảng du lịch quốc tế đến Việt Nam vào tháng 3, Cục Hàng không Việt Nam lại công bố kế hoạch đóng cửa một đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất để sửa chữa(2).

Từ khi kế hoạch ngừng hoạt động đường bay này được thông báo đến các doanh nghiệp (ngày 9-2) đến khi áp dụng (21-2), chỉ vỏn vẹn 12 ngày, trong khi các doanh nghiệp hàng không đã bán vé từ trước, không thể tránh khỏi việc chậm, hủy chuyến nhiều hơn, gây thiệt hại cho họ và hành khách. Bài viết cho rằng chuyện sửa chữa đường băng là điều bắt buộc; tuy nhiên, chọn thời điểm thực hiện ngay trước lúc nối lại du lịch quốc tế là “quá máy móc và vô cảm đối với doanh nghiệp”.

Một bài viết khác đầu tháng 3-2022 phản ảnh “giới kinh doanh du lịch lại nháo nhào” trước đề nghị từ Bộ Y tế gửi Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch nhằm yêu cầu du khách quốc tế phải xét nghiệm nhiều hơn(3). Theo đề nghị này, trước khi đến Việt Nam, một du khách nước ngoài phải có kết quả xét nghiệm âm tính PCR trong vòng 72 giờ. Sau đó, trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi nhập cảnh, du khách này phải xét nghiệm một lần nữa. Chưa hết, 24 giờ sau đó, nếu du khách rời khỏi nơi cư trú ban đầu phải làm xét nghiệm hàng ngày cho đến khi thời gian 72 giờ sau đó kết thúc! Bài báo cho rằng các quy định du lịch mà rắc rối kiểu này, chắc chẳng có bao nhiêu du khách du lịch muốn đến Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp du lịch cũng đành bó tay không thể nào thực hiện được các quy định đó.

Rất nhiều tác giả tham gia Lăng kính đã góp ý cho các biện pháp phòng chống Covid-19 chưa hợp lý. Chẳng hạn một bài viết đăng vào tháng 3-2022 với nhan đề “Sống chung Covid-19, bảng đỏ cách ly còn cần thiết?”(4). Cuối năm 2021, khi số ca nhiễm tăng lên, chính quyền một số địa phương quy định trước nơi ở của người cách ly tại nhà phải treo bảng nền đỏ với chữ vàng ghi rõ đó là địa điểm cách ly. Đến tháng 2-2022, khi số ca nhiễm ở Việt Nam tăng lên hơn 100.000 ca mỗi ngày, quy định trên vẫn còn hiệu lực. Xét tình hình thực tế khi ấy, tác giả bài viết cho rằng “bảng đỏ cách ly Covid-19” không còn cần thiết. Ngược lại, tấm bảng đó đã trở thành một “dấu hiệu phân biệt những người Việt Nam bình đẳng với nhau, dù họ có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không”. Thực tế, đã chứng minh, rất hiếm có quốc gia thực hiện quy định không cần thiết này và tác dụng của nó so với hoàn cảnh thực tế lúc bài viết được đăng tải đã không còn.

Một “tác dụng phụ” rất nguy hiểm của đại dịch Covid-19 (dù không phải do virus SARS-CoV-2 gây ra) là tình trạng thiếu thuốc men và dụng cụ y tế tại các bệnh viện. Người phải gánh chịu hậu quả của nó không ai khác hơn là bệnh nhân. Trong bài viết nhan đề “Bao giờ có thuốc, sao không ai trả lời?”, tác giả nêu rõ “… người bệnh có thể nhịn ăn vài bữa nhưng không thể dứt thuốc dù chỉ một ngày…”(5). Tác giả kết luận: “Viết đến đây mới thấy Đảng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là thiết thực biết chừng nào. Rất tiếc, trong câu chuyện thiếu thuốc thời gian qua, chưa thấy hình bóng người cán bộ dám đột phá”.

Liên quan đến một hiện tượng “kỳ lạ”, có thể nói là chưa từng có kể từ khi Việt Nam dứt bỏ con đường kinh tế tập trung bao cấp, nhiều tác giả đã bày tỏ quan điểm cũng như góp ý của mình trên Lăng kính. Đó là tình trạng khan hiếm xăng trên thị trường nội địa. Một bài viết Lăng kính đăng ngay từ đầu năm cho rằng “Hài hòa lợi ích thì phải giảm thuế xăng dầu”(6). Tác giả cho biết một quan chức của Bộ Công Thương khẳng định việc điều hành kinh doanh xăng dầu phải “tính toán tổng thể, hài hòa các yếu tố ổn định vĩ mô, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân”. Thế nhưng, tác giả cho rằng việc điều hành giá xăng dầu cho đến lúc đó khó có thể xem là “hài hòa lợi ích giữa các bên được vì “trong ba bên (…), chỉ có doanh nghiệp và người dân phải chịu đựng cơn sốc giá này…”

Khi ấy, theo bài báo, thuế chiếm đến 40-42% giá bán lẻ xăng đầu, và so với một năm trước, giá xăng dầu [lúc đó] đã tăng khoảng 50%. Cũng cần lưu ý là trong phần tăng giá, doanh nghiệp và người dân phải trả thêm cho mỗi lít xăng, phần tăng của giá thế giới chiếm sáu phần và bốn phần còn lại góp vào ngân sách nhà nước. Nếu vậy, làm sao có thể nói “hài hòa lợi ích giữa các bên”?

Tiếc thay, lời góp ý này đăng hồi tháng 2 năm nay không gây được sự chú ý cần thiết và sau đó thị trường tiếp tục gặp những cú sốc không đáng có. Ngay tại thời điểm năm mới 2023 gần kề, người dân cũng không biết họ có gặp lại cảnh có tiền cũng không mua được xăng hay không!

Như đã nói ở trên, bảo vệ môi trường và “cặp anh em song sinh mới nổi lên của nó” là biến đổi khí hậu đã trở thành một đề tài được nhiều tác giả đề cập trên chuyên mục Lăng kính. Trong một bài viết nhan đề “Không thể không thấy sân Mỹ Đình” đăng hồi tháng 5-2022, tác giả viết sân Mỹ Đình, một trong những sân vận động lớn nhất Việt Nam, có diện tích 17,5 héc ta(7). Dĩ nhiên, không ai với đôi mắt bình thường không nhận ra một địa điểm rộng lớn như vậy nếu đứng ngay trước nó. Thế nhưng, các cơ quan chức năng của một tỉnh miền Trung đã “không thấy” được các vụ phá rừng với diện tích gấp 26 lần diện tích sân Mỹ Đình diễn ra trước mắt họ. Bài báo cho biết chủ tịch tỉnh đã truy vấn cấp dưới lý do không báo cáo kịp thời cho ông. Dư luận, bài báo viết, cũng rất muốn biết điều gì đã làm tê liệt tầm nhìn khiến các cơ quan chức năng “không thể thấy cả một sân Mỹ Đình ngay trước mắt”.

Với nhan đề “Đất không lành làm sao chim đậu?” đăng vào tháng 9 năm nay, bài viết đề cập đến việc tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện các bước nhằm nhận hai con sếu đầu đỏ từ vườn thú Vientaine (Lào) nhằm nuôi tại vườn quốc gia Tràm Chim(8). Đáng buồn là, theo bài báo, từ chỗ mỗi năm có đến hàng ngàn con sếu đầu đỏ về cư ngụ tại Tràm Chim trong vài tháng, từ năm 2020 đến nay, không còn con sếu nào quay về bởi lẽ môi trường quen thuộc của chúng tại vườn quốc gia này đã không còn như trước.

Khu vực xung quanh nơi sếu sống ở Tràm Chim đã thay đổi quá nhanh khi đất ngập nước tự nhiên bị thay bằng ruộng lúa, vườn cây hay nhà máy. Sự thay đổi này cộng với phân bón, thuốc trừ sâu, nước thải, tiếng ồn và hiện tượng mất nguồn thức ăn cho sếu đã khiến đàn sếu không quay về. “Đất lành chim đậu là điều dễ nói nhưng không dễ làm”, tác giả kết luận.

Giáo dục cũng là một mảng lớn trong các bài viết trên chuyên mục Lăng kính. Tiêu biểu trong số đó là bài viết với tựa đề “Không làm giàu trên tương lai con trẻ”(9), đăng vào mùa hè năm nay, đề cập đến việc thay sách giáo khoa. Theo tác giả, mỗi lần cải tiến sách nhiều người được hưởng lợi – thậm chí họ hưởng lợi rất lớn vì biên soạn sách là việc “đại sự quốc gia” nên bao giờ cũng có tiền của các dự án, nhỏ thì hàng trăm tỉ đồng, lớn thì hàng trăm triệu đô la. Tác giả cho rằng thương mại hóa sách giáo khoa làm lợi cho một số người, nhưng gây thiệt hại lớn cho xã hội. “…làm giàu trên tương lai con trẻ là điều tối kỵ”, bài báo viết.

Nhiều người Việt hiện đã rất giàu so với mặt bằng thu nhập của đất nước. Thậm chí Việt Nam cũng đã có vài “tỉ phú đô la” như tính toán của một số nguồn. Đất nước có thêm người giàu là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cách nhiều người Việt chi xài hiện nay vẫn là một đề tài được quan tâm và bàn cãi. Chẳng hạn, ý tưởng dưới đây trong một bài báo đăng vào tháng 3-2022 trên Lăng kính rất đáng cho mọi người Việt suy gẫm. 

Bài báo cho biết, năm 2021, số tiền người Việt bỏ ra chỉ để nhập khẩu xe hơi lên đến 3,7 tỉ đô la Mỹ, nghĩa là vào khoảng 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động (ĐTDĐ), nguồn thu ngoại tệ lớn nhất Việt Nam (khoảng 51-57 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, những dữ liệu thật đàng sau các con số này mới là điều đáng nói hơn(10).

Theo bài báo trên, giá trị gia tăng người Việt kiếm được trong mỗi chiếc ĐTDĐ không đáng là bao so với giá bán của nó. Ngược lại, từng đô la trong số tiền người Việt phải trả cho mỗi chiếc xe hơi nhập về là công sức của nhiều đồng bào mới góm góp được. “Nói một cách ví von”, bài báo viết, “xuất ĐTDĐ là thu dùm, còn mua xe hơi là chi thật. Tương tự như việc ngân hàng hay bưu tiện thu hộ tiền điện, nước, Internet, chỉ có thể ăn một tỷ lệ phần trăm hoa hồng rất nhỏ, trong khi nếu đã đưa một chiếc xe hơi về nhà thì các sổ tiết kiệm dành dụm trong bao nhiêu năm nay sẽ ra đi. Nói nôm na, đó là xài thật”. Nếu không nhìn nhận vấn đề này theo chiều sâu, việc giảm bớt khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam vẫn “nói dễ hơn làm” như câu chuyện Tràm Chim bên trên.

Đến đây, bài viết này xin mạn phép “kết sổ” chuyên mục Lăng kính trong năm 2022. Trong năm qua, Lăng kính đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp cho các bài viết. Xin chân thành cám ơn bạn đọc gần xa. Mong rằng trong năm mới 2023, chuyên mục này sẽ tiếp tục nhận được thêm những lời nhận xét, phê bình và cả bài viết từ độc giả để Lăng kính vừa thêm gắn bó vừa góp phần gợi ý giải quyết các vấn đề của đất nước – đó vừa là một vinh dự cho tờ báo vừa là bổn phận của mọi công dân.

Chúc mừng năm mới 2023!

———

(1)https://thesaigontimes.vn/da-mo-cua-bau-troi-sao-con-phai-thi-diem-don-du-khach-quoc-te/

(2)https://thesaigontimes.vn/vua-mo-cua-du-lich-dung-mot-cai-dong-cua-duong-bang-doanh-nghiep-chiu-sao-noi/

(3)https://thesaigontimes.vn/doi-xet-nghiem-lien-mien-lieu-du-khach-co-chiu-den-viet-nam/

(4)https://thesaigontimes.vn/song-chung-covid-19-bang-do-cach-ly-con-can-thiet/

(5)https://thesaigontimes.vn/bao-gio-co-tuoc-sao-khong-ai-tra-loi/

(6)https://thesaigontimes.vn/hai-hoa-loi-ich-thi-phai-giam-thue-xang-dau/

(7)https://thesaigontimes.vn/khong-the-khong-thay-san-my-dinh/

(8)https://thesaigontimes.vn/dat-khong-lanh-lam-sao-chim-dau/

(9)https://thesaigontimes.vn/khong-lam-giau-tren-tuong-lai-con-tre/

(10)https://thesaigontimes.vn/dien-thoai-thu-dum-xe-hoi-chi-that/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới