(KTSG Online) - Sáng nay (6-11), Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Chương trình hành động số 44-CTHĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.
Tại đây, nhiều đại biểu cho biết, việc hình thành “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên các mạng xã hội, trang web là một trong những hoạt động quan trọng, đang được các đơn vị thực hiện.
- Đến năm 2030, TPHCM cơ bản hoàn thành xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh
- TPHCM kêu gọi đầu tư 23 dự án văn hóa, thể thao
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, tận dụng thế mạnh của công nghệ, ngành văn hóa và thể thao thành phố đã đẩy mạnh khai thác và tối ưu hóa không gian mạng để tuyên truyền các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, cho biết sở đã tuyên truyền trên trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo. Các bài viết, đoạn phim ngắn, infographic và các tài liệu liên quan được đăng tải, thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác và chia sẻ. Những nội dung này cũng được cán bộ, đảng viên chia sẻ trên trang cá nhân, tạo sức lan tỏa nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Thủ Đức, cho biết việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng đang được các đơn vị tích cực đẩy mạnh.
Trong đó, Trung tâm Văn hóa, Phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đã phối hợp xây dựng “Thư viện điện tử”. Thư viện này phục vụ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thiếu nhi và người dân trên địa bàn. Người dùng có thể quét mã QR để truy cập vào các đường link đọc sách miễn phí.
Ban Dân vận Thành ủy thành phố Thủ Đức cũng ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Ngành dân vận thành phố Thủ Đức học tập và làm theo Bác”. Không gian này được thiết kế trên nền tảng ứng dụng thông tin điện tử và kết nối qua internet. Người xem có thể dễ dàng truy cập và mở các nội dung của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào bất cứ lúc nào.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên không gian mạng, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất triển khai mô hình “Digital Cognition” (Nhận thức số). Mô hình này cần có sự tham gia của các nhà mạng trong việc xây dựng thông điệp, câu chuyện và kết nối với người dùng thông qua công nghệ truyền thông.
Nhiều đại biểu cho rằng, những người xây dựng nội dung cho “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên mạng xã hội và các trang web khác không chỉ cần am hiểu công nghệ mà còn phải là những "chiến binh" thực sự trong mặt trận tư tưởng ở không gian này. Về nhóm cần hướng đến, nhiều ý kiến cho rằng, đó là giới trẻ, những người hoạt động tích cực và năng động nhất trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên mạng và đề nghị mở thêm các chuyên trang, chuyên mục về lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó là số hóa và hoàn thiện cơ sở dữ liệu văn hóa của thành phố.
TPHCM có hơn 4.580 công trình, mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết các địa phương, đơn vị trên địa bàn TPHCM đã thực hiện các không gian mở nhằm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với hơn 4.580 công trình, mô hình.
Mỗi mô hình thực hiện theo cách sáng tạo của từng địa phương, đơn vị; đặc biệt một số mô hình thực hiện tại các ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn thu hút người dân tham quan, học tập. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố đã có nhiều hình thức sáng tạo bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể. Các trường học công lập trên địa bàn thành phố thực hiện nhiều mô hình thiết thực thu hút các em học sinh cùng tham gia sáng tạo và thiết kế.