(KTSG) - Canh tác bền vững không chỉ là một giấc mơ xa vời, mà đã trở thành những giải pháp thực tiễn giúp nhà nông nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhờ áp dụng các phương pháp bền vững và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, người làm nông ở một số nơi đang chứng kiến những thay đổi lớn trên cánh đồng và trong chính cuộc sống của họ.
- Thí điểm thành công hệ thống dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR
- Phân Bón Cà Mau ra mắt AI tính năng chẩn đoán sâu bệnh trên ứng dụng 2Nông
Trong nhiều năm qua, những thói quen như đốt rơm rạ sau vụ mùa, lạm dụng phân bón hóa học cùng thuốc trừ sâu... bắt đầu có thay đổi. Ngày càng có nhiều nông dân chuyển sang áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, như tái chế rơm rạ làm phân hữu cơ (compost), trồng nấm và giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Kết quả thu được rất khả quan, cả về mặt kinh tế lẫn môi trường.
Sự chuyển dịch hướng tới nông nghiệp bền vững
Chia sẻ tại một cuộc hội thảo về đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt rơm rạ lộ thiên đối với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học ở Việt Nam diễn ra tại TPHCM, ông Nguyễn Thanh Hà, một nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đã nói rõ hơn về sự chuyển mình này.
Sau khi tham gia lớp tập huấn nông nghiệp địa phương, thay vì đốt rơm rạ sau mùa vụ thu hoạch, ông Hà đã sử dụng rơm rạ thu gom từ cánh đồng để trồng nấm hữu cơ trong nhà kính. Với khoản đầu tư 200 triệu đồng, một phần được tỉnh hỗ trợ, ông đã xây dựng tám nhà kính, mỗi nhà kính có diện tích 24 mét vuông.
Nỗ lực của ông đã được đền đáp. Với chất lượng nấm hữu cơ sạch và ngon, ông Hà đã có được nhiều đầu mối đặt hàng ổn định. “Chỉ sau hai năm, tôi đã hoàn vốn và bắt đầu có lời”, ông Hà chia sẻ. Với trung bình 70 ki lô gam nấm thu hoạch được mỗi tháng và bán với giá 100.000 đồng mỗi ki lô gam, mỗi nhà kính mang lại cho ông Hà khoảng 3 triệu đồng lợi nhuận. Tổng thu nhập hàng tháng của ông Hà đã tăng gấp đôi so với khi canh tác lúa.
Một dự án thí điểm tại đồng bằng sông Cửu Long đang chứng minh tiềm năng của các sản phẩm sinh học trong việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Với việc ứng dụng các sản phẩm sinh học, rơm rạ có thể phân hủy trong vòng 14-15 ngày, giúp nông dân giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Đồng thời, phương pháp này còn cải thiện chất lượng đất nhờ bổ sung phốt pho, nitơ và carbon hữu cơ.
Theo PGS.TS. Đinh Văn Phúc, trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), phương pháp này đã mang lại lợi nhuận cao hơn, giúp nhà nông thu về thêm 4 triệu đồng trên mỗi héc ta canh tác.
Ông Phúc đã chia sẻ những kết quả này tại một hội thảo ở TPHCM, tập trung vào việc giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt rơm rạ đối với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Dự án này là minh chứng cho việc các phương pháp canh tác bền vững có thể biến chất thải thành giá trị, đồng thời mang lại lợi ích cho môi trường.
Tại Tây Nguyên, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đang hợp tác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế như Rainforest Alliance, Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP) triển khai các mô hình về canh tác hồ tiêu, cà phê bền vững trên cơ sở quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). HTX này đã áp dụng các quy trình, kỹ thuật canh tác theo các tiêu chuẩn mới và đạt chứng nhận như RA, USDA.
Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Đoàn Kết, cho biết nhờ áp dụng các quy trình canh tác theo phương thức IPM, vườn cây phát triển khỏe, ít bệnh, năng suất tuy không cao đột biến nhưng duy trì được sức bền nhiều năm, tránh được tình trạng năm mất mùa, năm được mùa.
Hơn nữa, quản lý dịch hại tổng hợp thì đất sẽ hầu như không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học, sâu bệnh ít xuất hiện, khi xuất hiện thì HTX chống bằng các biện pháp hữu cơ, sinh học, không để lây lan ra diện rộng, ông nói thêm.
Phương pháp này không chỉ đảm bảo năng suất lâu dài mà còn tăng giá trị thị trường. Cà phê và hồ tiêu do HTX sản xuất có giá cao hơn khoảng 4.000 đồng mỗi ki lô gam so với mức giá trung bình trên thị trường nhờ chất lượng vượt trội. Dù có giá cao, các sản phẩm này lại dễ bán hơn, chứng tỏ sự ưa chuộng ngày càng tăng của thị trường đối với các sản phẩm canh tác bền vững.
Từ phòng thí nghiệm ra ngoài cánh đồng
Canh tác bền vững không phải là một khái niệm trừu tượng hay mục tiêu không thể đạt được; nó bắt đầu từ những bước đi nhỏ, thực tế và sự sẵn sàng chấp nhận thay đổi. Tuy nhiên, để làm cho nông nghiệp bền vững dễ tiếp cận đối với nông dân, cần có sự nỗ lực phối hợp từ tất cả bên liên quan để thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới khoa học và các phương thức canh tác truyền thống.
Sự chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững bắt đầu từ việc vượt qua các rào cản về kiến thức và tư duy của nông dân. Khi những rào cản này được giải quyết, việc áp dụng các phương pháp sáng tạo và bền vững trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chuyển đổi này là trọng tâm chính của dự án EPP - Việt Nam - một nỗ lực hợp tác giữa GAHP cùng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh. Chương trình nhấn mạnh việc chuyển giao kiến thức từ các phòng thí nghiệm nghiên cứu ra thực tế, hướng dẫn nông dân thay thế những phương thức gây hại cho môi trường bằng các phương pháp bền vững.
Một yếu tố quan trọng của chương trình là giáo dục nông dân và cộng đồng về những tác động tiêu cực của các phương thức như đốt rơm rạ và sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu. Đốt rơm rạ, phương pháp phổ biến để dọn ruộng, gây hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe trẻ em, trong góp phần vào biến đổi khí hậu.
Việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, thường được cho là giúp tăng năng suất cây trồng và chất lượng đất, thực tế lại làm suy giảm chất lượng đất theo thời gian. Như TS. Petr Sharov, Điều phối viên Khu vực của GAHP, giải thích chỉ khi xã hội hoàn toàn nhận thức được tác hại của những phương pháp này, chúng ta mới có thể bắt đầu loại bỏ chúng.
Theo TS. Đinh Văn Phúc, việc chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững không chỉ đòi hỏi các giải pháp sáng tạo mà còn cần có truyền thông hiệu quả và công nghệ dễ tiếp cận. Các giải pháp phải đơn giản, dễ triển khai và có khả năng xử lý rơm rạ một cách nhanh chóng mà không làm gián đoạn các phương thức canh tác truyền thống. Việc chứng minh rõ ràng lợi ích kinh tế và thực tiễn là rất quan trọng để có được sự tin tưởng và tham gia của nông dân. Khi nông dân nhận thấy lợi ích kinh tế và hiệu quả của các phương pháp mới, họ sẽ có xu hướng áp dụng các phương thức canh tác bền vững, ông Phúc nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ dự án, hàng ngàn nông dân tại các tỉnh như An Giang, Trà Vinh, Đồng Nai và Ninh Bình đã được đào tạo về các rủi ro môi trường và sức khỏe từ việc đốt rơm rạ và sử dụng thuốc trừ sâu quá mức. Họ đã được giới thiệu các phương pháp thay thế như ủ rơm rạ làm phân, sử dụng rơm rạ làm chất trồng nấm, biến rơm thành thức ăn gia súc, áp dụng sản phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ hiệu quả và giảm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
“Trong một số trường hợp, nhóm nghiên cứu phải đến trực tiếp các trang trại để trao đổi với nông dân, điều này đặc biệt khó khăn đối với những nông dân không biết chữ”, TS. Phúc chia sẻ. Mặc dù vậy, nhiều nông dân vẫn còn e ngại, lo sợ thu hoạch kém nếu từ bỏ các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, sự hoài nghi này đã dần tan biến khi họ chứng kiến những thành công từ các nông hộ xung quanh.
Những nỗ lực này đã bước đầu đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, như tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường. Các nông dân áp dụng phương pháp này ghi nhận năng suất cao hơn và chất lượng nông sản vượt trội, khẳng định giá trị kinh tế và môi trường của nông nghiệp bền vững.
Sự thành công của các sáng kiến như vậy không chỉ phụ thuộc vào các công nghệ và phương thức canh tác mà còn vào việc thay đổi tư duy và tạo dựng sự hiểu biết thông qua truyền thông rõ ràng và kết quả có thể chứng minh được.
Với sự hỗ trợ đúng đắn và bằng chứng về kết quả tích cực, nông nghiệp bền vững có thể chuyển từ một ngoại lệ thành chuẩn mực. Bằng cách trao quyền cho nông dân với những công cụ và kiến thức cần thiết, Việt Nam đang tiến những bước quan trọng hướng tới một ngành nông nghiệp xanh và bền vững hơn.