Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần chiến lược bền vững cho tiến trình khởi động lại dự án điện hạt nhân

L.Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Luật điện lực (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua (nếu đủ điều kiện) trong ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (khoá XV) 30-11 tới. Tuy nhiên, dự luật vẫn còn nhiều vấn đề cần thêm thời gian để “cân lên, đặt xuống”, ví dụ như chính sách cho điện hạt nhân sắp tới.

Đề nghị tạm giữ quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Việt Nam nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng

Điện hạt nhân trở lại nhưng chưa rõ hình hài

Phải đến ngày 30-10, tức là 4 ngày sau khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội đề nghị phải đưa các dự án điện hạt nhân trở lại dự luật như một nguồn năng lượng mới. Để giải quyết các thách thức thiếu điện trầm trọng trong tương lai gần thì điện hạt nhân mới được có mặt “trở lại” trong dự luật với hình hài rõ nét hơn.

Dự thảo lần 5 Luật điện lực đưa điện hạt nhân vào điều 4 (các nguồn năng lượng mới khác) và nói rõ trong điều 5, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án điện hạt nhân thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền.

Các dự án điện hạt nhân ở góc độ an toàn, ổn định và giá thành chấp nhận được là nguồn thay thế cho năng lượng hóa thạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng bí thư Tô Lâm, với vai trò đại biểu Quốc hội, ngay trong phiên thảo luận tổ trước khi có dự thảo Luật điện lực lần thứ 5, đã nhắc lại chủ trương của Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành trung ương Đảng, nhất trí khởi động lại dự án điện hạt nhân, nghiên cứu về vấn đề này vì phát triển điện sạch phải cân đối tất cả các nguồn. Mục tiêu là đến 2025 phải đủ điện.

Các dự án điện hạt nhân không phải quá mới đối với Việt Nam. Tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), dự kiến từ năm 2020 đến năm 2030 Việt Nam sẽ đưa vào vận hành 5 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 10.700MW (sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh, chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất). Do đó, cùng với việc lựa chọn địa điểm xây dựng các dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, đã có hàng ngàn cán bộ được đi đào tạo ở nước ngoài nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, đến năm 2016, vì nhiều lý do, hai dự án điện hạt nhân phải xếp lại và không còn nằm trong Quy hoạch điện VIII (tầm nhìn đến 2050).

Nay, điện hạt nhân trở lại trong dự luật tại điều 14, khoản 5 như sau: “Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt và đảm bảo an toàn các nhà máy điện hạt nhân tuân thủ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân hiệu quả”.

Tuy nhiên, những quy định của dự luật, đặc biệt là trong Quy hoạch điện VIII đang thực hiện và chỉ còn 6 năm nữa là hết thời hạn thực hiện. Như vậy, việc đưa điện hạt nhân và cụ thể hóa vào quy hoạch chưa có sự song hành. Trong khi đó, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với xu hướng chuyển đổi xanh, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết cùng đang đến gần hơn.

Trao đổi với KTSG Online, Tiến sỹ Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội khoa học công nghệ mỏ cho rằng, dù qua 5 lần chỉnh sửa song dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) vẫn chưa khắc phục được cách làm “luật ống, luật khung”. Tức là luật phải chờ nghị định, nghị định lại phải chờ thông tư. Trong khi quy định trình ra Quốc hội đối với dự luật là phải có các văn bản hướng dẫn dưới luật trình kèm, để khi luật được thông qua thì có thể triển khai thực hiện được luôn.

Cần chiến lược bền vững hơn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng Việt Nam) khuyến nghị, việc phát triển điện hạt nhân phải tính toán chiến lược dài hạn, không nên phụ thuộc vào các vấn đề như bối cảnh thế giới, chúng ta quyết định khởi động rồi lại dừng.

Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cũng đồng tình với việc quy định cụ thể về điện hạt nhân trong Luật điện lực. Bởi nếu chỉ quy định hay hướng dẫn chung chung, triển khai ở tầm nghị định hay thông tư hướng dẫn mà không rõ thì sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ điện hạt nhân không phải là dự án “ngày một ngày hai” có thể làm được.

Ông Quân ví dụ về dự án làm điện ở Ninh Thuận cần 15 năm nghiên cứu, tính toán và chuẩn bị đầu tư mất 15 năm, từ công tác đào tạo đội ngũ, chuyên gia (chuyên gia công nghệ và chuyên gia an toàn) đến chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật.

“Nếu thời gian tới, muốn làm điện hạt nhân thì mất rất nhiều năm mới khởi động được dự án chứ không thể làm ngay một lúc. Trong luật cũng cần bổ sung các quy định về chính sách phát triển điện hạt nhân, giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường khảo sát về tiềm năng nhiên liệu hạt nhân ở Việt Nam; đồng thời giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ khảo sát về tiềm năng xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam. Các dự án điện hạt nhân ở góc độ an toàn, ổn định và giá thành chấp nhận được là nguồn thay thế cho năng lượng hóa thạch không còn nhiều ngưỡng khai thác trong tương lai nữa”, ông Quân nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới