(KTSG) - Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV kết thúc với một dấu ấn trong công tác lập pháp. Theo định hướng của Đảng, tư duy làm luật đã chuyển sang luật khung thay vì luật chi tiết, nhằm đảm bảo tính ổn định, có giá trị lâu dài của luật cũng như sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, địa phương.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 vào sáng 21-10 -2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó yêu cầu Quốc hội đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Cụ thể là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
Định hướng của Đảng ngay lập tức được cập nhật vào cách thiết kế các dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, tính nguyên tắc, tính khung của các luật được ưu tiên, thay vì tính chi tiết và cụ thể. Bằng chứng là, số lượng các chương, điều, khoản trong các dự thảo luật đã giảm đáng kể so với dự thảo ban đầu do Chính phủ trình. Ví dụ, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giảm 2 chương, 3 điều và 5 khoản; dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) giảm 49 điều; dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) giảm 36 điều; dự thảo Luật Nhà giáo giảm 21 điều; dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm 9 điều; dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn giảm 6 điều; dự thảo Luật Dữ liệu giảm 5 điều...
Thước đo hiệu quả cuối cùng là chất lượng của quy định pháp luật, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đó sẽ là câu trả lời cuối cùng cho kết quả cải cách hiện nay.
Yêu cầu Đảng đưa ra rất rõ ràng: tư duy mới của việc làm luật đi theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng tầm và trao quyền cho Chính phủ ban hành các quy định chi tiết nhằm bảo đảm linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong một bối cảnh nhiều biến động, cần phản ứng nhanh và linh hoạt, định hướng này là phù hợp với thực tiễn ngắn hạn. Nhưng luật khung, luật mang tính nguyên tắc sẽ không thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, bởi phải chờ nghị định, chờ thông tư hướng dẫn thì người dân, doanh nghiệp mới có thể thực thi được.
Luật khung đặt ra gánh nặng lớn cho Chính phủ và các bộ, ngành trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Không khó để thấy rằng, khối lượng văn bản cần ban hành để hướng dẫn thực thi 18 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua là rất lớn, đòi hỏi nguồn lực và thời gian đáng kể của Chính phủ cũng như các bộ, ngành. Trong khi đó, thực tế đã chỉ ra rằng, không ít lần tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn không theo kịp yêu cầu triển khai của luật, dẫn đến tình trạng “luật chờ nghị định”, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi, người dân, doanh nghiệp và làm giảm hiệu quả của chính sách.
Cùng thời điểm này, các cấp, các ngành từ trung ương tới cơ sở đang dồn lực triển khai cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy - nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Một số bộ, ngành sẽ cấu trúc lại tổ chức hoặc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ. Điều này có thể gây gián đoạn trong việc ban hành văn bản hướng dẫn các luật mới. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhân sự có thể khiến việc tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ mới gặp khó khăn, đặc biệt khi khối lượng công việc hiện tại đã rất lớn. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng và điều phối hợp lý, nguy cơ “ngắt quãng công việc” là hoàn toàn có thể xảy ra.
Rủi ro tiếp theo là kiểm soát việc cài cắm lợi ích, kiểm soát giấy phép con từ chính cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản hướng dẫn luật. Các thảo luận tại Trung ương Đảng nhiều lần nhắc đến việc cài cắm chính sách - trong đó hiện tượng trực tiếp tác động nhiều nhất đến doanh nghiệp, làm xấu môi trường kinh doanh là “giấy phép con”, “giấy phép cháu”. Và “địa chỉ” tạo ra các thể loại “giấy phép con, cháu” phiền nhiễu doanh nghiệp, người dân lại xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực - vốn là nơi được Chính phủ giao quyền trực tiếp dự thảo nghị định hướng dẫn.
Cuối cùng, nhìn từ phía các bên có lợi ích liên quan trong quá trình xây dựng nghị định, thông tư, “cánh cửa” tham gia góp ý kiến và được lắng nghe ở cấp “dưới luật” hẹp hơn rất nhiều so với cơ hội tham gia trong tiến trình làm luật. Nguyên nhân thì có cả vấn đề kỹ thuật khách quan và rào cản do cơ quan trực tiếp soạn thảo văn bản hướng dẫn luật dựng lên. Thời hạn góp ý thông thường cho một nghị định là 60 ngày, ít hơn rất nhiều so với luật (thông thường từ giai đoạn lập hồ sơ luật đến thông qua là hai năm). Không loại trừ cả trường hợp nhiều nghị định ban hành theo thể thức rút gọn, được phép bỏ qua giai đoạn lấy ý kiến, thì cơ hội được biết, được góp ý của doanh nghiệp, người dân càng hẹp hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan soạn thảo có thể hạn chế sự tham gia của các bên có lợi ích liên quan bằng việc chỉ công bố một dự thảo duy nhất, không tổ chức hội thảo, diễn đàn lấy ý kiến rộng rãi... Điều này khiến cơ chế tham gia, góp ý, giám sát từ bên ngoài với tiến trình xây dựng quy định chi tiết bị giảm hiệu quả đi rất nhiều - đồng nghĩa là rủi ro cài cắm lợi ích, rủi ro tham nhũng chính sách sẽ tăng lên.
Cần phải khẳng định, định hướng làm luật theo hướng quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, và trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trong bối cảnh ngắn hạn là phù hợp. Nhưng, việc hiểu rõ những khó khăn như nêu trên sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ và các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, người dân, có các biện pháp và cơ chế phòng ngừa rủi ro.
Ví dụ, Quốc hội cần tăng cường yêu cầu các ủy ban chuyên môn giám sát quá trình xây dựng nghị định, đảm bảo rằng ý chí và định hướng của đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho đa dạng lợi ích của các nhóm cử tri khác nhau, được truyền tải và duy trì trong văn bản hướng dẫn. Quốc hội và Chính phủ đảm bảo rằng cơ chế lấy ý kiến các bên liên quan được thực hiện nghiêm túc để mở rộng “cửa” tham gia ý kiến và giám sát việc cài cắm lợi ích. Các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức đại diện ý kiến người dân cần năng động và tích cực hơn trong tiến trình xây dựng nghị định, thông tư để đảm bảo thông tin rộng rãi tác động của quy định đến các nhóm lợi ích mà mình đại diện; từ đó tăng cường tiếng nói tham gia chính sách của các nhóm này.
Trong mọi cải cách, trong mọi cách làm mới đều sẽ tạo ra những thách thức lẫn cơ hội mới. Cải tiến lập pháp trong bối cảnh rất cụ thể và ngắn hạn hiện nay - cũng tạo ra những động lực và cơ hội như vậy. Thước đo hiệu quả cuối cùng là chất lượng của quy định pháp luật, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đó sẽ là câu trả lời cuối cùng cho kết quả cải cách hiện nay.
Đa đoan hay cực đoan ? Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng luật phải cụ thể, chi tiết để có hiệu lực thi hành ngay, khỏi chờ nghị định/ thông tư/ hướng dẫn… quá mất thời gian, thiếu đồng bộ. Nay lại đòi hỏi lập pháp chỉ tạo “khung”, còn “hình” thì để hành pháp vận dụng, linh hoạt, tùy nghi… ? Thực tế cho thấy, cả hai nhánh lập pháp/ hành pháp ở ta đều chưa đạt đến mức tối ưu hóa/ chuyên môn hóa chức năng/ nhiệm vụ/ quy trình ban hành và thực thi luật. Luật là để thực thi thống nhất, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, chứ không phải làm ra để… tiếp tục ngâm cứu ? Bởi vậy, ở các nước, trừ những luật căn bản, còn lại đâu quá cầu toàn, khi cần chỉ tập trung xử lý một/ vài vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra, theo kiểu fast-fact, thậm chí luật còn cho phép mang tên để ghi danh sáng kiến người đề xuất. Vậy nên bản thân luật không có lỗi. Lỗi ở cách làm và cách thực thi, sao cho đi nhanh và đi thẳng vào thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng của dân và mục tiêu phát triển đất nước. Chủ trương tinh gọn tổ chức, tăng cường hiệu năng bộ máy, cũng là giải pháp căn bản để xử lý mâu thuẫn đang đặt ra trong quá trình ban hành và thực thi luật pháp hiện nay.