(KTSG Online) - Những ý kiến cũng như cách làm du lịch gắn với nông thôn trên thế giới được chia sẻ tại hội nghị quốc tế diễn ra ngày 10-12 cho thấy, mô hình này chỉ có thể phát triển bền vững khi vừa giúp cộng đồng xây dựng và cải thiện sinh kế, vừa tạo nên mối liên hệ sâu sắc giữa con người, môi trường xung quanh và văn hóa bản địa.
- Du lịch Quảng Nam 'khơi chuyện' để tiếp cận du khách hiệu quả
- Khám phá ba ‘làng du lịch tốt nhất thế giới’ tại Việt Nam
Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức bên cạnh Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism, trao chứng nhận Làng Du lịch Tốt nhất Thế giới cho làng rau Trà Quế ở Hội An và khảo sát du lịch nông thôn từ ngày 9 đến 11-12-2024 tại Quảng Nam.
Phong trào du lịch nông thôn trên thế giới
Du lịch tại vùng nông thôn, du lịch gắn với phát triển nông thôn, du lịch dựa trên cộng đồng địa phương hay làng du lịch là những cụm từ được các nhà quản lý và chuyên gia du lịch trên thế giới sử dụng để ám chỉ du lịch nông thôn đang được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng thư ký của UN Tourism, dẫn báo cáo của tổ chức này cho biết các vùng nông thôn, nơi có đến 84% người dân sống trong cảnh nghèo đói, đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Những khoảng cách về cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận dịch vụ và cơ hội việc làm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tuy nhiên, những cộng đồng này cũng giàu truyền thống văn hóa bản địa, đa dạng sinh học cũng như giàu tài nguyên, môi trường.
“Du lịch có thể khai thác những lợi thế này để góp phần đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn, kết nối du lịch với nông nghiệp, nâng cao vị thế của phụ nữ và thanh thiếu niên, đồng thời thu hút các khoản đầu tư. Vì vậy, thông qua phát triển mạnh vào du lịch nông thôn, chúng tôi mong muốn cải thiện sinh kế của cộng đồng trong khi vẫn bảo tồn được kho báu văn hóa và môi trường của họ”, bà Urosevic cho biết.
Bà cũng chia sẻ thêm trong thời gian qua đã có những chuyển đổi lớn trong du lịch gắn với phát triển nông thôn tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ La Tinh và châu Phi.
Liên minh du lịch Horsburgh Atoll (gọi tắt là HATA) tại quốc đảo Maldives là ví dụ. HATA ra đời vào cuối năm 2020, tập hợp các doanh nhân kinh doanh nhà nghỉ và homestay tại khu vực quần đảo san hô Horsburgh Atoll giúp các thành viên khôi phục kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ông Munim Anees, Bộ trưởng Du lịch của Maldives, cho hay HATA hướng đến phát triển mô hình du lịch ưu tiên khả năng phục hồi của cộng đồng và thúc đẩy quản lý môi trường. Họ bắt đầu hợp tác quản lý và tiếp thị điểm đến. Các thành viên không chỉ giúp du khách trải nghiệm du lịch trên các đảo mà còn hỗ trợ người dân trên đảo cải thiện sinh kế thông qua cung cấp dịch vụ giàu bản sắc địa phương cho khách lưu trú.
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch mang lại sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững ở các vùng nông thôn và ngày càng được quan tâm, ông Gürdal Bozkurt, chuyên gia về văn hóa và du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay. Ông nói thêm trên thế giới và ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ, các làng mạc, khu vực nông thôn và thị trấn gần các đô thị du lịch dần trở nên quen thuộc với khách du lịch trong những năm gần đây.
Du lịch nông thôn đem đến cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương nhưng theo ông nếu các hoạt động du lịch nông thôn không được tổ chức hợp lý, chúng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn đối với môi trường, cấu trúc xã hội và văn hóa bản địa.
Vì vậy, từ năm 2007, Bộ Văn hóa và Thể thao Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác cùng UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc) phát triển 3 mô hình, bao gồm du lịch nông thôn, du lịch văn hóa và du lịch mùa đông.
Trong khi đó, ông Ali Nurman, Cục trưởng Cục Quản trị điểm đến, Bộ Du lịch Indonesia, cho hay tiềm năng của du lịch làng quê và du lịch thiên nhiên ở Indonesia có thể được nhìn thấy từ số lượng làng du lịch trải dài trên khắp các đảo với con số gần 2.000. Ngành du lịch Indonesia thúc đẩy các điểm tham quan thiên nhiên nông thôn, các hoạt động địa phương, biểu diễn văn hóa, hoạt động trải nghiệm, lòng hiếu khách của cư dân, văn hóa ẩm thực…
Khi dân làng nhận ra rằng thiên nhiên, hoạt động văn hóa và ẩm thực của làng hấp dẫn du khách, họ sẽ thay đổi nhận thức. Nếu hoạt động này tạo ra thu nhập bền vững, cộng đồng sẽ hành động để bảo vệ điểm đến, ông nêu quan điểm của mình.
Du lịch nông thôn là xu thế tại Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay việc UN Tourism đang mở rộng triển khai Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
“Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng đó là “phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chia sẻ.
Trong thời gian qua nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đa dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên.
Trong đó, nhiều làng du lịch đã được công nhận theo tiêu chí ASEAN như làng Tân Hóa (Quảng Bình), Thái Hải (Thái Nguyên) và mới đây là làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh là Làng du lịch tốt nhất.
Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.
Theo ông, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ trong quá trình thay đổi diện mạo, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển trở thành “vùng quê đáng sống”.
Tại Quảng Nam, du lịch nông nghiệp - nông thôn bắt đầu hình thành từ những năm 2000 và phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết địa phương trong tỉnh với 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê.
Một số điểm đến nổi bật như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, làng mộc Kim Bồng (TP Hội An), làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang)… Ước tính có hơn 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
“Cùng nhau, chúng ta có thể khai thác du lịch như một công cụ thúc đẩy công bằng, bền vững và trao quyền, đảm bảo tương lai tươi sáng hơn cho các vùng nông thôn trên khắp mọi nơi”, vị Phó Tổng thư ký UN Tourism chia sẻ.