Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư tư nhân là động lực tăng trưởng của năm 2025

Trịnh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tăng trưởng vượt kỳ vọng và lạm phát được kiểm soát tốt đang là những bước đệm vững vàng để kinh tế Việt Nam bước vào pha hồi phục. Tuy nhiên đầu tư tư nhân sẽ cần phải hồi phục mạnh mẽ để dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2025.

Đầu tư tư nhân chính là động lực “tăng tốc, bức phá” cho năm 2025. Ảnh: LÊ VŨ

Bức tranh sáng, tối của tăng trưởng kinh tế năm 2024

Theo các cấu phần chính của nền kinh tế là chi tiêu cuối cùng của cá nhân và hộ gia đình (C), đầu tư (I), chi tiêu của chính phủ (G) và xuất nhập khẩu (X-M) thì tăng trưởng kinh tế năm 2024 chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư và xuất khẩu, được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cụ thể, với cấu phần đầu tư (I), vốn FDI tăng 10,6%, dẫn dắt cho sự tăng trưởng đầu tư toàn xã hội, so với mức tăng 7,7% của khối tư nhân hay mức tăng 3,3% của vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước. Giải ngân vốn FDI cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay với vốn thực hiện ước đạt khoảng 25,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,4% so với năm 2023. Ngoài ra, xuất nhập khẩu (X-M) cũng ghi nhận mức tăng hai con số, với thặng dư thương mại hàng hóa đạt 24,77 tỉ đô la. Một lần nữa, thành tích xuất khẩu cũng chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở phần còn lại, chi tiêu của hộ gia đình, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt mức tăng 9,6%. Tuy đây không phải là mức tăng thấp nhưng nếu so mới mức tăng bình quân trên hai con số của giai đoạn trước thì chi tiêu của hộ gia đình vẫn chỉ đang ở giai đoạn hồi phục. Bên cạnh đó, cấu phần chi tiêu chính phủ (G) cũng ghi nhận tốc độ giải ngân đầu tư tương đối chậm trong năm 2024, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tóm lại, bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2024 với những gam màu sáng đến từ quá trình chuyển dịch của dòng vốn FDI mới cũng như sự hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hiện tại. Mảng màu tối thuộc về kinh tế tư nhân trong nước khi sản xuất và tiêu dùng trong nước nhìn chung vẫn chưa khởi sắc.

Chính vì vậy mặc dù GDP đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 7,09%, lạm phát cũng được kiểm soát ở mức 3,63%, nhưng dường như cả người dân lẫn doanh nghiệp đều chưa cảm nhận được sự hồi phục rõ rệt.

Đầu tư tư nhân là động lực tăng trưởng cho năm 2025

Nếu 2025 đang được đánh giá là “năm tăng tốc, bứt phá” để hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2030 thì đầu tư tư nhân chính là động lực “tăng tốc, bức phá” cho năm 2025.

Trước giai đoạn dịch Covid-19, đầu tư tư nhân luôn giữ vai trò chủ đạo tới tốc độ tăng trưởng hàng năm hai con số. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân đã giảm đáng kể, với hai năm gần nhất đều ở mức khá thấp 2,7% trong năm 2023 và 7,7% trong năm 2024. Thay vào đó, đầu tư từ nguồn vốn FDI duy trì đà tăng trưởng và trở thành động lực cho nền kinh tế như đã nói ở trên.

Niềm tin vào cơ hội kinh doanh thấp khiến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của khối tư nhân giảm tốc, điều này đến lượt nó lại khiến thu nhập dân cư giảm và kéo theo sự sụt giảm tiêu dùng và nhu cầu hàng hóa, cuối cùng dẫn đến cơ hội kinh doanh thu hẹp.

Cần nhớ lại rằng trong năm 2024, các chính sách kích thích tiêu dùng đã được triển khai khá nhiều, bao gồm đợt tăng lương cơ sở cũng như giảm thuế giá trị gia tăng, thuế phí trước bạ cho ô tô. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội đề ra (6,5-7% và hướng đến 7-7,5%), hoặc cao hơn là mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ (tối thiểu 8%), việc kích thích lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ là điểm then chốt.

Để làm được điều này, điểm quan trọng đầu tiên là Chính phủ cần tiếp tục duy trì được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và tỷ giá. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thể chế, khắc phục điểm nghẽn về pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, cơ hội từ làn sóng chuyển dịch của các công ty công nghệ có thể sẽ là yếu tố kích hoạt đầu tư tư nhân mới vào lĩnh vực công nghệ nói riêng cũng như toàn nền kinh tế nói chung. Trong những tháng cuối năm 2024, Chính phủ đã thông qua Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025 với kỳ vọng sẽ tạo ra được những định hướng bản lề cho làn sóng công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Đây đều là những tín hiệu tích cực giúp tăng cường khả năng đón làn sóng mới của doanh nghiệp trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới