(KTSG) - Chương trình 90 về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016-2020 đã khép lại nhưng đã giúp vạch ra những mục tiêu lớn về kiểm soát an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Nhưng ngay cả khi tỷ lệ vi phạm an toàn đã giảm xuống mức rất thấp như ở TPHCM từ đầu năm 2024, các vụ ngộ độc vẫn diễn ra.
- Lập 5 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm
- Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước hoạt động từ đầu 2024
Theo Bộ Y tế, trong chín tháng đầu năm 2024, có 111 vụ ngộ độc trên cả nước, tăng hai vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, số nạn nhân bị ngộ độc tăng hơn hai lần, số vụ có trên 30 người ngộ độc cũng tăng.
Tỷ lệ 1‰ đã là lý tưởng?
Trong phạm vi cả nước, TPHCM là nơi có dân số lớn nhất, nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống nhất.
Báo cáo Chương trình 90 của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM trong chín tháng đầu năm 2019 nói có 41.150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong đó có hơn 5.800 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; hơn 11.900 cơ sở kinh doanh thực phẩm; gần 23.400 cơ sở dịch vụ ăn uống (bao gồm bếp ăn tập thể và cơ sở thức ăn đường phố). Trong số này 75,88% số hộ, 73,44% số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP(1). Có nghĩa là các con số của thành phố cao hơn gấp đôi con số trung bình của cả nước trong năm 2019.
Trong chín tháng đầu năm 2019, 359 đoàn kiểm tra được thành lập và 20.687/41.150 cơ sở được kiểm tra, trong đó có 14.830 cơ sở đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 71,69%(2). Báo cáo không có ghi chú gì về tỷ lệ 28,31% còn lại.
Hôm 6-10 vừa qua, trong Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “An toàn thực phẩm - Sức khỏe cộng đồng” do Hội đồng Nhân dân TPHCM tổ chức, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TPHCM, cho biết trong chín tháng đầu năm, sở đã tiến hành thanh tra 56 cơ sở, xử phạt ba trường hợp với số tiền 24 triệu đồng(3).
“Số lượng vi phạm ít chứng tỏ các cơ sở cung cấp suất ăn đang làm việc nghiêm túc, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói. Bà cũng cho biết TPHCM có gần 3.000 cơ sở suất ăn công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Như vậy từ tỷ lệ vi phạm 28,31% giảm xuống tỷ lệ 3/3.000, tức 1‰, có thể được xem là nỗ lực rất lớn của thành phố trong kiểm soát ATTP.
Nhưng nguy cơ vẫn luẩn quẩn
Những báo cáo về ba vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2024 của Sở Y tế TPHCM vẫn khiến nhiều người không hoàn toàn an tâm.
Hai vụ ngộ độc tập thể tại Đại học Quốc gia TPHCM, một trường tiểu học ở Thủ Đức trong tháng 5-2024 và một trường trung học ở quận 3 trong tháng 10 vừa rồi cho thấy ngay cả khi tỷ lệ vi phạm giảm xuống ở tỷ lệ phần ngàn, nguy cơ ngộ độc vẫn còn đó.
Tình hình mua sắm và kinh doanh thực phẩm cũng thay đổi rất nhiều sau khi Chương trình 90 tạm khép lại trong năm 2020. Ngay cả khi cơ quan quan lý mong mỏi tỷ lệ 100% người dân hiểu biết, thực hành và kiểm soát, tỷ lệ tuân thủ trong thực tế vẫn là chấm hỏi rất lớn.
Trong suốt giai đoạn trong và sau Covid-19, tại TPHCM, Hà Nội và các thành phố lớn, lượng người bán đồ ăn vặt trên các nền tảng công nghệ như GoFood, GrabFood, Baemin, Shopee Food… tăng vọt, bởi các nền tảng này khuyến khích lực lượng công nhân tạm nghỉ việc, các bà nội trợ, người có khả năng nấu nướng… tham gia đưa các món nhà nấu, nhà làm lên các nền tảng. Có thể ở mức độ nấu ăn tại nhà, những đầu bếp nghiệp dư có thể đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, gia đình và người quen.
Nhưng một khi bước vào lãnh địa kinh doanh thực phẩm, tuân thủ an toàn thực phẩm trong nấu nướng và chế biến được mong chờ và quy định tiến tới mức tuyệt đối, thì đội ngũ chỉ có kinh nghiệm nấu ăn cho số ít, khoảng 5-10 người, không thể nào đảm bảo các quy định an toàn cho vài chục, đến vài trăm, rồi hàng ngàn người…
Sau khi dịch bệnh chấm dứt, đội ngũ bếp nghiệp dư trở về với công việc bình thường, một số người vẫn giữ nghề tay trái với những món vặt bán trên phố ẩm thực, phố đi bộ, quán cóc mở trước nhà… Đây chính là mối nguy từ các xe bán đồ ăn vặt trước cổng trường, xe bán xôi, bánh mì, hủ tiếu… dọc đường các quận trung tâm hay các khu văn phòng, khu công nghiệp đông người.
Thành phố hiện có ba chợ đầu mối, 224 chợ truyền thống, 97 siêu thị, trên 2.600 cửa hàng tiện lợi và hàng ngàn kênh mua sắm trực tuyến, cung cấp hơn 10.000 tấn thực phẩm các loại mỗi ngày cho hơn 10 triệu người dân và du khách. Rủi ro đối với người tiêu thụ thực phẩm và đồ uống vẫn còn rất lớn. Bởi đó là sự vận hành và phối hợp của rất nhiều khâu từ trồng trọt và chăn nuôi, bảo quản nguyên liệu, chế biến và nấu nướng, rồi các phân đoạn phân chia suất ăn, đóng gói, bảo quản và vận chuyển…
Cần nhìn nhận thực tế là ngộ độc ở các hàng quán lòng lề đường khó kiểm soát bởi lực lượng đầu bếp không chuyên nghiệp đông như quân Nguyên, nhưng tỷ lệ tuân thủ an toàn thì hên xui. Vẫn chưa có các số liệu thống kê là trong số nhân viên bếp tại các quán ăn và nhà hàng, ai là người có học các khóa về an toàn vệ sinh thực phẩm và ai có bằng cấp chuyên nghiệp về nấu ăn tại một cơ sở thương mại, kinh doanh ăn uống.
Tình hình tương tự ở các bếp ăn của doanh nghiệp hay hãng suất ăn công nghiệp. Các doanh nghiệp tự tổ chức nấu nướng thường chiếm 25%, 75% số doanh nghiệp còn lại có ký hợp đồng với các bếp ăn, công ty nấu nướng bên ngoài hay dịch vụ suất ăn.
Tài liệu của ngành y tế các tỉnh nói khoảng 60-70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến. Quản lý bếp ăn tập thể đã chủ quan trong quản lý, còn doanh nghiệp gặp “hạn chế kiến thức” trong việc lựa chọn nơi cung ứng suất ăn.
Giảm rủi ro ngộ độc đến mức thấp nhất như thế nào?
Trong một thời gian dài, sự phân định giữa người nấu bếp gia đình (home cooking) và đầu bếp tại các cơ sở thương mại, kinh doanh ăn uống (commercial cooking) như quán ăn nhà hàng và công ty suất ăn công nghiệp hầu như không có - theo lời anh Đỗ Duy Thanh, Giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty FnB Director, chuyên tư vấn và đào tạo ngành F&B.
“Người nấu bếp chuyên nghiệp cần có giấy chứng nhận đủ sức khỏe, bằng cấp tay nghề đầu bếp cùng với các chứng nhận về ATTP. Ở vị trí bếp trưởng thì cần có các chứng chỉ quản lý. Ở các công ty suất ăn, không chỉ là tay nghề của bếp trưởng hay bếp chính mà còn quy trình chặt chẽ với sự tham gia của các bếp phó, phụ bếp và công nhân trong tất cả các khâu. Đây chỉ là khâu giữa và chính yếu, trước đó là khâu mua và chuẩn bị nguyên liệu, và sau đó là khâu vận chuyển và bảo quản”, Giám đốc FnB Director nhận xét.
Ở các hãng suất ăn công nghiệp lớn, quy trình chặt chẽ hơn. Nhưng quy trình không thể là trên giấy để đối phó với các đoàn kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các vụ việc ngộ độc tại Đại học Quốc gia TPHCM hồi tháng 5 và tại Đại học Bách khoa Hà Nội tháng 10 vừa qua cho thấy các lỗ hổng rất lớn vẫn chưa được “trám” và cần được xử lý mạnh tay để phòng tái diễn.
Ngành y tế và cơ quan quản lý ở các nước phương Tây áp dụng các quy định lưu trữ nguyên liêu thô hay tươi phải tách biệt với thực phẩm đã sơ chế, chế biến sẵn để tránh ô nhiễm chéo. Tương tự là các thức ăn có sữa và nguyên liệu sữa. Chẳng hạn, Úc và New Zealand có quy tắc “2 giờ/4 giờ” rất chặt chẽ trong việc bảo đảm an toàn ở các cơ sở commercial cooking(4).
Thực phẩm giữ ở nhiệt độ từ 5-60 độ C trong thời gian dưới 2 giờ có thể sử dụng, bán hoặc cất lại vào tủ lạnh để sử dụng sau. Thực phẩm giữ ở nhiệt độ này trong thời gian 2-4 giờ vẫn có thể sử dụng hoặc bán, nhưng không được cất lại vào tủ lạnh. Thực phẩm giữ ở nhiệt độ từ 5-60 độ C trong thời gian từ 4 giờ trở lên phải được vứt bỏ.
Quy định này áp dụng cho tổng thời gian thực phẩm ra khỏi khung nhiệt độ an toàn 5-60 độ C, bao gồm thời gian chuẩn bị, lưu trữ, trưng bày và vận chuyển.
Các quy định “nghiệt ngã” này đang được áp dụng ở Singapore. Thái Lan và Malaysia cũng đang tiếp cận các tiêu chuẩn như vậy.
Đây là điều hầu như không tưởng ở Việt Nam, ngay cả ở các nhà hàng và khách sạn cao cấp trong điều kiện hiện nay khó đáp ứng, các chuyên gia ngành F&B trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Nhưng nếu tuân thủ các quy trình chặt chẽ trong tất cả các khâu nguyên liệu, nấu nướng và bảo quản tại bếp ăn gia đình, đến các nơi thương mại hay kinh doanh công nghiệp, thì con số rủi ro ngộ độc thực phẩm sẽ giảm tối đa.
(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Chuong-trinh-90-CTrPH-CP-DCTUBTWMTTQVN-bao-dam-an-toan-thuc-pham-2016-2020-308283.aspx
(2) https://ttbc-hcm.gov.vn/gan-717-co-so-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-va-dich-vu-an-uong-dat-chuan-an-toan-thuc-pham-362.html
(3) https://atvstp.org.vn/an-toan-thuc-pham-luon-tiem-an-nguy-co-mat-an-toan
(4) https://www.foodstandards.gov.au/sites/default/files/2023-10/2hour4hour_Final.pdf
Những nông dân chính hiệu cho biết, gà vịt nuôi đồng hiện không nhiều. Nhưng nuôi theo kiểu “siêu tốc” là không ít. Chỉ cần vài tuần là có thể xuất chuồng ngay, do được chăm bẳm bằng những thức ăn tăng trọng “đặc biệt”. Trong khi nuôi đồng có khi phải vài tháng mới có thể xuất bán. Thực tế này thực sự đáng sợ. Cho thấy cho thấy nguy cơ rủi ro an toàn thực phẩm đã bắt đầu xuất hiện ngay từ khi tiến hành khâu chuẩn bị nuôi trồng/ canh tác… chứ không đợi đến khi thu hoạch/ phân phối/ chế biến/ lên bàn ăn… của dân ta. Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, lâu nay dường như mới chỉ chú ý quản “phần ngọn”, trong để giám sát được “phần gốc” sẽ phải như thế nào ? Quả thực đáng lo !