Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện chiếc ti vi và tấm lòng người thầy

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - VnExpress (13-12) có bài: “Thầy cô góp tiền sắm ti vi dạy học”, kể về hơn 30 giáo viên trường Tiểu học Tân Quới 2 (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) góp tiền sắm ti vi dạy học, không kêu gọi đóng góp vì cuộc sống của người dân còn khó khăn.

Hầu hết đội ngũ nhà giáo giàu lòng tự trọng, sống mẫu mực. Biết kích hoạt, gom năng lượng tích cực sẽ làm được nhiều điều có ích cho trường, lớp. Ảnh minh họa.

Thầy hiệu trưởng trường này cho biết, bắt đầu từ năm 2020, một số giáo viên trong trường đã tự bỏ tiền túi mua ti vi để giảng bài sinh động hơn. Nhiều giáo viên khác cũng muốn nhưng chưa có điều kiện về kinh tế. Ban giám hiệu cùng công đoàn trường bàn bạc, đi đến thống nhất, lập quỹ. Hàng năm, mỗi giáo viên của trường góp từ 500.000-1.000.000 đồng. Cuối năm, trường chọn một số thầy cô nhận tiền, sắm ti vi mới. Cứ vậy, đến nay đã có 18 trong 21 lớp sắm được ti vi.

Là nhà giáo, tôi trân trọng việc làm của quý đồng nghiệp. Trong điều kiện ngân sách trường eo hẹp, vận động phụ huynh đóng góp chưa thuận lợi, mà nhu cầu dạy học cần thiết bổ sung nhanh thiết bị dạy học. Giáo viên đồng lòng đóng góp mua ti vi hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, giúp học trò biết, hiểu, vận dụng tích cực hơn, nhanh hơn, thể hiện lương tâm, trách nhiệm nhà giáo, một biểu hiện thiết thực “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Hầu hết đội ngũ nhà giáo giàu lòng tự trọng, sống mẫu mực. Biết kích hoạt, gom năng lượng tích cực sẽ làm được nhiều điều có ích cho trường, lớp. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, các đoàn thể trong nhà trường giữ vai trò quan trọng. Lãnh đạo trường nêu gương sáng về phẩm chất, khát vọng, cống hiến, bao dung, quyết đoán, đổi mới, sáng tạo. Hành trình đó, tuyệt đối đúng, song không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi gặp lực cản cường độ lớn. Điều quan trọng là cán bộ quản lý của trường chắc mục tiêu, thông quy định (quy chế chuyên môn, các thông tư, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ...), trên cơ sở đó vận dụng thích hợp.

Lời chia sẻ sâu sắc của ông Nguyễn Hữu Thuận, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình, ông rất trân trọng những đóng góp và tấm lòng của thầy cô, song, không khuyến khích nhân rộng việc “thầy cô góp tiền sắm ti vi” ra các trường khác! Vâng, tôi hiểu, trong quản lý phải có “đầu lạnh”. Bởi, chỉ một giáo viên phản đối, “đơn đi”, “thanh tra về”, “nội dung tố cáo là đúng”, hiệu trưởng lúc bấy giờ...

Nhân rộng cách nghĩ về tấm lòng thầy cô, còn cách làm cụ thể thì tùy từng trường, mỗi địa phương. Chung tay để học sinh có giờ học tích cực, tươi vui, hiệu quả - nên lắm chứ! Dạy người, việc nhân văn sẽ tạo tác động lớn.

Không vì trường hay giáo viên gặp khó mà đơn giản hiểu, tùy tiện thực thi chế độ ưu tiên. Mới đây, tại trường Tiểu học - THCS xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), có giáo viên không biết dùng máy tính, chuyên môn yếu, đã thuê người dạy thay, trường vẫn chấp nhận. Lãnh đạo trường để tình trạng đó xảy ra... sai to! Không nắm quy chế chuyên môn, vụng quản trị nên tình thương đặt sai chỗ.

Một chuyện nhỏ, nhưng với học sinh ngoại tỉnh đang học tập tại TPHCM là một niềm vui. Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, vừa yêu cầu tạo thuận lợi cho học sinh ngoại tỉnh nghỉ Tết Ất Tỵ. Các trường linh hoạt, giúp phụ huynh, học sinh yên tâm về quê sum vầy dịp Tết. Từng việc nhỏ, góp việc ý nghĩa, thầy cô cùng học trò ngày ngày vui đến trường.

Tạo sự đồng thuận trong nhà trường, với phụ huynh học sinh, sự đồng ý của cấp trên, tổ chức thực hiện minh bạch, công bạch. Tiếng lành đồn xa, khó khăn của trường từng bước tháo gỡ, trong ấm, ngoài êm, chan hòa trường học hạnh phúc. Đó là đích đến quản trị trường học!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới