Thứ năm, 5/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủy sản ĐBSCL: phía sau hàng tỉ đô la xuất khẩu là môi trường nuôi xuống cấp

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để tạo ra khoảng 6 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm, lĩnh vực thủy sản nuôi, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đẩy mạnh sản xuất để tạo nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, điều này đang đặt ra vấn đề cần phải thay đổi vì những tác động xấu đang xảy ra đối với ngành hàng chủ lực này.

Môi trưởng nuôi thủy sản ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả nuôi của người nông dân. Ảnh: Trung Chánh

Hai loại thủy sản nuôi chủ lực ở ĐBSCL là tôm và cá tra có tổng diện tích sản xuất hàng năm khoảng 745.700 héc ta, với sản lượng đạt khoảng 2,6-2,7 triệu tấn. Trong số này diện tích nuôi tôm đạt khoảng 740.000 héc ta, sản lượng khoảng 1 triệu tấn và còn lại là cá tra. Tuy nhiên, mặt trái đang xảy ra, đó là môi trường nuôi xuống cấp, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người nông dân.

Người nuôi mắc kẹt trong rủi ro ngày càng lớn

Trao đổi với KTSG Online, ông Út Lo (Triệu Xuân Hoà), ngụ xã Hoà Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nói, nuôi tôm bây giờ như đánh bạc vì “năm ăn, năm thua” do chất lượng môi trường nước suy giảm, dịch bệnh gia tăng khiến tỷ lệ nuôi thành công thấp. Nếu như chục năm trước “làm chơi ăn thật”, thì vài năm trở lại đây, dù chuẩn bị ao nuôi, con giống rất kỹ nhưng vẫn bị “gãy” (thua lỗ), ông cho biết.

Ông Trần Duy Phong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tép Bạc nêu con số cho thấy, thực trạng ngành tôm đối mặt với rủi ro rất lớn khi tỷ lệ nuôi thành công chỉ khoảng 40%, tức có 10 ao nuôi, thì hết 6 ao thất bại. “Người nuôi tôm đang mắc kẹt trong rủi ro quá lớn, trong khi xu hướng phát triển nuôi tôm mật độ ngày càng cao hơn”, ông nói.

Còn với ngành hàng cá tra, dù mức độ thiệt hại thấp hơn so với con tôm, nhưng đã có không ít hộ nuôi ở Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp đã không cầm cự được phải rời cuộc chơi vì thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ xã Tân Hoà, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, đã lấp ao, quay trở lại sản xuất lúa vì hết vốn, sau nhiều vụ liên tiếp cá nuôi gặp dịch bệnh hoặc giá cả quá bấp bênh. “Nguyên nhân chính xác mình không rõ, nhưng cá chết, hết vốn phải ngưng”, ông nói.

Báo cáo của Cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, khu vực ĐBSCL có 120 điểm quan trắc phục vụ phát triển nuôi cá tra, trong đó, có 36 điểm được đơn vị này phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện.

Kết quả quan trắc cho thấy, một số điểm vùng nuôi có hàng lượng độ kiềm, DO (Dessolved Oxygen- là lượng oxy hòa tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp), N-NH4+ (chất có thể ức chế sinh trưởng của thủy sản) TSS (Total suspended solids - tổng chất rắn lơ lửng)… nằm ngoài giá trị cho phép theo TCVN 13952:2024 với tỷ lệ tương ứng 3%, 17%, 2% và 15%.

Trước vấn đề nêu trên, Cục thủy sản đang xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam “nước nuôi trồng thủy sản: nuôi cá tra thâm canh - yêu cầu chất lượng”, dự kiến được thẩm định và ban hành vào cuối năm nay.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, cần có chương trình đánh giá tổng thể các vùng nuôi thủy sản vì môi trường là yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân. “Đây là gợi ý của tôi để chúng ta có thể thực thi quy định chặt chẽ hơn”, ông cho biết.

Muốn vậy, theo ông Hoè, Cục thủy sản cần ban hành tiêu chí thẩm định để triển khai ở cấp địa phương nhằm giúp Trung ương có cách điều hành tốt hơn. “Tăng cường sự tham gia của nông dân để họ biết mình đang làm tốt như thế nào, có những điểm nào chưa ổn để có thể thúc đẩy thực hành tốt hơn tại vùng nuôi”, ông cho biết.

Quy hoạch lại vùng nuôi kết hợp công nghệ sẽ giúp giải quyết vấn đề ngành thủy sản?. Ảnh: Trung Chánh

Quy hoạch lại vùng nuôi, đưa công nghệ quản lý là giải pháp?

Để giúp ngành thủy sản phát triển bền vững, tránh được những rủi ro phát sinh cho khu vực nuôi, vấn đề quan trọng được doanh nghiệp đề xuất là cần quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản theo hướng hiện đại hơn.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú đề xuất, cần phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi và ngành tôm ĐBSCL theo hướng tiếp cận thuận thiên. Trong đó, việc quy hoạch phải dựa trên "nền tảng" tận dụng, thích ứng với với hệ thống thủy lợi đã được đầu tư cho mục đích phục vụ phát triển sản xuất lúa trong quá khứ, chứ không phải phá bỏ xây mới hoàn toàn vì sẽ tốn rất nhiều nguồn lực đầu tư.

Từ định hướng nêu trên, theo ông Quang, thứ nhất với mô hình tôm rừng, dọc theo bờ biển, với phạm vi cách đường biển từ 0-10 km quy hoạch trồng rừng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, trong đó, diện tích rừng đạt từ 50% trở lên và còn lại là diện tích mặt nước nuôi tôm.

Thứ hai, quy hoạch và chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả thành vùng nuôi tôm công nghiệp, tức vùng ngọt hoá để sản xuất lúa trước đây nhưng không còn hiệu quả, thì quy hoạch lại thành vùng nuôi tôm công nghiệp, với quy mô mỗi khu từ 300-10.000 héc ta, có hệ thống đường cấp nước từ biển vào.

Thứ ba, cải tạo lại các khu nuôi tôm công nghiệp và tôm công nghệ cao để tăng diện tích nuôi đạt tỷ lệ 60-70%, thay vì chỉ 30-40% như hiện nay.

Ngoài ra, “vua tôm” Minh Phú cũng đề xuất quy hoạch những vùng mặn quanh năm thành khu vực nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến theo mô hình của Ecuador, với quy mô mỗi ao rộng 7-10 héc ta, thả với mật độ vừa sức tải môi trường, tức 30-50 con/m2, có hệ thống cấp và và thoát nước riêng.

Còn với mô hình tôm - lúa, áp dụng sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và thả nuôi tôm sú trong mùa khô, tuy nhiên, cần quy hoạch mỗi ao rộng 7-10 héc ta để xây dựng hệ thống cấp và thoát nước riêng. Điều này, sẽ giúp giảm chi phí, có thể tăng doanh thu và lợi nhuận 5-10 lần so với mô hình cũ.

“Đồng thời, tôi cũng có ý tưởng, mỗi tỉnh nuôi tôm trong vùng ĐBSCL nên quy hoạch thành các khu phức hợp, trong đó, bao gồm khu công nghiệp nuôi tôm, khu chế biến, khu công nghiệp phụ trợ và khu đô thị dân cư tiện ích phục vụ đời sống cho người dân cũng như cung cấp lực lao động cho vùng nuôi tôm và nhà máy chế biến”, ông Quang gợi ý.

Trong khi đó, ông Phong của doanh nghiệp Tép Bạc cho rằng, để giải quyết vấn đề của ngành thủy sản, công nghệ là yếu tố có tính chất quyết định rất lớn. Bởi lẽ, các thiết bị IoT (thiết bị vật lý kết nối internet vạn vật) để theo dõi và xây dựng dữ liệu liên tục cho ngành thủy sản, qua đó, hỗ trợ cho người nông dân đưa ra quyết định tốt nhất.

Tuy nhiên, bà Đặng Thị Hoàng Oanh, Giảng viên cao cấp Trường thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, đối với trại nuôi có thể lắp đặt cảm biến đo lường chỉ số nước, tức có thể quản lý được môi sống của thủy sản. Thế nhưng, con giống nằm "ngoài tầm kiểm soát" chất lượng của nông dân. “Khi tôi làm việc với phòng xét nghiệm ở Cần Thơ được biết không ít mẫu giống nông dân gửi lên kiểm nghiệm chứa rất nhiều mầm bệnh ở trong đó”, bà dẫn chứng và đề xuất, đây là vấn đề cần có sự vào cuộc giải quyết ở cấp cao hơn.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản cho rằng, cải thiện môi trường thủy sản vẫn là vấn đề “cốt lõi” để kiểm soát mầm bệnh. “Nhưng đây là cách thức tiếp cận dài hơi, không phải nay, mai có thể hoàn thành”, ông nhấn mạnh.

Rõ ràng, để giải quyết vấn đề của ngành thủy sản, cần được thực thi ở một bài toán tổng thể, bao gồm quản lý tốt môi trường nuôi, con giống, hoá chất kháng sinh, thậm chí đưa công nghệ vào để hỗ trợ việc thực thi nhanh và hiệu quả hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới