(KTSG) - Sau một năm 2024 đầy biến động, kinh tế toàn cầu vẫn đạt được những kết quả khả quan với đà tăng trưởng ổn định và thương mại phục hồi. Tuy vậy, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn với nền kinh tế.
- Kịch bản nào cho kinh tế thế giới khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng
- Dư địa cải cách cho Việt Nam nhìn từ chỉ số tự do kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu vẫn vững vàng
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bất chấp những thách thức đáng kể, kinh tế toàn cầu vẫn cho thấy sự ổn định đáng kinh ngạc, với GDP trong năm 2024 dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,2%, nhỉnh hơn so với mức 3,1% của năm ngoái.
OECD nhận định, với sự hỗ trợ từ lập trường chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, lạm phát toàn phần tiếp tục giảm, hiện đã lùi về mức mục tiêu ở gần một nửa các nền kinh tế tiên tiến, và gần 60% các nền kinh tế mới nổi. Thị trường lao động đã dần hạ nhiệt, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử.
Tăng trưởng toàn cầu vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, với điểm sáng là Mỹ và các nước mới nổi tại châu Á. Trong đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2024, nhờ động lực chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, và đang hướng tới kịch bản hạ cánh mềm.
Tại Trung Quốc, nhu cầu nội địa có dấu hiệu phục hồi nhờ các biện pháp kích thích mạnh nhất kể từ đại dịch Covid-19, kết hợp cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, sự trì trệ của lĩnh vực bất động sản và tài chính vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng. OECD dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc ước đạt 4,9% trong năm 2024, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mục tiêu của chính phủ nước này.
Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến chỉ tăng 0,8% trong năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức rơi vào tình trạng trì trệ. Ấn Độ nổi lên như một “ngôi sao sáng” của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng dự kiến 6,8%, trong khi kinh tế Nhật Bản dự kiến suy giảm 0,3%.
Sự điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương
Sau quãng thời gian tăng lãi suất mạnh tay trong những năm trước để kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở mức cao, trong năm 2024 các ngân hàng trung ương đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bất chấp những thách thức đáng kể, kinh tế toàn cầu vẫn cho thấy sự ổn định đáng kinh ngạc, với GDP trong năm 2024 dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,2%, nhỉnh hơn so với mức 3,1% của năm ngoái.
Dù không phải ngân hàng trung ương đi đầu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn là cái tên gây nhiều chú ý nhất, khi bắt đầu hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 9. Kể từ đó tới nay, Fed đã cắt giảm lãi suất tổng cộng ba lần, với tổng mức cắt giảm 1 điểm phần trăm.
Ngoài Mỹ thì châu Âu, Anh, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng đã lần lượt điều chỉnh lãi suất, giảm bớt sức ép lên đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.
Ở chiều ngược lại, một nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản cũng có động thái đáng chú ý, khi tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, và từ bỏ chính sách lãi suất âm gây nhiều tranh cãi. Sau hai lần điều chỉnh, lãi suất tại Nhật Bản hiện đã lên quanh mức 0,25%, nhưng chưa thể kéo giá yen Nhật lên mức cao như kỳ vọng của thị trường.
Sự phân mảnh trong môi trường thương mại quốc tế
Một báo cáo công bố trong tháng 12 của Liên hiệp quốc cho thấy, kim ngạch thương mại toàn cầu trong năm 2024 sẽ cán mốc 33.000 tỉ đô la Mỹ, tăng 1.000 tỉ đô la (tương đương 3,3%) so với năm 2023. Trong đó, thương mại dịch vụ tăng 7%, đóng góp khoảng một nửa mức tăng trưởng thương mại toàn cầu. Thương mại hàng hóa dù tăng trưởng 2%, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh của năm 2022.
Tuy nhiên, bất chấp những kết quả tích cực, tăng trưởng thương mại toàn cầu đang bị che mờ bởi các căng thẳng địa chính trị gia tăng, cùng với nguy cơ chiến tranh thương mại. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dòng chảy thương mại ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự liên kết địa chính trị của các quốc gia thay vì chỉ các yếu tố kinh tế.
Hơn hai năm sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bị phân chia thành hai khối riêng giữa phe ủng hộ Nga và phe ủng hộ Ukraine. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo, một kịch bản phân tách hoàn toàn sẽ khiến kinh tế toàn cầu suy giảm 5%.
Trong khi đó, cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Israel và Hamas đã lan rộng, ảnh hưởng tới một số quốc gia trong khu vực. Mặc dù xung đột chưa ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung dầu như lo ngại của thị trường, hoạt động thương mại toàn cầu đã chịu tác động đáng kể.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ đã tác động lớn tới tuyến hàng hải quan trọng, chuyên chở khoảng 12-15% lượng hàng hóa toàn cầu. Các hãng vận tải đã phải lựa chọn các tuyến đường an toàn hơn nhưng cũng dài hơn và tốn kém hơn, khiến chi phí hàng hóa gia tăng.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các nước phương Tây cũng gia tăng trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ ngày càng gay gắt. Mỹ và các đồng minh tiếp tục thắt chặt kiểm soát đối với các lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động sản xuất chip, bằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Các nước phương Tây cũng tăng thuế quan đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là xe điện, nhằm bảo hộ thị trường nội địa. Đáp lại, Trung Quốc đã gia tăng sức ép lên các doanh nghiệp nước ngoài, mở các cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng nhập khẩu, và hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng. Căng thẳng được dự báo sẽ còn gia tăng hơn nữa trong năm tới, sau khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai.
Dẫu vậy, bất chấp các căng thẳng đang gia tăng tại nhiều nơi, một tín hiệu tích cực là những thỏa thuận thương mại tự do vẫn tiếp tục được ký kết. Đáng chú ý hơn cả là thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và bốn quốc gia Mercosur (bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay).
Những thách thức từ biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu tiếp tục là một thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo Tập đoàn bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 310 tỉ đô la Mỹ trên thế giới trong năm 2024. Những tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu phải thực hiện nhanh các biện pháp giảm thiểu khí thải. Điều này đòi hỏi các chính phủ và doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và chính sách bảo vệ môi trường.
Những sự chuyển biến tích cực tiếp tục được ghi nhận trong lĩnh vực năng lượng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn cầu dự kiến đạt mức cao kỷ lục 2.000 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, cao gấp đôi so với đầu tư vào các nhiên liệu hóa thạch gồm dầu thô, khí đốt và than.
Bên cạnh đó, ngành năng lượng cũng chứng kiến một xu hướng đáng chú ý, khi ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân - coi đây là giải pháp đảm bảo cả hai mục tiêu về an ninh năng lượng và giảm phát thải. Mỹ đã công bố kế hoạch tăng gấp 3 sản lượng điện hạt nhân vào năm 2050, trong khi Trung Quốc đã trở thành nước có công suất lắp đặt điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề tài chính khí hậu vẫn là rào cản lớn. Tại Hội nghị COP29 về biến đổi khí hậu (COP29), các quốc gia phát triển đã cam kết sẽ chi ít nhất 300 tỉ đô la/năm trước năm 2035 để giúp các quốc gia đang phát triển xanh hóa nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng đáng kể so với mức 100 tỉ đô la theo cam kết hiện tại. Thế nhưng, theo các quốc gia đang phát triển, con số này vẫn là quá thấp.
Năm thăng hoa của cổ phiếu AI, vàng và bitcoin
Trên thị trường chứng khoán, cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) kéo dài suốt hai năm qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cổ phiếu nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là Nvidia tăng hơn 170%, và hai lần vượt qua các tập đoàn công nghệ Apple và Microsoft để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Sự bùng nổ của cổ phiếu Nvidia và nhóm ngành công nghệ, bán dẫn đang giúp chứng khoán Mỹ hướng tới một năm khởi sắc, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq tăng khoảng 30% kể từ đầu năm, còn chỉ số S&P 500 tăng 24%.
Giá vàng cũng ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ nhờ lực mua của các ngân hàng trung ương và làn sóng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu. Nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn tăng cao, do những lo ngại về xung đột tại Ukraine, Trung Đông và nợ công của các nước châu Âu. Theo MarketWatch, kể từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 27%, và có khoảng 40 lần lập đỉnh.
Kể từ đầu năm, giá bitcoin đã tăng khoảng 126%, đẩy giá trị vốn hóa thị trường lên khoảng 2.000 tỉ đô la. Sau đợt tăng mạnh hồi tháng 1 nhờ việc Mỹ phê duyệt hoạt động của các quỹ ETF bitcoin, giá bitcoin tiếp tục bùng nổ trong những tháng cuối năm sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump - người có quan điểm thân thiện với tiền mã hóa. Hôm 16-12, giá bitcoin có lúc đã chạm ngưỡng kỷ lục 106.500 đô la, sau thông tin Mỹ sẽ có kho dự trữ bitcoin vào năm tới.
Nguồn: Reuters, OECD, WEF, UN, New York Times, Al Jazeera